360o CTCK: Margin và kẹp tài khoản
Nếu xem việc đầu tư chứng khoán là một công việc kinh doanh nghiêm túc và margin là công cụ tín dụng hỗ trợ kinh doanh thì margin là tích cực. Nó gia tăng sức mạnh cho nhà đầu tư (NĐT) nếu biết Dùng đúng thời điểm và Dừng đúng thời điểm.
Than ôi, trên TTCK chỉ có Tham lam và Sợ hãi, và dân Việt Nam xem chứng khoán như là một trò chơi có thưởng. Đa phần các NĐT nghĩ nhiều đến mối lợi của margin và bỏ qua mối hại của nó - nó có thể làm tăng tài khoản lên 100% thì có thể khiến tài khoản đi 100% trong nháy mắt.
Để kiểm soát công cụ margin, phòng ngừa rủi ro cho CTCK và cho cả NĐT, các CTCK đều có quy định các ngưỡng cảnh báo và giải chấp tài khoản. Vấn đề là các ngưỡng ấy do con người đặt ra và thực hiện, nên khi cần con người vẫn có thể phá bỏ nó.
Cần phải biết rằng, các tài khoản sử dụng margin lớn đều của khách hàng VIP hoặc là khách hàng thân thiết của Ban giám đốc hoặc môi giới. Ở đây cần mở ngoặc nói thêm, như dân gian đã đúc kết: Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ. Con người không vì danh thì ắt vì lợi. Nhiều người có thể làm lãnh đạo một CTCK với tầm nhìn chiến lược, sở hữu nhiều cổ phiếu của công ty và muốn đưa công ty lên hàng “top” để lưu danh thiên cổ nhưng cũng có người chỉ là làm thuê cao cấp, ít sở hữu cổ phiếu của công ty và vì thế có mục tiêu ngắn hạn hơn - dựa vào vị trí của mình để kiếm lợi.
Mà một công cụ để kiếm lợi khi thị trường thuận lợi chính là margin. Là sếp CTCK, anh có thể yêu cầu khối dịch vụ tài chính bảo lãnh vào các tài khoản chéo của mình hoặc của bạn bè mình để chơi cổ phiếu, đặc biệt là hàng nóng. Cái đó kêu bằng tay không bắt giặt. Trong trường hợp bắt được thì tốt, không bắt được thì ta tìm cách lấp đi hoặc liều hơn, cứ để gồng thế với hi vọng sau này phục hồi. Những tài khoản loại này thường có tỷ lệ margin rất cao hoặc thậm chí margin 100% nên chỉ cần một quyết định đầu tư sai lầm là cháy khét. Hơn nữa, vì là tài khoản của sếp hay bạn sếp nên việc xử lý quyết liệt thật không dễ dàng chút nào. Lúc đó khoản margin kia trở thành nợ khó đòi.
Song song với các tài khoản margin sếp này là tài khoản margin VIP. Như đã nói, để lôi kéo các khách hàng VIP thì ngoài những ưu đãi về phí, về thủ tục thì một ưu đãi quan trọng là tỷ lệ margin cao. Nhiều khách VIP mặc dù tiền, tài sản trong nhà có thể rất nhiều nhưng lại thường thích sử dụng tiền của người khác hơn: chơi T4 không cần nộp tiền hoặc có 1 đồng mua thành 10 đồng mới xứng danh VIP. Nếu lãi thì trả lãi vay còn nhiêu ăn tất. Nếu thua thì .... chưa chắc ta trả đâu nhé.
Hãy thử tưởng tượng: Bạn có 2 tỷ và yêu cầu CTCK cung cấp margin 2:8 thành 10 tỷ. Nếu uýnh trúng 1 nhát 50% hoặc 100%, bạn sẽ có lãi 5 đến 10 tỷ. Lãi vay margin chẳng đáng bao nhiêu so với khoản lợi nhuận này.
