“Buy in May” đã thành công
Tháng 5 đánh dấu cột mốc quan trọng với nhà đầu tư khi lần lượt vượt qua các ngưỡng kháng cự mà năm 2011, 2012 chưa làm được. Tháng 5/2013 cũng đánh dấu mức tăng cao và nhanh nhất trong vòng hai năm trở lại đây.
Chỉ trong tháng 5, chỉ số VN-Index tăng 45.37 điểm, từ 473.02 điểm lên 518.39 điểm, tương ứng tăng 9.59%.
Diễn biến VN-Index tới 31/05
|
Phản ứng với thông tin doanh nghiệp
ĐHĐCĐ của các doanh nghiệp lớn trên sàn đã diễn ra gần hết nhưng không vì vậy hiệu ứng mùa ĐHĐCĐ mất đi. Trước ĐHĐCĐ, những kỳ vọng về hoạt động kinh doanh, thông tin tốt từ đại hội sẽ là động lực đẩy giá cổ phiếu (CP) tăng, thì sau đại hội sẽ là sự chờ đợi về khả năng vượt khó của doanh nghiệp (DN).
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng là một yếu tố quan trọng. Tại những DN làm ăn hiệu quả, NĐT có thể kỳ vọng những khoản “tiền tươi” từ chia cổ tức, chia thưởng 2012 hoặc tạm ứng cổ tức 2013.
KQKD của tháng 4, tháng 5 các DN công bố tại ĐHĐCĐ và các kênh truyền thông làm cho tâm lý nhà đầu tư thêm tin tưởng hơn và thực hiện nắm giữ cổ phiếu. Ngược lại, với những DN hoạt động thiếu nền tảng, tình hình kinh doanh không khả quan, cổ phiếu sẽ bị bán ra. Trong tháng 5, có rất nhiều mã cổ phiếu biến động với tình hình như vậy.
Cụ thể, với thông tin công khai đề án hợp nhất với WesternBank phiên ngày 06/05, PVF tăng 500 đồng/cp lên mức trần 8,800 đồng/cp. Bên cạnh PVF, với thông tin về gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ cho bất động sản cũng khiến cho các cổ phiếu thuộc lĩnh vực bất động sản như ITA, KBC, OGC, … tăng giá. PPC với thông tin lãi khủng gần ngàn tỷ, được mua mạnh giá trần ngay trong phút đầu mở cửa phiên giao dịch ngày 07/05. HAG bị ảnh hưởng bởi cáo buộc của Global Witness, trong phiên giao dịch ngày 14/05 đã giảm 1,400 đồng, tương ứng 6.14%, đóng cửa tại 21,400 đồng và còn nhiều mã cổ phiếu khác ảnh hưởng từ thông tin các doanh nghiệp.
Kiên nhẫn chọn lựa
Sẽ là quá sớm nếu khẳng định thị trường đang ở “chân” của một con sóng lớn hay sẽ tăng trong trung, dài hạn. Nhưng với những diễn biến vừa nêu, có thể thấy một xu hướng tốt hơn, giá tiếp tục tăng, các chỉ số sẽ tiếp tục tạo các đỉnh. Nhưng như vậy không có nghĩa NĐT có thể yên tâm mua vào và thu được lợi nhuận, vì diễn biến của thị trường hiện nay nếu nhìn từ bên ngoài rất dễ nhưng khi tham gia lại không đơn giản chút nào.
Thật vậy, với những nhà đầu tư tham gia thị trường từ lâu, trải qua bao nhiêu thăng trầm thì sự cẩn trọng của họ đối với thị trường càng thêm sâu sắc. Có lúc những thông tin vĩ mô ra hỗ trợ nhưng vẫn đi ngang chính là vì tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.
Trong tháng 5, có nhiều lúc thị trường đã đi theo xu hướng đó như phiên giao dịch đầu tháng 5, thanh khoản mất hút, tại HOSE khối lượng giao dịch chỉ đạt gần 13 triệu đơn vị trong phiên sáng, HNX còn tệ hơn khi chỉ đạt 8 triệu đơn vị. Còn phiên giao dịch ngày 17/05, mặc dù thanh khoản được cải thiện khi kết thúc phiên sáng khối lượng giao dịch tại HOSE hơn 36 triệu đơn vị, tại HNX gần 14 triệu đơn vị nhưng các cổ phiếu trụ cột tại hai sàn như BVH, VIC, VNM, VCG, SHB, SCR chỉ đi ngang, thậm chí là giảm điểm…
Tuy có nhiều lúc giao dịch không tốt, nhưng nhìn chung xu hướng nhà đầu tư trong tháng 5 là mua và nắm giữ những cổ phiếu cơ bản như HSG, DRC, hay CSM… và chờ đợi các yếu tố hỗ trợ để có thể bứt phá các cột mốc căn bản.
Vượt 500, băng qua 518 và chinh phục mốc 520 định mệnh
Không thiếu những tin tốt hỗ trợ để thị trường chinh phục các ngưỡng kháng cự quan trọng: Lãi suất điều hành và lãi suất huy động từ các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm mạnh, thấp nhất còn 5%; gói tín dụng 30,000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản sắp được triển khai; chưa kể VAMC được thông qua và ra đời trong tháng 7. Những tin tức hỗ trợ như vậy đủ sức nặng để kéo chỉ số hai sàn lên mạnh; nhưng phản ứng thực tế như có gì đó khá khác biệt trong hơn nửa thời gian đầu giao dịch của tháng 5.
