Góc broker: Giá và khối lượng!
Diễn biến phức tạp của thị trường cộng hưởng với nhiều indicator dễ khiến người sử dụng PTKT... loạn chưởng.
Phân tích kỹ thuật thường tỏ ra hiệu quả nhất khi thị trường có xu hướng. Trong giai đoạn thị trường lên xuống quanh mốc 500 hiện nay, có người đã khẳng định “chính thức Uptrend”; nhưng cũng nhiều “nhà phân tích kỹ thuật” vẫn còn chấp chới hoài nghi bởi vì... theo indicator này thì xảy ra thế này, theo indicator kia thì... cũng thế này. Diễn biến phức tạp của thị trường cộng hưởng với nhiều indicator dễ khiến người sử dụng PTKT... loạn chưởng. Triệu chứng “loạn indicator” thường để lại những câu chuyện bi hài có thật như sau:
Trước 23/05, thị trường qua 500 được lý giải là do Elliott, Darvas, Ichimoku, RSI...; còn 23/05 thị trường đỏ điểm và thủng ngưỡng 500, nhiều người thuần túy theo PTKT lý giải là do... chứng khoán châu Á giảm mạnh (!?). Trong khi nguyên lý nhập môn mà mọi người dùng PTKT đều thuộc nằm lòng là mọi thông tin đều phản ánh hết vào giá, PTKT không nghiên cứu thông tin mà chỉ nghiên cứu cung-cầu.
Người viết cũng có một thời dùng hàng tá indicator, lùng sục khắp website chứng khoán để tìm code cho metastock. Dùng nhiều chỉ báo cứ ngỡ mình đi được xa, tìm được code cứ thấy mình hiểu rộng biết nhiều; nhưng nhìn lại thì thấy hóa ra tự mình đẩy mình vào ma trận indicator, quên đi bản chất ban đầu của PTKT chỉ là...
...phân tích giá và khối lượng.
Xuất phát điểm ban đầu của các indicator thực ra đều từ giá và khối lượng. Nhưng giá và khối lượng sau khi được biến tấu qua vài vòng, được khoác lên những mỹ từ đầy tính học thuật... lại trở nên phức tạp và khó hiểu hơn hẳn. Theo quan điểm của người viết thì Lý thuyết sóng Elliott thực ra là kết hợp giữa MA và Fibonaci; Darvas Box Theory là kết hợp của kháng cự và hỗ trợ; Ichimoku cũng là kết hợp của nhiều đường MA... Tức là sau khi làm “một vòng trái đất” từ Đông sang Tây; người viết cho rằng mọi trường phái trong PTKT đều có thể quy về một mối.
Nhưng đừng nghĩ rằng phân tích giá và khối lượng là đơn giản. Không phải cô người mẫu cứ “nude” là anh họa sĩ cảm được vẻ đẹp; người dùng PTKT cũng vậy, không phải ai cũng có thể phân tích trên đồ thị chỉ trần trụi giá và khối lượng. Nhất là với những người dùng PTKT đã quen sự hỗ trợ của các indicator, thì thời gian đầu rất khó để hiểu và vận dụng được nguyên tắc chuyển động căn bản của giá và khối lượng.
Không có ý ném đá các chỉ báo hay các trường phái phân tích khác trong PTKT, bản thân người viết hiện nay vẫn đang dùng một số chỉ báo, vẫn phân tích theo Elliott, Darvas Box... Nhưng người viết tin rằng, khi nào đạt đến cảnh giới cao nhất của PTKT, thì có lẽ – đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt - người dùng sẽ loại bỏ hết các dây dợ loằng ngoằng trên đồ thị và chỉ cần nhìn “Price and Volume”.
Sóng tăng hiện tại - sự khác biệt ở khối lượng!
Nhìn đồ thị VN-Index từ thời điểm 05/03 đến nay có thể chia ra làm 3 giai đoạn: Giai đoạn tăng từ 05/03-09/04 và lập đỉnh tại 510; giai đoạn điều chỉnh từ 10/04-03/05 và giai đoạn đi lên từ 06/05 đến nay. Sự khác biệt giữa giai đoạn hiện nay so với giai đoạn tăng từ 05/03-09/04 là ở khối lượng. Giá tăng phải đi cùng với sự gia tăng của khối lượng thì mới bền vững, điều kiện này không được thể hiện ở VN-Index trong giai đoạn tăng trước đó: Trong khi VN-Index tăng từ 462 lên 510 thì sự vận động của khối lượng lại trồi sụt bấp bênh chứ không tăng bền vững. Vùng đỉnh 510 với khối lượng tầm 50-60 triệu là quá thấp, chưa đủ tầm để đa số NĐT full margin và gây nên “cái chết trong đêm pháo hoa”.
3 giai đoạn của VNIndex từ 10/04 đến nay. (nguồn dữ liệu: Vietstock Updater)
|
Giai đoạn từ 06/05 đến nay lại khác: Khối lượng giao dịch đang tăng dần lên theo hướng phát triển của chỉ số. Đặc biệt trong 4 phiên giao dịch gần đây, khối lượng được duy trì ở mức khá cao so với giai đoạn trước đó. Người viết đánh giá sự vận động này quan trọng hơn việc chỉ số ngụp lặn qua ngưỡng 500.
Trong tuần này, chỉ số có khả năng cao chạm ngưỡng kháng cự 510, nhưng vì khối lượng ở vùng này quá thấp, dễ dàng được hấp thụ trong thời gian điều chỉnh vừa qua nên mức kháng cự này không mạnh. Nhưng 510 có thể đóng vai trò là kháng cự tâm lý, VN-Index chạm ngưỡng này có thể giảm nhẹ, tiếp tục gây ra hoài nghi về mẫu hình “double top” trong giới PTKT.
Người viết vẫn duy trì quan điểm thị trường đã chính thức bước vào Uptrend trung hạn như bài viết lần trước, nhưng sóng tăng lần này chắc chắn không shock và đồ thị không dựng đứng như thời gian đầu năm 2013, bởi quá trình tích lũy của thị trường thời gian vừa qua là ngắn, hơn nữa tâm lý thị trường sẽ thận trọng hơn vì vẫn sợ những cú hù dọa của thị trường như phiên 21/2 vừa qua.
Đoàn Xuân Thạo (Vietstock)
Infonet
|