Nếu đánh sai, nếu kịp cắt lỗ đánh lại thì không nói làm gì. Nếu không kịp hoặc không dám cắt lỗ, bạn cứ để mặc kệ tài khoản thế, giảm vài phiên là bạn mất 2 tỷ và thảy tài khoản đó cho CTCK lo. Lúc đó môi giới chỉ có nước năn nỉ ỉ ôi bạn nạp tiền vào chơi tiếp hoặc bù số margin để thiếu hụt. Nhưng dại gì nộp, bạn có thể vác 2 tỷ tiền mới sang một CTCK khác yêu cầu như trên và vòng quay lại lặp lại. Tài khoản bị kẹp kia nếu lỗ thì CTCK đành ngậm ngùi tự xử lý mà chẳng biết kêu ai.
Tại sao vậy? Tại vì xét theo luật của Việt Nam, thì CTCK không được cho vay và hợp đồng hợp tác đầu tư kia là vô hiệu, dù có viết như giời bể thế nào thì nó thuộc loại lời ăn lỗ chịu theo tỷ lệ góp vốn, và NĐT nếu mất hết số vốn góp thì cũng không phải lo lắng thêm trách nhiệm gì. Cục xương khó nuốt được chuyển về cho CTCK gặm.
Vậy tại sao CTCK không cắt ngay từ đầu khi tài khoản chạm tỷ lệ báo động? Xin thưa là khó lắm đấy ạ.
Thứ nhất là vì tỷ lệ margin cao nên chỉ cần 1, 2 phiên giá giảm FL (giảm sàn) là đã quá tỷ lệ cảnh báo, nhiều lúc CTCK chả trở tay kịp.
Thứ hai là vì quan hệ giữa CTCK, môi giới và khách hàng: Mặc dù có quy trình xử lý margin, nhưng khi chạm tỷ lệ xử lý, thì thường là đàm phán, năn nỉ, khóc lóc từ phía khách hàng, thậm chí dọa nạt. Vừa vì tình (không thể xuống tay cắt xoẹt một cái được) vừa vì lợi (biết đâu cổ phiếu lên giá lại, mình giữ được khách hàng) nên môi giới và CTCK thường rất lần lữa trong việc xử lý, và đến khi cương quyết cắt thì thông thường là quá muộn.
Thứ ba là do đặc thù của TTCK vừa nhỏ lại vừa có biên độ. Việc ấn định giá CE (trần) và FL (sàn) nhiều lúc gây ra nút cổ chai khi thị trường biến động mạnh. Nút cổ chai này sẽ càng tắt nghẽn hơn nếu mọi người biết cổ phiếu nọ kia đang bị giải chấp. Lúc đó dẫu biết cần xử lý cũng không bán được, đến khi bán được thì than ôi, tài khoản đã âm tự lúc nào và chả ai dám bán cả.
--------------------------------------------------
Đọc thêm:
* Nhân sự và quy trình
* Tự doanh – Từ dễ như ăn kẹo đến mắc nạn
* Tự doanh - Con đường từ lướt sóng đến làm giá!
* Lâm nạn tập 2 và thoái trào của tự doanh chứng khoán
* Nghề môi giới chứng khoán
* Môi giới, đội lái và công nghệ làm hàng
* Khi tài khoản khách hàng trong tay môi giới
* Ma lực margin
* Margin - Rủi ro hàng nóng và hàng nguội
* Thảm họa giải chấp và cứu giá (Kỳ cuối, đón đọc lúc 20h ngày 06/06)
Nguyên Quân
(Nick Nguyên Quân đã có chuỗi bài viết về nhiều khía cạnh trong hoạt động của công ty chứng khoán, đăng trên Diễn đàn Vietstock từ quý 3/2011. Chuỗi bài viết hay và đầy ý nghĩa được dẫn lại trên Vietstock Blog với sự đồng ý của tác giả)
Infonet
|