Góc nhìn 09/11: Đà tăng không chắc chắn
Các công ty chứng khoán đều chưa nhìn thấy được đà tăng bền vững của thị trường, thông tin hỗ trợ khá là mơ hồ và lực đỡ chỉ trong chốc lát. Thị trường vẫn tồn tại nguy cơ phá vỡ ngưỡng hỗ trợ và thanh khoản tiếp tục thấp.
Kỳ vọng vào yếu tố nước ngoài
CTCP Chứng khoán Á Âu (AAS): Phiên tăng điểm ở những phút cuối hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của phần lớn nhà đầu tư và càng không đủ cơ sở để coi là một sự khởi đầu một xu hướng của thị trường khi lực mua chủ yếu đến từ khối ngoại và đối tượng hưởng lợi cũng chỉ là các cổ phiếu lớn, có tác động mạnh đến sự thay đổi của chỉ số (một trong số những mục tiêu đầu tư ở thị trường nước ngoài, hiện chưa có chính thức tại Việt Nam).
Tuy vậy, một khi diễn biến này được duy trì trong các phiên tiếp theo, đi kèm với đó là sự gia tăng về khối lượng và đối tượng chịu tác động được mở rộng thì rất có thể khả năng thị trường đã dịch chuyển đến một giai đoạn mới, tích cực hơn mà động lực chính rất có thể đến từ các quỹ chỉ số ETF có yếu tố nước ngoài, bất chấp các thông tin hỗ trợ khác từ trong nước chưa xuất hiện hoặc còn rất mơ hồ.
Mua thận trọng
Công ty TNHH Chứng khoán NH Đông Á (DAS): Nối tiếp đà tăng điểm của phiên 07/11, đường giá VN-Index tiếp tục tăng rất ấn tượng trong phiên 08/11 nhờ có sự hỗ trợ lực cầu mạnh mẽ của khối ngọai vào các mã VCB, CTG, DPM. Tuy nhiên, khối lượng khớp lệnh lại giảm hơn 20% so với phiên trước đó.
Theo DAS kháng cự tại 388 là mức điểm mà nếu đạt được VN-Index sẽ lắp đầy khoảng trống giá đã tạo ra của phiên ngày 2/11. Vùng kháng cự dày đặc của đường giá khi tiến lên sẽ chạm những kháng cự của kỹ thuật Ichimoku với lượng mây khá dày tại 390. Vì vậy, trong ngắn hạn DAS đánh giá thấp khả năng thị trường có thể vượt qua vùng kháng cự này.
Với diễn biến của những phiên vừa qua, DAS cho rằng những nhà đầu tư giao dịch trong thị trường phi xu hướng chỉ nên áp dụng chiến thuật mua vào thận trọng ở những phiên giảm điểm và bán ra ở những phiên tăng, tránh tuyệt đối mua đuổi giá. Nhà đầu tư đang nắm giữ lượng cổ phiếu lớn cân nhắc hồi phục bán ra ở vùng kháng cự trên hạ bớt tỉ lệ cổ phiếu.
Cần theo dõi thêm
CTCP Chứng khoán BIDV (BSC): Xét 1 cách tổng quan, có thể thấy rằng: (1) đợt hồi phục hôm kề trước đã không thể kéo dài tới phiên 08/11, như vậy, thị trường chung vẫn đang nằm trong xu hướng giảm điểm. (2) