Chủ Nhật, 30/06/2013 17:20

Góc Broker: Đáy sau cao hơn đáy trước!

Tháng 6 kinh hoàng sắp kết thúc. Không ai mong chờ một tháng 6 sặc sỡ màu hoa phượng trên bảng điện như vậy. Người viết tuy giữ vững quan điểm về “uptrend trung hạn” xuyên suốt loạt bài viết của mình, cũng không khỏi lo sợ kịch bản xấu nhất “gãy trend” khi hàng ngày theo dõi cổ phiếu nhảy múa trên bảng điện.

* Góc Broker: Đè chỉ số để gom hàng?

Đáy sau vẫn cao hơn đáy trước!

Như quan điểm chia sẻ trong bài viết trước “Góc broker: Đè chỉ số để gom hàng”, người viết có đưa ra hai kịch bản cho VN-Index tuần này: (1) Đi ngang trong vùng 495-505 trong vòng vài phiên rồi bứt phá khỏi 505 với khối lượng đột biến. (2) VN-Index thủng ngưỡng thấp nhất của phiên dừng rơi ngày 18/6 - 495 điểm - thì thị trường chính thức “đi bụi”. Tưởng như sau thời gian ETF cơ cấu xong xuôi, thị trường quay trở lại bình thường thì kịch bản thận trọng của người viết lại xảy ra và xảy ra theo cách mà mọi đầu óc tinh tường trên thị trường không thể ngờ đến. Mất 9.1 điểm phiên thứ 2, mất tiếp 16.72 điểm vào phiên hoảng loạn tột độ ngày thứ 3. Hai phiên rơi của đã cướp mất công sức trong 20 phiên (từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 5) khi VN-Index lồm cồm bò từ 468 lên 500.

Đã xây dựng kịch bản cho mình, và khi nó xảy ra, cứ hành động theo những gì mình đã dự liệu trước. 495 là mốc kỹ thuật dừng rơi, nếu nó thủng thì thực sự các mốc còn lại ở dưới như 480, 475... không có ý nghĩa gì nhiều. Các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự sinh ra là để bị phá vỡ. Chỉ nên trông chờ vào một ngưỡng kỹ thuật mới nếu xuất hiện một phiên dừng rơi kế tiếp. Về nguyên tắc, thủng 495 thì 100% “full tiền mặt”.

Phiên thứ 3 dễ khiến người ta liên tưởng đến sự kiện 21/02. Môi giới, nhà đầu tư (NĐT) nháo nhác hỏi nhau xem có tin gì? Ai bị bắt?... Kết quả? Không tin đồn, không sự kiện nào nổi trội. Nếu thực sự có tin gì đó để đổ tội thì đã... may; thị trường rơi mà không có lý do trực tiếp gì mới đáng lo ngại. Sau giá xăng tăng, rồi “ETF reviews và rút vốn”, tuần vừa qua “chứng khoán Trung Quốc” lần đầu tiên bị lôi ra để đổ tội; trong khi với kiến thức, kinh nghiệm của đa phần môi giới và NĐT ở Việt Nam thì việc phân tích, đánh giá ảnh hưởng trực tiếp của “chứng khoán Trung Quốc” đến TTCK Việt Nam chẳng khác nào mấy ông thầy bói mù rủ nhau xem voi.

Thực sự, chứng kiến thị trường lao dốc như hai phiên đầu tuần, người viết cũng lo sợ cho kịch bản “uptrend trung hạn” của mình. Đã có những ý kiến nhìn thị trường theo sóng Elliott chỉ ra chu kỳ tăng 5 sóng kết thúc, rồi theo Ichimoku, MA…vv; cùng với đó là phản ứng có phần thái quá của lớp cổ phiếu hàng đầu khi HSG, PPC, PET lần lượt chạm Middle Bollinger rồi… thủng.

Nhưng đến thời điểm này, xuất phát từ góc nhìn giá, khối lượng, và từ quan điểm sơ khai của phân tích kỹ thuật về xu hướng, người viết có thể khẳng định “Uptrend trung hạn vẫn còn”, bởi vì...

Đáy sau vẫn cao hơn đáy trước!

Đợt lao dốc vừa rồi của VN-Index dừng ở ngưỡng điểm 473.02. Ngưỡng này, may sao, vẫn cao hơn đáy của đợt điều chỉnh hai lần trước (lần lượt là 461.12 và 468.43). Trong phiên thứ 3 và thứ 4tuần này, VN-Index đã chạm 466, nhưng mức giá thấp nhất không có ý nghĩa gì khi nhìn vào điều kiện nghiên cứu của phân tích kỹ thuật “Chỉ sử dụng giá đóng cửa”.

Xu thế tăng là đỉnh sau cao hơn đỉnh trước và đáy sau cao hơn đáy trước. (Nguồn dữ liệu: Vietstock Updater, cập nhật vào 12h 28/06)

Không có đáy chữ V

Phiên thứ 4 dừng rơi, phiên thứ 5 thị trường có mức tăng điểm rất đẹp, nhưng khối lượng thì chưa thuyết phục. Giá tăng không đi kèm khối lượng thì không bền. Nên khả năng nhịp tăng ngắn 2-3 phiên của VN-Index nếu có cũng chỉ là bull-trap. Người viết thiên về kịch bản VN-Index sẽ còn rơi một nhịp nữa, nhưng không thủng 468.

NĐT vừa trải qua tháng 6 kinh hoàng, không ít người mất hết thành quả từ đầu sóng đến giờ, và dễ vướng vào tâm lý “mong muốn lấy lại nhanh nhất những gì đã mất”. Đấy là lý do mọi người kỳ vọng ngày càng nhiều vào đáy chữ V của đợt điều chỉnh lần này.

Người viết cho rằng, với cách giảm điểm như vừa rồi, để thị trường hấp thụ và đi lên bền vững thì cần ít nhất từ nửa tháng trở ra để VN-Index đi ngang tích lũy rồi bứt phá khỏi các ngưỡng kỹ thuật. Thị trường bao giờ cũng đi lên trong nghi ngờ và rơi trong hoảng loạn - hai lần điều chỉnh trước của VN-Index đã chứng minh điều này. Hơn nữa, một đáy chữ V tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn là cơ hội, hãy nhìn vào VN-Index trong tháng 5 và tháng 8 năm 2011 để cảnh giác.

Trong đà rơi ngắn hạn, những phiên xanh điểm sẽ cung cấp cho chúng ta một ngưỡng kỹ thuật quan trọng. Cùng với việc quan sát diễn biến của các cổ phiếu hàng đầu, chúng ta có thể xác định được quá trình điều chỉnh đã kết thúc hay chưa. Thời điểm đó, chưa phải bây giờ.

Đoàn Xuân Thạo

infonet

Các tin tức khác

>   Margin Call nay đã khác xưa! (26/06/2013)

>   HAR: Tăng mạnh nhờ trái phiếu chuyển đổi và hoạt động khai khoáng? (25/06/2013)

>   Nghề mình mà – UPCoM như tiệm bán đồ sida, đôi khi cũng vớ được hàng ngon (24/06/2013)

>   Thị trường vàng sau 30/6: Đâu là giải pháp để ổn định (24/06/2013)

>   Góc Broker: Đè chỉ số để gom hàng? (22/06/2013)

>   Góc broker: Đừng nhìn điểm số đoạn này! (17/06/2013)

>   PSI: Đã tăng mạnh, nên bán để mua lại với giá thấp hơn? (13/06/2013)

>   Nghề mình mà – Mua cổ ế HHS: Chiêu này hay! (11/06/2013)

>   Góc Broker: Tiền nào cũng là tiền! (11/06/2013)

>   VIS: Tăng đột biến – liệu có lạc quan quá mức? (07/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật