Thứ Tư, 03/07/2013 13:01

FCN: Nghi vấn công bố thông tin ”mập mờ” – Ai hưởng lợi?

Việc công bố thông tin không rõ ràng có thể đem lại cơ hội cho người này nhưng cũng có thể gây thiệt hại cho người khác.

Một vài tuần qua, trong khi thị trường vẫn giao dịch khá tiêu cực thì cổ phiếu của CTCP Kỹ Thuật Nền Móng & Công Trình Ngầm FECON (HOSE: FCN) đã làm cho giới đầu tư phải ngạc nhiên khi liên tục đi ngược chiều với thị trường.

Tính từ ngày 10/06 trở lại đây, FCN đã có 6 phiên tăng điểm, trong đó 3 phiên tăng trần. Giá cổ phiếu này đã tăng vọt từ 17,700 đồng lên 21,100 (27/06), tương ứng với mức tăng 19.2%.

Thêm vào đó, khối lượng giao dịch trung bình ở mức khá với 744,988 đơn vị, trong đó, phiên giao dịch ngày 13/06 giao dịch đột biến với hơn 1.4 triệu đơn vị được sang tay.

Biểu đồ giá và khối lượng của FCN từ ngày 10/06-27/06 (Nguồn: VietstockFinance)

Lợi nhuận quý 1 đạt 22% kế hoạch năm, có thêm khoản lãi góp vốn liên kết FCM

Doanh thu quý 1/2013 theo BCTC công bố đạt 263.7 tỷ đồng, giảm gần 6% so với quý 1/2012. Lợi nhuận sau thuế quý 1/2013 của FCN đạt 26.9 tỷ đồng, tăng 3.9% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm gần 32% so với quý 4/2012.

So với kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2013 ở mức 120 tỷ đồng, lợi nhuận quý 1 của FCN đạt 22.4%.

Trong quý 1 đã xuất hiện thêm khoản lãi 4.23 tỷ đồng từ góp vốn liên kết với CTCP Khoáng sản FECON (HOSE: FCM), góp phần gia tăng thêm lợi nhuận sau thuế.

Thông tin ”mập mờ” về hợp đồng cọc bê tông

Ngày 11/06, FCN công bố thông tin trên website rằng FCN và công ty liên kết FCM đã được chấp thuận nguyên tắc cung cấp và thi công khoảng 60% khối lượng cọc cho hạng mục cung cấp cọc xử lý móng cho Dự án xây dựng nhà máy Samsung. Dự kiến tổng vốn đầu tư cho hạng mục nền móng của dự án này là 1,500 tỷ đồng.

Sau khi thông tin này được công bố, cổ phiếu FCN đã liên tục tăng trần và khối lượng giao dịch đột biến.

Tuy nhiên, sau đó vào ngày 19/06, FCN đã có công văn giải trình thông tin liên quan đến dự án này. Trong công văn giải trình, FCN nói thêm công ty được cung cấp 60% khối lượng cọc bê tông dự ứng lực cho hạng mục xử lý móng của dự án.

FCN cũng nhấn mạnh rằng không có nghĩa là công ty sẽ được thực hiện toàn bộ 60% của cả 1,500 tỷ đồng cho toàn bộ hạng mục xử lý nền móng. Vì tổng giá trị xử lý nền móng ước tính bao gồm 3 loại phương pháp: (i) Cọc bê tông dự ứng lực; (ii) Cọc khoan nhồi; (iii) Khoan dẫn. Hiện tại, chưa có một đơn vị thầu nào có đủ năng lực để nhận toàn bộ các hạng mục nêu trên.

Điểm đáng lưu ý là hai bên mới chỉ ký kết hợp đồng thỏa thuận nguyên tắc, chưa có giá trị cụ thể cho toàn bộ hợp đồng.

Với thông tin hiện có, chúng ta không biết rõ FCM và FCN sẽ tiến hành bao nhiêu phần trăm của hạng mục nền móng giá trị 1,500 tỷ đồng này.

Do đó, mức tăng điểm mạnh của FCN vừa qua có phải là phản ứng thái quá và chúng ta có nên chờ đợi những thông tin chính thức và rõ ràng hơn để quyết định đầu tư?

Đồng thời, sự việc này cũng đặt ra câu hỏi liên quan đến chất lượng của việc công bố thông tin của các doanh nghiệp. Việc công bố thông tin không rõ ràng có thể đem lại cơ hội cho người này nhưng cũng có thể gây thiệt hại cho người khác.

Cổ đông nội bộ muốn bán trước khi nhận thêm cổ phiếu

Mới đây, ĐHĐCĐ thường niên của FCN đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức 2012 với tỷ lệ chi trả cổ tức là 30%, trong đó 10% bằng tiền mặt (đã tạm ứng) và 20% bằng cổ phiếu. Đồng thời, FCN cũng có kế hoạch phát hành gần 20 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu bằng mệnh giá.

Đáng lưu ý là bất chấp thông tin tích cực và việc nhận thêm cổ phiếu từ chi trả cổ tức, hàng loạt cổ đông nội bộ vẫn liên tiếp đăng ký bán ra từ tháng 5 đến nay. Các cổ đông nội bộ này bao gồm Phó Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT và một loạt các cổ đông có liên quan với các nhân sự này.

Có thể thấy việc đăng ký bán cổ phiếu của các thành viên chủ chốt khi giá cổ phiếu đang tăng mạnh, đặc biệt là sau khi thông tin tích cực được công bố, đã giúp đem lại một mức sinh lời nhất định.

Hữu Trọng

Infonet

Các tin tức khác

>   Xu hướng nào cho cổ phiếu GAS, REE, MSN, CSM, VSH, HSG và FPT? (01/07/2013)

>   Góc Broker: Đáy sau cao hơn đáy trước! (30/06/2013)

>   Margin Call nay đã khác xưa! (26/06/2013)

>   HAR: Tăng mạnh nhờ trái phiếu chuyển đổi và hoạt động khai khoáng? (25/06/2013)

>   Nghề mình mà – UPCoM như tiệm bán đồ sida, đôi khi cũng vớ được hàng ngon (24/06/2013)

>   Thị trường vàng sau 30/6: Đâu là giải pháp để ổn định (24/06/2013)

>   Góc Broker: Đè chỉ số để gom hàng? (22/06/2013)

>   Góc broker: Đừng nhìn điểm số đoạn này! (17/06/2013)

>   PSI: Đã tăng mạnh, nên bán để mua lại với giá thấp hơn? (13/06/2013)

>   Nghề mình mà – Mua cổ ế HHS: Chiêu này hay! (11/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật