Thứ Hai, 04/11/2013 09:39

Dòng tiền mới đã vào: Kỳ vọng thay đổi hay chỉ là mùa vụ?

Dòng tiền đổ mạnh vào thị trường từ đầu năm 2013 đến nay có đóng góp không nhỏ từ dòng tiền mới.

Dòng tiền đã bất ngờ đổ mạnh vào thị trường đã giúp cho chỉ số VN-Index tăng điểm khá tốt trong thời gian gần đây. Tính từ ngày 20/09 đến nay, khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên trên sàn HOSE đạt tới 64.5 triệu đơn vị, tăng 19.7% so với khối lượng trung bình từ đầu năm 2013 đến nay là 53.9 triệu đơn vị.

Đáng chú ý là thanh khoản thị trường tăng mạnh nhưng lại không đi kèm với bất kỳ thông tin hỗ trợ tích cực đáng kể nào. Do đó, giới đầu tư đang đặt câu hỏi liệu dòng tiền này có thật sự bền vững, có duy trì được đến cuối năm 2013 hay không?

Có hai giả thiết lý giải cho việc thanh khoản thị trường tăng đột biến: (1) Do nhà đầu tư tăng tần suất giao dịch mà không có dòng tiền mới xuất hiện, và (2) Có sự xuất hiện của dòng tiền mới đổ vào thị trường.

Nếu giả thiết đầu tiên đúng, thì nhiều khả năng dòng tiền chỉ mang tính chất thời vụ, đầu tư ăn theo KQKD quý 3 và sẽ thiếu tính bền vững. Ngược lại, nếu giả thiết thứ hai đúng thì rõ ràng đây là tín hiệu tích cực đối với thị trường vì nó cho thấy kỳ vọng của giới đầu tư đã lạc quan hơn. Điều này cũng đồng nghĩa dòng tiền sẽ bền vững hơn và trở thành động lực giúp thị trường duy trì xu hướng tăng điểm vào cuối năm 2013.

Xem xét thông tin từ BCTC quý 3/2013 của các CTCK có thị phần môi giới lớn trên thị trường sẽ giúp cho chúng ta tìm ra giả thiết đúng.

Chứng khoán lưu ký giảm, dòng tiền rời bỏ thị trường?

Thống kê ở Bảng 1 cho thấy khoản mục chứng khoán lưu ký ở hầu hết các CTCK vào cuối quý 3 đều giảm so với đầu năm 2013, duy chỉ có VND tăng hơn 37%.

Khoản mục này sụt giảm khiến nhiều người liên tưởng đến việc dòng tiền đang rời bỏ thị trường. Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là:

(1) Khoản mục chứng khoán lưu ký cuối quý 3 chỉ sụt giảm nhẹ, vì vậy cho dấu hiệu ổn định nhiều hơn là rời bỏ thị trường.

(2) Các khoản mục này được báo cáo dưới dạng giá trị, và vì thế có thể bị ảnh hưởng bởi sự lên xuống của giá chứng khoán.

(3) Khoản mục này được ghi nhận tại thời điểm báo cáo nên chỉ mang tính thời điểm.

Do đó, mặc dù khoản mục chứng khoán lưu ký sụt giảm nhưng chúng ta chưa thể kết luận rằng dòng tiền đang rời bỏ thị trường. Sẽ cần phải tiếp tục xem xét những chỉ tiêu khác để có đánh giá rõ ràng hơn.

Bảng 1: Chứng khoán lưu ký và Doanh thu lưu ký (Nguồn: VietstockFinance)

Doanh thu dịch vụ lưu ký tăng mạnh so với cùng kỳ

Thống kê của Vietstock trong Bảng 1 cho thấy doanh thu lưu ký của nhiều CTCK trong 9T/2013 đã tăng khá mạnh so với cùng kỳ 2012. Trong đó, VND có mức tăng mạnh gấp 3 lần, SHS cũng tăng 81.8%, còn SSIHCM tăng lần lượt 8.1% và 3.7%.

Theo quy định hiện nay, chỉ cần có chứng khoán trong tài khoản là nhà đầu tư phải nộp phí lưu ký chứng khoán, với mức 0.5 đồng/cổ phiếu, chứng chỉ quỹ/tháng.

