Thứ Năm, 16/05/2013 13:40

Vietstock Blog

Hạch toán nợ xấu

Tôi thấy nhiều người nhầm lẫn về bad debt accounting nên viết lại cho rõ. Tôi sẽ lấy một ví dụ bằng số cụ thể như sau. Một ngân hàng có 14 đồng vốn tự có, huy động thêm 86 đồng tiền gửi của dân rồi cho vay 100 đồng. Bản cân đối tài sản sẽ như sau (để đơn giản tôi tạm thời bỏ qua các assets nhỏ khác, vd dự trữ bắt buộc, tài sản cố định, đầu tư vào trái phiếu chính phủ..., mà coi toàn bộ asset là tiền ngân hàng cho vay):

  • ASSETS: 100
  • Loans: 100
  • LIABILITIES: 100
  • Deposit: 86
  • Equity: 14

Như vậy ngân hàng này có tỷ lệ vốn tự có/dư nợ bằng 14%. Khi ngân hàng phát hiện ra trong số 100 đồng cho vay đó có 8.8 đồng nợ xấu, theo qui định của NHNN họ phải trích lập dự phòng (để đơn giản giả sử số nợ xấu đó phải trích lập 100% và khoản cho vay không có thế chấp). Lúc này bản cân đối tài sản sẽ như sau (theo thông lệ kế toán số trong ngoặc kép là số âm):

  • ASSETS: 91.2
  • Loans: 100
  • Provisions: (8.8)
  • LIABILITIES: 91.2
  • Deposit: 86
  • Equity: 5.2

Tỷ lệ vốn/dư nợ của ngân hàng này chỉ còn 5.7%, vốn tự có giảm xuống 5.2 đồng vì khoản trích lập dự phòng 8.8 đồng được đưa vào chi phí của ngân hàng (income statement). Lưu ý khoản trích lập dự phòng 8.8 đồng này là non-cash transaction, nghĩa là không phải ngân hàng trích ra 8.8 đồng bỏ vào một tài khoản dự phòng nào đó. Đây hoàn toàn chỉ là một qui định accounting, thuật ngữ "trích lập dự phòng" làm nhiều người hiểu nhầm. Nếu ngân hàng "xử lý" nợ xấu (theo nghĩa write off) bảng cân đối tài sản sẽ như sau:

  • ASSETS: 91.2
  • Loans: 91.2
  • LIABILITIES: 91.2
  • Deposit: 86
  • Equity: 5.2

Việc xử lý nợ xấu như vậy cũng là non-cash transaction, chỉ có ý nghĩa kế toán. Trước và sau khi xử lý nợ xấu tỷ lệ vốn/dư nợ không đổi, mức độ rủi ro của ngân hàng này cũng không đổi và khả năng huy động tiền gửi và cho vay cũng vậy. Khi ngân hàng công bố họ có 8.8 đồng nợ xấu điều đó có nghĩa họ đã phải trích lập dự phòng và vốn chủ sở hữu đã bị giảm bớt. Trên bảng cân đối tài sản có 8.8 đồng nợ xấu không có nghĩa vốn chủ sở hữu sẽ mất 60% khi xử lý nợ xấu, nó đã mất rồi.

Một điểm nữa, khoản nợ xấu 8.8 đồng (trước khi xử lý) hoàn toàn không phải là "cục máu đông" ngăn cản ngân hàng này tăng trưởng tín dụng. Như tôi đã viết trước đây, vấn đề nằm ở chỗ ngân hàng này có thể đã giấu bớt nợ xấu để không trích lập dự phòng đầy đủ. Giả sử số nợ xấu và trích lập dự phòng phải là 18 đồng thay vì 8.8 đồng, bản cân đối tài sản như sau:

  • ASSETS: 82
  • Loans: 100
  • Provisions: (18)
  • LIABILITIES: 82
  • Deposit: 86
  • Equity: (4)

Vốn chủ sở hữu âm nghĩa là ngân hàng bị phá sản. Tuy nhiên đây chỉ là phá sản trên sổ sách, nếu số 86 đồng huy động chưa đến hạn phải trả cho khách hàng thì ngân hàng này vẫn chưa mất khả năng thanh toán. Nếu vậy ngân hàng này sẽ chỉ công bố nợ xấu là 8.8 đồng thôi để tiếp tục tồn tại và hi vọng thị trường sẽ phục hồi hoặc được nhà nước bailout. Nhưng ngân hàng này sẽ khó có thể tăng tín dụng được nữa.

