Thị trường vàng sau 30/6: Đâu là giải pháp để ổn định
Vấn đề ổn định thị trường vàng trong nước, cũng như đưa giá vàng trong nước về sát với giá vàng thế giới sau ngày 30/6 liệu có thể thực hiện khi vẫn còn nhiều khó khăn?
Trước ngày 30/6, hai lực cầu chính trên thị trường vàng chủ yếu đến từ nhu cầu của các NHTM để thực hiện tất toán trạng thái vàng và nhu cầu mua vàng tích trữ của người dân.
Thông qua các đợt đấu thầu vàng miếng từ phía NHNN, tính từ thời điểm 28/3 đến nay, NHNN đã chào thầu tổng cộng 952,000 lượng (tương đương 36.6 tấn vàng), trong đó, số lượng vàng mà các tổ chức trúng thầu đạt 865,000 lượng, tương đương 33.3 tấn. Lượng vàng đấu thầu từ phía NHNN được coi là giải pháp nhằm giải toả “cơn khát” vàng từ phía các NHTM trong khi hạn tất toán 30/6 đang gần kề. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 5-6 NHTM chưa thực hiện xong tất toán trạng thái vàng.
Có thể thấy nhu cầu vàng từ phía các NHTM, được đánh giá là lực cầu chủ yếu và có ảnh hưởng mạnh nhất đến thị trường vàng trong thời gian gần đây đã đến hồi kết khi các NHTM đều đồng loạt tất toán trạng thái vàng. Như vậy, trên thị trường chỉ còn lực cầu duy nhất đến từ phía người dân. Liệu giá vàng trong nước có thể sẽ giảm sau 30/6?
Lực cầu yếu nhưng dễ gây đột biến
Sau 30/06, nhu cầu vàng trên thị trường chủ yếu chỉ còn đến từ nhu cầu tích trữ của người dân khi mà các NHTM không được phép cho vay hay huy động vàng theo quy định. Tuy nhiên, cũng không thể coi thường lực cầu đến từ nhu cầu mua vàng tích trữ của người dân được.
Trước hết, cần làm rõ mục đích chính của người dân khi thực hiện mua vàng. Ngoài mục đích mua vàng để thực hiện những tập tục, tín ngưỡng thì việc người dân mua vàng có hai mục đích chính: xem vàng như một công cụ để phòng tránh lạm phát và thực hiện mua vàng như một kênh đầu tư dài hạn.
Trong điều kiện như hiện nay, lạm phát có thể không còn là một vấn đề quá lớn khi các chính sách tiền tệ của Chính phủ đã dần phát huy tác dụng với mục tiêu lạm phát chỉ tử 6-7%. Trong khi đó, các kênh đầu tư không còn hấp dẫn như trước, BĐS đóng băng, gửi ngân hàng lãi suất không cao, chứng khoán nhiều rủi ro…thì đầu tư vào vàng như một kênh đầu tư dài hạn là một kênh đầu tư hấp dẫn.
Cần lưu ý là người dân đi mua vàng thường không đánh giá giá vàng trong nước với giá vàng thế giới mà chỉ so sánh giá vàng so với mức đỉnh của nó trong quá khứ để quyết định có thực hiện mua hay không.
Điều này được minh chứng khi giá vàng trong nước giảm xuống mức dưới 40 triệu đồng/lượng ngày 16/4.
Biểu đồ giá vàng SJC 3 tháng gần đây (Nguồn: SJC.com.vn)
|
Khi giá vàng xuống dưới mức 40 triệu đồng/lượng vào ngày 16/4, lực cầu bắt đáy của người dân rất mạnh, chỉ trong vài tiếng đồng hồ, đẩy giá vàng lập tức quay lại mức hơn 40 triệu đồng/lượng. Vào thời điểm giá vàng xuống dười 40 triệu đồng/lượng, nhiều người dân đổ xô đi mua vàng không phải vì giá vàng trong nước thu hẹp với giá thế giới mà vì giá vàng đã ở mức đủ thấp để mua vào theo quan điểm so với mức đỉnh trong quá khứ, lúc này không chỉ là việc đầu tư dài hạn mà có thể coi là đầu tư lướt sóng theo thị trường.