Ở giai đoạn đầu của tháng 5, dòng tiền thay vì chảy mạnh vào các mã blue chip lại tìm đến các hàng đầu cơ thị giá thấp. Những cổ phiếu từng đốt cháy bao nhiêu tài khoản “full margin” hồi tháng 2 như PVX, KBC, ITA, SCR... tăng rất mạnh; trong khi nhiều cổ phiếu tăng trưởng như DRC, CSM, HSG, VPK, BMC... đa phần đứng im ở vùng giá cuối tháng 4.
Có thể dễ dàng lý giải hiện tượng tăng mạnh ở các mã đầu cơ kể trên bởi những thông tin được hỗ trợ; nhưng dưới góc độ phân tích kỹ thuật, với giả định tất cả thông tin phản ánh hết vào giá, thì hiện tượng tăng sốc ở các cổ phiếu đầu cơ trong giai đoạn này không phải là tín hiệu tốt. Các cổ phiếu đầu cơ thị giá thấp giữ vai trò quan trọng “nhóm lửa” khi thị trường bắt đầu sóng tăng, nhưng để sóng tăng kéo dài thì nhất thiết cần các cổ phiếu cơ bản tốt giữ lửa.
Bước vào giai đoạn giữa tháng 5, sau khoảng thời gian lình xình đầu tháng, thị trường đã nóng lên, thể hiện đầu tiên là VN-Index vượt mốc 490 với phiên giao dịch ngày 16/05 và nuôi hy vọng tiến xa hơn. Việc thông tin vĩ mô hỗ trợ như VAMC chính thức đi vào hoạt động trong quý 2, và gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ dành cho bất động sản đã có tín hiệu tích cực khi phiên ngày 21/05, VN-Index phá vỡ cột mốc quan trọng 500 điểm, tạo tiền đề cho sự bứt phá của chỉ số này.
Phiên giao dịch ngày 27/05 đánh dấu mức tăng mạnh của chỉ số VN-Index khi trong phiên đã có lúc tăng hơn 15 điểm lên mức 516.08 điểm. Thanh khoản phiên ngày 27/05 cũng gia tăng đáng kể khi có tới 173 triệu đơn vị được giao dịch tại hai sàn. Với việc giao dịch khá nóng của phiên ngày 27/05, nhà đầu tư cũng không phải chờ đợi lâu để chỉ số VN-Index lần lượt phá vỡ các cột mốc quan trọng. Phiên giao dịch ngày 30/05 lần lượt phá vỡ ngưỡng kháng cự ngắn hạn 518 và mốc 520 điểm. Vùng 520 được giới đầu tư truyền tai nhau là “cột mốc định mệnh” cho “sóng hồi” của VN-Index đợt này. Nhiều người dùng phân tích kỹ thuật (PTKT) cũng lo ngại vùng kháng cự mạnh 520 vì VN-Index từng thất bại trước vùng điểm này trong năm 2011, chưa kể một số kịch bản ủng hộ mô hình đảo chiều “double top”. Phiên ngày 29/05 cũng chứng tỏ phần nào sức mạnh của 520: hai lần trong phiên, VN-Index chạm ngưỡng này rồi bị đạp xuống; 93.4 triệu cổ phiếu được trao tay cũng khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) bất an về kịch bản phân phối.
Thỏa thuận tăng vọt ngành ngân hàng
Tháng 5 đánh dấu việc thỏa thuận khủng của hai ngân hàng Sacombank (HOSE: STB) và Eximbank (HOSE: EIB), khi khối lượng thỏa thuận là 120.3 triệu đơn vị ở STB và EIB với gần 43 triệu đơn vị. Trong đó, việc thỏa thuận của STB liên quan đến việc cấn trừ nợ của cha con ông Đặng Văn Thành (Nguyên Chủ tịch HĐQT của Sacombank).
Ngoài STB và EIB, ngành ngân hàng còn đóng góp thêm MBB với khối lượng giao dịch thỏa thuận 3.9 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, tháng 5 cũng có một số mã như DPM, KBC, REE, GAS, KDC ghi nhận giao dịch thỏa thuận với khối lượng trên 1 triệu đơn vị.
Tháng 5, ngoài giao dịch thỏa thuận cũng đánh dấu nhiều mã có khối lượng giao dịch tốt ở hai sàn như SHB, ITA, REE, PVX,… và một số mã có mức tăng cao như NKG, VNI, VE8, ….
Top 4 CK giao dịch nhiều nhất và tăng giá nhiều nhất của 2 sàn trong 23 phiên tháng 5/2013
|
Thống kê cho thấy nhóm CP thuộc VN30 nói chung và các trụ cột như BVH, MSN, VIC… có phần trầm lắng, nhường vị trí cho nhóm CP tầm trung và penny chips. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại không giống như giai đoạn 2009 hay nửa đầu 2010 để các đội lái có thể tung hoành và đánh những CP thiếu nền tảng tăng gấp đôi gấp ba như trước.
Top 20 CK tăng giá nhiều nhất trong 23 phiên tháng 5/2013 của 2 sàn
|
Khi thị trường chung vẫn có xu hướng tăng, việc ưu tiên chọn lựa những CP tốt, chưa tăng quá mạnh so với đà chung ít nhất cũng hạn chế được rủi ro giảm mạnh. Nếu kiên nhẫn chờ đợi khi CP đã vào guồng tăng giá, việc thu được tỷ suất lợi nhuận 20-30% không phải là điều quá khó khăn.
Hoàng Vi (Vietstock)
Infonet
|