360o CTCK: Ma lực margin
Ma lực của margin là thế nên khi thị trường giao dịch sôi động, đi đến CTCK nào thì câu đầu tiên khách hàng hỏi là về margin.
Lãi suất margin chỉ là chuyện nhỏ, quan trọng là tỉ lệ margin. Nếu là repo thì lúc đầu thì repo tầm 30 - 50% mệnh giá, tương đương margin 2:1. Tỷ lệ này vừa không đáp ứng hết nhu cầu của khách hàng mà việc repo ngày càng hạn chế do ngân hàng bị kiểm soát cho vay đối với chứng khoán. Có cầu thì ắt có cung, đặc biệt dân chơi CK vốn nổi tiếng liều mạng, chỉ cần được vay còn lãi suất bao nhiêu cũng bất kể.
Lúc đầu các CTCK chỉ lấy vốn của mình ra để làm, sau đó thấy lợi nhuận chảy về từ việc cung cấp margin bởi không chỉ lãi cho vay (cao hơn nhiều lãi cho vay thông thường) mà phí giao dịch còn tăng lên khủng khiếp. Các tài khoản xài margin đều là tài khoản lướt sóng, càng lướt nhanh thì việc xài margin càng hấp dẫn và vì thế vòng quay tài sản nhanh. Mỗi tài khoản xài margin lớn trong thị trường bình thường có thể tạo ra 4 - 5 lần doanh thu so với tài khoản không xài margin là vì vậy.
Lợi nhuận thế nên dẫu có rủi ro thì cũng mờ mắt. Hơn nữa, người ta cho khách hàng xài mà mình lại từ chối thì mất khách, đặc biệt khách VIP lại là nhóm có nhu cầu xài margin cao nhất. Thế là cuộc đua margin bắt đầu, từ việc vài công ty tiên phong năm 2008-2009 đến việc margin nở rộ toàn cõi chứng khoán Việt Nam năm 2010.
Nhờ có margin, thị trường chứng kiến lại những phiên giao dịch sôi động với vài nghìn tỷ trao tay mỗi ngày.
Nhờ có margin, nên các đội lái có thể thu gom hàng với số lượng lớn.
Nhờ có margin, nên những ai chơi hàng nóng có thể có lợi nhuận hàng chục lần chỉ trong 1, 2 tháng.
Nhờ có margin, nên doanh thu của môi giới và CTCK lên cao ngất.
Thoạt tiên là CTCK huy động vốn tự có. Nhưng mà vốn tự có thì đã kẹp khá nhiều ở tự doanh nên chỉ những CTCK nào nhanh nhạy, ít tự doanh mà tập trung dịch vụ thì mới có vốn để cung ra.
Sau đó đến ngân hàng. Thoạt đầu thì CTCK lấy tài sản của mình ra đảm bảo để vay ngân hàng, sau đó cho vay lại. Nhưng mà một CTCK vốn vài ba trăm tỉ thì con số margin huy động như vậy không đáng bao nhiêu. Chỉ cần một hai khách hàng VIP xài full margin 2:8 và 3:7 là hết.
Để có thể có nhiều vốn hơn, CTCK sẽ vận dụng đến tài sản mình quản lý mặc dù không sở hữu: đó là tài sản của khách hàng. CTCK chưa tách bạch tài sản của khách hàng ra bên ngân hàng thì có thể lấy tài khoản tổng để làm tài sản đảm bảo.
Còn CTCK đã tách bạch tài sản thì có thể làm bên thứ ba để ngân hàng ký thẳng với NĐT trong hợp đồng hợp tác đầu tư, còn mình là người trung gian giữ tài sản.
Nhưng có ký thế nào thì ngân hàng cũng biết đến CTCK như là người vay và chịu trận nếu chuyện gì đó xảy ra với khoản cho vay (danh nghĩa là hợp tác đầu tư này), và cũng không mấy ai lấy làm ngạc nhiên khi CTCK không có một tài sản gì lớn (đa phần là các khoản đầu tư tài chính, BĐS thì đi thuê) lại ghi nhận các khoản vay khổng lồ tương ứng khoản phải thu lớn từ khách hàng. Ấy chính là các khoản mục nảy sinh từ margin. Cho vay bạo nhất trong lĩnh vực này có lẽ là các ngân hàng cỡ vừa và nhỏ và các công ty tài chính.
Về tỷ lệ margin, đa phần các CTCK lúc đầu khởi động với tỷ lệ 7:3 hoặc 5:5. Tỷ lệ này là khá an toàn và thường cho phép CTCK cũng như NĐT một khoảng thời gian đủ cần thiết để xử lý các khoản margin nếu có sự cố.
Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh lớn trên thị trường khiến nhiều CTCK đang muốn vươn lên về thị phần gia tăng mạnh dịch vụ margin. Tỷ lệ margin gia tăng chóng mặt, 5:5 rồi 4:6 rồi 3:8. Thậm chí có những CTCK còn cung cấp cả tỉ lệ 2:8 và 1:10, không khác gì sàn Vàng ACB dạo nào.
Không những thế, nhiều CTCK còn cho phép khách hàng VIP được sử dụng dịch vụ chậm thanh toán T4, tức là được mua cổ phiếu thoải mái mà không cần có tiền mặt trong tài khoản, đến T4 nếu có lãi thì bán ra trả lại cho CTCK, không có lãi thì nạp tiền vào để giữ lại cổ phiếu.
Đồng thời, nếu như lúc đầu các CTCK chỉ cho phép sử dụng margin đối với các mã cổ phiếu có thanh khoản thì trong giai đoạn TTCK nóng sốt với các cổ phiếu vừa và nhỏ, danh sách margin có thời điểm là toàn bộ mã cổ phiếu trên thị trường, mà trong đó có những mã chỉ giao dịch vài ba trăm cổ phiếu/ngày.
--------------------------------------------------
Đọc thêm:
* Nhân sự và quy trình
* Tự doanh – Từ dễ như ăn kẹo đến mắc nạn
* Tự doanh - Con đường từ lướt sóng đến làm giá!
* Lâm nạn tập 2 và thoái trào của tự doanh chứng khoán
* Nghề môi giới chứng khoán
* Môi giới, đội lái và công nghệ làm hàng
* Khi tài khoản khách hàng trong tay môi giới
* Margin, hàng nóng và hàng nguội (Đón đọc vào lúc 20h ngày 01/06)
Nguyên Quân
(Nick Nguyên Quân đã có chuỗi bài viết về nhiều khía cạnh trong hoạt động của công ty chứng khoán, đăng trên Diễn đàn Vietstock từ quý 3/2011. Chuỗi bài viết hay và đầy ý nghĩa được dẫn lại trên Vietstock Blog với sự đồng ý của tác giả)
Infonet
|