VIS: Tăng đột biến – liệu có lạc quan quá mức?
Giá cổ phiếu VIS đã tăng đến 33% trong vòng một tháng qua sau khi công bố lợi nhuận quý 1 đột biến. Nhưng liệu mọi thứ đều đang lạc quan?
Lực cầu đổ vào mạnh khi KQKD quý 1 vượt trội
Trong vòng một tháng qua, giá cổ phiếu CTCP Thép Việt Ý (HOSE: VIS) đã tăng tổng cộng hơn 33% từ mức 11,000 đồng lên hơn 14,000 đồng/cp. Trong giai đoạn này, VIS chỉ có 5 phiên điều chỉnh giảm nhẹ không quá 2.5% mỗi phiên, 3 phiên đứng giá nên có thể nói mức độ rủi ro trung bình khá thấp.
Khối lượng giao dịch có xu hướng tăng dần, đặc biệt là từ ngày 21/5 trở lại đây, khối lượng luôn đạt trên 1 triệu đơn vị/phiên giúp tạo thanh khoản tốt cho hoạt động giao dịch.
Bên cạnh đó, lực cầu cũng tỏ ra áp đảo khi từ ngày 20/05 trở lại đây, VIS luôn ở trạng thái dư mua với khối lượng trung bình lớn. Riêng ngày 29/05 bị áp lực bán nhẹ, tuy nhiên ngay sau đó đã lại trở về trạng thái dư mua tới 3 triệu đơn vị, khối lượng dư mua cao nhất từ đầu tháng 5.
Theo BCTC công bố, lợi nhuận sau thuế quý 1/2013 của VIS đạt hơn 21 tỷ đồng, trong khi quý 4/2012 lỗ 27 tỷ đồng và cả năm 2012 lỗ gần 18 tỷ đồng. Với kế hoạch lợi nhuận trước thuế hơn 40 tỷ đồng trong năm 2013 thì VIS đã hoàn thành gần 60% kế hoạch năm nay. So với tình hình hoạt động của năm 2012 thì đây là rõ ràng là tín hiệu rất khả quan.
Biểu đồ: Biến động giá và khối lượng của VIS từ đầu tháng 3/2013 đến nay
|
Kỳ vọng hưởng lợi từ gói cứu trợ 30,000 tỷ đồng vay mua nhà giá thấp?
Với mục tiêu vực dậy thị trường bất động sản, Chính phủ vừa có các quy định cụ thể liên quan đến gói hỗ trợ 30,000 tỷ đồng đối với nhà ở giá thấp. Nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng điều này sẽ giúp cải thiện thị trường bất động sản, xây dựng và vì thế nhu cầu về sắt thép cũng sẽ có xu hướng tăng theo.
Tuy nhiên, theo báo cáo thị trường thép tháng 5/2013 của Bộ Công thương, giá thép vẫn đang tiếp tục giảm so với 4 tháng đầu năm và chưa có dấu hiệu hồi phục.
Giá sắt thép nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn vào những tháng cuối năm trước lo ngại sự phát triển kinh tế chậm lại của Trung Quốc, khách hàng lớn nhất thế giới, sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ trong khi nguồn cung toàn cầu đang gia tăng.
Theo BCTC quý 1/2013, hàng tồn kho của VIS còn khoảng 876 tỷ đồng, tăng 19.7% so với quý 4/2012 và chiếm 36.5% tổng tài sản. Số hàng tồn kho này bao gồm cả nguyên vật liệu và thành phẩm, và rõ ràng là không hề dễ dàng để giải phóng trong bối cảnh thị trường bất động sản và xây dựng còn khó khăn như hiện nay.
Hữu Trọng (Vietstock)
Infonet
|