Phiên giao dịch ngày 21/06 là minh chứng rõ nhất cho động thái “bắt đáy” của người dân. Giá vàng nhanh chóng tái lập lại mốc 39 triệu đồng/lượng sau khi giảm dưới mốc này trong buổi sáng.
Đồng thời, trong quá khứ, khi giá vàng trong nước đạt đỉnh gần 50 triệu đồng/lượng, việc người dân “ôm” từng “bao tải tiền” đi mua vàng đã không còn là chuyện hy hữu. Trong khi hiện nay, khi giá vàng trong nước ở mức hơn 39 triệu đồng/lượng, nếu so với giá vàng thế giới thì hiện nay giá vàng trong nước vẫn cao hơn khoảng 5 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch được đánh giá là cao so với mức trước đây chỉ từ 2-3 triệu đồng/lượng. Nhưng nếu so sánh với đỉnh của thị trường trong nước trước đây xấp xỉ 50 triệu đồng/lượng thì đây được coi là một mức khá thấp.
Giá vàng hiện nay chỉ dao động trong ngưỡng 39 - 40 triệu đồng/lượng, một mức dao động hẹp chưa đủ sức hấp dẫn với người dân nhưng nếu sau 30/6, nếu có sự sụt giảm xuống dưới 39 triệu đồng/lượng, không ai dám chắc kịch bản 16/4 hay 21/06 có được lập lại hay không? Mặc dù lực cầu trong dân không thể bằng so với các tổ chức lớn như các NHTM nhưng trong ngắn hạn chắc chắn có thể kéo thị trường đi lên.
Mặc khác, tâm lý của người dân coi vàng như một kim loại quý có thể giảm trước mắt nhưng trong dài hạn chắc chắn sẽ lại tăng trở lại, nếu như không có một tác động mạnh đến giá vàng có thể khiến giá vàng tiếp tục giảm thì với những dao động trong biên độ hẹp như hiện nay, việc thu hút vàng trong dân phục vụ sản xuất chắc chắn không thể thành công.
Đâu là giải pháp cho thị trường
Quan trọng nhất là vai trò điều tiết thị trường từ phía NHNN, mặc dù cầu về vàng của các NHTM đã hết nhưng vẫn cần sự điều tiết từ phía NHNN nhằm đưa giá vàng tiếp tục giảm.
Nếu như việc tăng cung của NHNN dừng lại, với nhu cầu bắt đáy khi thị trường giảm trong khi cung không được duy trì thì không thể tránh khỏi giá vàng sẽ dao động trong một biên độ nhất định mà không thể tiếp tục giảm, như vậy mục đích cuối cùng của NHNN là đưa giá vàng trong nước về sát với giá vàng thế giới không thể thực hiện được.
Như vậy, hai việc cần làm để có thể đưa giá vàng về với giá vàng thế giới là:
Thứ nhất, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu tiếp tục kiềm chế tốt lạm phát, và ổn định kinh tế vĩ mô thì lý do mua vàng như một “chiếc pháo cứu sinh” chống lại lạm phát sẽ không còn nữa.
Thứ hai, tiếp tục cung ứng vàng để đưa giá vàng trên thị trường tiếp tục giảm. Khi thị trường tiếp tục giảm, nhận thấy cơ hội đầu cơ, tích trữ vàng không còn hiệu quả thì lực cầu bắt đáy sẽ giảm, đồng nghĩa với việc người dân sẽ quay lại bán vàng để tìm kênh đầu tư khác hiệu quả hơn thay vì tích trữ vàng như hiện nay. Như vậy, mục đích đưa giá vàng về sát với giá vàng thế giới và thu hút nguồn vàng trong dân để phục vụ sản xuất đều có thể thực hiện được.
Đào Minh Tuấn
Infonet
|