Góc Broker: Đoạn khó kiếm ăn!
Tuần đầu tiên của tháng 7 đáng ra sẽ tích cực trọn vẹn nếu có thanh khoản.
Tuần đầu tiên của tháng 7 đáng ra sẽ tích cực trọn vẹn nếu có thanh khoản. VN-Index vận động tích cực về điểm số khi break qua 483 (giá đóng cửa của phiên dừng rơi ngày 27/06), chỉ đáng tiếc phiên break out (ngày 02/07) lại không đi kèm với khối lượng đột biến. Mà khối lượng đo lường mức độ chắc chắn của tín hiệu break, nên tuần qua mặc dù một số cổ phiếu trong danh mục Đầu tư tăng trưởng có điểm mua nhưng người viết chỉ dám vào hàng theo kiểu “ném đá dò đường”. Dù sao ngoài yếu tố thanh khoản, trước mắt VN-Index còn là vùng cản 490 khá mạnh. Vào tất tay ở gần vùng kháng cự mạnh hoặc gần vùng đỉnh cũ bao giờ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là cơ hội.
Theo quan điểm tiếp cận của anh Nguyễn Lê Thành Trung – trợ lý Giám đốc MBS Hải Phòng - thị trường giống như một đoàn tàu có 4 toa, toa dẫn đầu là dòng cổ phiếu Đầu tư tăng trưởng, gồm: HSG, PPC, REE, DRC, CSM, PVD, GAS, BMP... Dòng này tăng trưởng tốt trong suốt sóng tăng vừa qua, nhưng trong tháng 6 bị đè bán khá mạnh khiến nhiều mã có tín hiệu tiêu cực.
Mà tiêu cực nhất lại là HSG. Đánh giá của người viết vẫn cho rằng HSG là leader (cổ phiếu dẫn đầu) của dòng Đầu tư tăng trưởng. Thực tế, khi HSG tạo 4 doji vào cuối tháng 5 thì dòng cổ phiếu này đã bắt đầu chững lại. Sóng gió tháng 6 không ngờ lại làm HSG bết bát đến như vậy, khi lần đầu tiên nó phá vỡ những nguyên tắc đã duy trì suốt 6 tháng Uptrend tính từ 12/2012, như: Thủng Mid Bollinger, điều chỉnh giảm tương đối sâu 25% (từ đỉnh 51.5 xuống 38.8).
Nhìn lại lịch sử Downtrend 6 tháng 2012, HSG là mã có sức chống đỡ rất tốt khi thị trường xuống dốc thảm hại, HSG chỉ đi ngang tích lũy, và mức điều chỉnh giảm của nó chỉ là... 22% (từ 18.4 về 14.3). Về cơ bản, HSG có cả những thông tin tích cực và tiêu cực trong thời gian vừa qua; nhưng để phân tích và định giá HSG theo cơ bản thì cần đợi Báo cáo quý III theo niên độ tài chính kế toán của HSG. Dù sao, với vùng giá hiện tại của HSG, nhà đầu tư (NĐT) hướng đến chiến lược “Mua và nắm giữ” trong trung hạn có thể giải ngân. Về ngắn hạn thì với cách nhìn của người viết, chừng nào HSG qua được 43.5 (là ngưỡng cản mạnh của HSG trong 3 phiên 20, 21 và 24/06) với khối lượng đột biến thì có thể tham gia.
Tuần vừa qua một số mã như REE, PPC, PET, BTP... có dấu hiệu; nhưng những mã còn lại không bắt nhịp cùng. Quan điểm của anh Nguyễn Lê Thành Trung cho rằng, đoạn này một số mã như PPC, REE có dấu hiệu “đi lạc” nhiều hơn là mang tính dẫn dắt cả dòng, bởi phản ứng của PPC, REE không có dấu hiệu lan tỏa đến các cổ phiếu khác. Hiện giờ, REE và PPC cũng đang tiệm cận vùng đỉnh cũ, giải ngân ở vùng giá hiện tại rủi ro nhiều hơn vì chưa chắc hai cổ phiếu này đã vượt được đỉnh, trong khi từ giá hiện tại lên đến đỉnh chỉ tầm 10%.
Thị trường đi ngang xập xình với thanh khoản thấp như hiện nay có khả năng tích lũy để đi lên tiếp. Quá trình tích lũy tốt nhất rơi vào tầm 4-7 phiên; nếu quá trình đi ngang kéo dài trên 10 phiên, kèm với thanh khoản cạn kiệt thì tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn; bởi quá trình đi ngang càng dài thì động lực tăng trưởng càng bị bào mòn và dễ dẫn đến bán tháo. Nhất là hai phiên gần đây, thị trường xanh điểm cả sáng, nhưng chỉ cần 5-10 phút để quay trở lại điểm xuất phát ban đầu.
Đoạn này NĐT trading lướt sóng, chấp nhận rủi ro cao cũng chỉ nên dành 30% tổng tài sản vào cổ phiếu. Với NĐT thận trọng, chấp nhận rủi ro thấp thì tốt nhất nên đứng ngoài, đợi thị trường đưa ra câu trả lời rõ hơn về xu hướng. Khi dòng cổ phiếu đầu tư tăng trưởng lần lượt vượt đỉnh cũ thì mới nên quay trở lại thị trường.
Đoàn Xuân Thạo
Infonet
|