Thứ nhất, họ có thể giấu con số 18 đồng nợ xấu mà chỉ báo cáo với NHNN 8.8 đồng, nhưng họ khó có thể giấu được thị trường. Khách hàng không muốn gửi tiền, các tổ chức tín dụng khác không muốn cho vay nên họ không còn nguồn vốn để tiếp tục tăng trưởng tín dụng.

Thứ hai, bản thân họ cũng không muốn tăng thêm tín dụng vì cứ giả sử họ huy động tiếp được 100 đồng, nếu cho vay và lại bị nợ xấu thì phải tiếp tục trích lập dự phòng, có khả năng sẽ mất nốt số 5.2 đồng còn lại trên sổ sách.

Thực ra NHNN có thể đã biết con số nợ xấu thật là 18 đồng chứ không phải 8.8 đồng. Tuy nhiên NHNN không dám ép ngân hàng này khai thật vì như vậy họ sẽ phá sản (điều này đúng hay không chưa bàn ở đây). Bởi vậy NHNN chấp nhận số 8.8 đồng nợ xấu và cùng ngân hàng kia đợi thị trường phục hồi. Trong lúc đó NHNN sẽ phải bơm thanh khoản cho họ để họ thanh toán các khoản liabilities tới hạn. Tuy nhiên nếu khả năng thị trường phục hồi thấp thì NHNN phải lên kế hoạch bailout. Nếu NHNN lập một công ty quản lý tài sản (AMC) đổi nợ xấu lấy trái phiếu theo book value, bản cân đối tài sản của ngân hàng sẽ như sau:

  • ASSETS: 100
  • Loans: 91.2
  • Bonds: 8.8
  • LIABILITIES: 100
  • Deposit: 86
  • Equity: 14

Sở dĩ vốn chủ sở hữu tăng từ 5.2 đồng lên 14 đồng vì khoản dự phòng rủi ro 8.8 đồng được nhập ngược vào income statement. Bảng cân đối tài sản này cực kỳ đẹp và ngân hàng sẽ rộng cửa huy động và cho vay. Tuy nhiên cái giá phải trả là AMC sẽ phải ôm đống nợ xấu, đến khi nào phải write off thì hoặc ngân sách hoặc NHNN phải chịu lỗ.

Tóm lại cần phải hiểu rằng việc ngân hàng trích lập dự phòng khi công bố một khoản nợ xấu chỉ là một nghiệp vụ kế toán, hoàn toàn không phải họ bỏ một khoản tiền vào tài khoản để phòng ngừa rủi ro hoặc để sau này xử lý số nợ xấu đó. Hệ thống ngân hàng VN có tỷ lệ nợ xấu quá lớn là đúng, nhưng vấn nạn là ở chỗ họ đang dấu một phần (lớn) số nợ xấu đó chứ không phải họ không chịu xử lý nợ xấu như nhiều người nói. Công khai số nợ xấu này đòi hỏi ngân hàng phải tăng equity nếu không họ sẽ phá sản. Thành lập AMC là một cách để giúp các ngân hàng tăng equity một cách gián tiếp.

TS Lê Hồng Giang

(Bài viết được dẫn lại từ blog với sự đồng ý của tác giả, đăng ngày 23/02/2013.

Tiêu đề gốc: Bad debt accounting)

Infonet

Các tin tức khác

>   Nghề mình mà - 1 số điểm đáng chú ý trong cơ chế giao dịch mới tại HNX (16/05/2013)

>   Phân tích kỹ thuật VN-Index: Lịch sử sẽ lặp lại (16/05/2013)

>   Nghề mình mà - TTCK: 7.000 tỷ “để không” là nhiều hay ít? (16/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật