360o CTCK: Nhân sự và quy trình
Đã nói đến TTCK thì khó bỏ qua được CTCK. Đó là nơi biến ước mơ thành hiện thực, và biến cả điều sợ hãi thành hiện thực.
Giai đoạn bùng nổ của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam 2005 - 2007 kéo theo một con sóng thành lập công ty chứng khoán (CTCK) mạnh mẽ chả kém gì sóng ngân hàng trước đó.
Một TTCK bé như lỗ mũi mà có đến hàng trăm CTCK được thành lập một cách hăm hở, mơ mộng và đầy tin tưởng vào một tương lai tươi sáng với lợi nhuận kếch xù. Thế nên mới có chuyện CTCK FPTS mới thành lập đã được chào mua quyền với giá 120,000 VNĐ/quyền mua một cổ phiếu.
Với khí thế hừng hực như đi hành quân, với ý nghĩ rằng lập ra CTCK là ăn chắc lợi nhuận nên phong trào thành lập, mua bán CTCK những năm 2005 - 2007 gần như được đẩy lên thành sóng thần.
Được tham gia thành lập CTCK ngay từ đầu gần như là một đặc quyền vì nó đồng nghĩa với siêu lợi nhuận trong chớp mắt, và nó thường được dùng cho các mối quan hệ chiến lược cấp cao.
Cũng như ngân hàng, nhà nhà lao vào mở và mua bán CTCK, từ anh xúc than đến chú thợ điện, từ bác lái xe khách đến chị bán tôm. Các CTCK nở rộ với giấc mơ chỉ cần tư vấn và ôm hàng đúng một quả sẽ đổi đời. Ít nhất 8 trong 10 CTCK được lập ra với kế hoạch làm tự doanh, siêu lợi nhuận này nọ.
Điều này gợi nhớ đến kế hoạch của người nông dân nuôi bò sữa: thay vì anh lên kế hoạch nuôi bò và doanh thu chính từ sữa thì đa phần các nông dân ăn bánh vẽ từ nuôi bò và bán bò giống.
Nhân sự
Chứng khoán là một ngành mới, rất mới ở Việt Nam, lại đòi hỏi trình độ nhân sự cao so với mặt bằng chung của xã hội, thuộc vào cái mà người ta thường gọi là nhóm tinh túy nên việc thiếu hụt nhân sự là đương nhiên.
Không chỉ thiếu hụt nhân sự cao cấp mà cả cấp chuyên viên bình thường cũng thiếu hụt trầm trọng và người làm nặng thêm lỗi này chính là UBCK.
Chương trình đạo tạo môi giới chỉ toàn lý thuyết, không biết điều chỉnh cho môi trường CK ở Việt Nam, khâu tổ chức kém, không lường hết để đáp ứng nhu cầu tăng vọt của các CTCK.
Do vậy các CTCK không chỉ phải vật lộn, chào mời các nhân sự cấp vốn thiếu trầm trọng mà còn phải chạy vạy lôi kéo môi giới, thậm chí mượn bằng để lập cho đủ ban bệ theo yêu cầu của UBCK.
Quy trình
Mục tiêu đa phần không đúng đắn, nhân sự thì giật gấu vá vai, tâm lý thì chộp giật, nên đa phần các CTCK được thành lập và đưa vào hoạt động một cách nóng vội, bỏ qua nhiều quy trình sơ đẳng và tối cần thiết trong ngành CK.
Là một ngành liên quan rất nhiều đến tiền bạc, tham gia vào một thị trường có doanh số hàng nghìn tỷ mỗi ngày nhưng từ UBCK đến CTCK đến NĐT CK đều rất nghiệp dư, vào chốn chiến trường như đi chơi là chính: Chơi CK!
Trừ một vài công ty lớn, có chiến lược, thương hiệu, nhân sự và thị phần, nhiều CTCK không có lấy nổi một quy trình về quản trị rủi ro, về kiểm soát nội bộ, kiểm soát giao dịch,... Trên bàn giấy của UBCK thì mọi thứ xem ra rất đầy đủ, hoàn hảo, trên thực tế thì chẳng mấy nhân viên CK được tập huấn đầy đủ quy trình.
Ai cũng đang hối hả lao vào đu trend CK, đang hi vọng mỗi ngày lãi 5% - 10%, nên đều chặc lưỡi bỏ qua. Tiếc thay, khoảng thời gian vàng son không dài và một khi CK không còn tăng nữa, ai nấy quay đầu nhìn lại thì hỡi ơi…
* Đón đọc phần tiếp theo: Tự doanh!
Nguyên Quân
(Nick Nguyên Quân đã có chuỗi bài viết về nhiều khía cạnh trong hoạt động của công ty chứng khoán, đăng trên Diễn đàn Vietstock từ quý 3/2011. Chuỗi bài viết hay và đầy ý nghĩa được dẫn lại trên Vietstock Blog với sự đồng ý của tác giả)
Infonet
|