Do đó, khoản doanh thu dịch vụ lưu ký tăng nhiều khả năng xuất phát từ việc gia tăng số lượng chứng khoán trong tài khoản của nhà đầu tư. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy xuất hiện dòng tiền mới vào thị trường trong 9T/2013.

Tiền gửi khách hàng tăng mạnh. Lượng tiền sẵn sàng tham gia thị trường lớn

Lượng tiền gửi khách hàng đến cuối quý 3/2013 tại các CTCK được thống kê hầu hết đều tăng so với đầu năm 2013. Ngoại trừ HCM suy giảm, khoản mục tiền gửi khách hàng tại BVS tăng mạnh tới 32.5% so với đầu năm 2013, SSI cũng tăng 26% và SHS tăng 7.6%.

Đây là dấu hiệu tích cực vì nó cho thấy lượng tiền sẵn sàng tham gia vào thị trường đang tăng khá mạnh.

Bảng 2: Tiền gửi khách hàng và Phải thu nghiệp vụ ký quỹ (Nguồn: VietstockFinance)

Hoạt động margin tăng mạnh

Từ đầu năm 2013 đến nay, khoản phải thu nghiệp vụ ký quỹ ở các CTCK có thị phần môi giới lớn được thống kê đều tăng rất mạnh. Điển hình nhất là SSI có mức tăng mạnh đến 82.1%, HCM và BVS lần lượt tăng 78.5% và 62%, trong khi VND tăng 15.7% và SHS cũng tăng 10.6%.

Phải thu nghiệp vụ ký quỹ phản ánh khoản tiền mà CTCK cho giới đầu tư vay để thực hiện các hoạt động margin. Do đó, khoản mục này tăng mạnh là dấu hiệu cho thấy đã có một lượng tiền mới được bơm vào thị trường thông qua kênh ký quỹ.

Kết luận: Với những phân tích ở trên, có thể thấy dòng tiền đổ mạnh từ đầu năm đến nay có đóng góp không nhỏ từ dòng tiền mới. Điều này củng cố cho giả thiết thứ hai là đúng, tức là dòng tiền mới vào thị trường có tính bền vững chứ không phải mùa vụ.

Từ đầu năm đến nay, mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực nhưng dòng tiền vẫn đổ mạnh vào thị trường.

Do đó, ở những tháng cuối năm nhiều khả năng thanh khoản của thị trường sẽ tiếp tục được cải thiện khi xuất hiện thêm các yếu tố mới hỗ trợ, như lạm phát tiếp tục được kiềm chế, tín dụng cải thiện, VAMC đi vào hoạt động cũng như yếu tố vụ mùa cuối năm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Huỳnh Nhật Trình

công lý

Các tin tức khác

>   Chứng khoán Tháng 10/2013: VAMC bắt đầu hành động, niềm tin có trở lại? (07/10/2013)

>   Chứng khoán Tháng 9/2013: Dòng tiền trong nước chống đỡ xu hướng tiêu cực từ khối ngoại? (06/09/2013)

>   Chứng khoán Tháng 8/2013: “Hồi hộp” đối mặt với khoảng trống thông tin tích cực! (06/08/2013)

>   Chứng khoán Tháng 7/2013: Không nên nhảy vào cổ phiếu ngân hàng? (09/07/2013)

>   Chứng khoán Tháng 5/2013: Niềm tin chính sách vĩ mô cần phải trở lại (14/05/2013)

>   Chứng khoán Tháng 4/2013: Cũng vui được... “một vài trống canh”? (08/04/2013)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 18 - 22/03: Vẫn đang “rối” với vàng phi SJC và vàng SJC (17/03/2013)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 11 - 15/03: Trái chiều kỳ vọng con số nợ xấu! (10/03/2013)

>   Kênh đầu tư Tháng 3/2013: Giá vàng sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp  (12/03/2013)

>   Kênh đầu tư Tháng 03/2013: Chứng khoán ngóng chờ thành lập công ty quản lý khai thác tài sản (VAMC) (11/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật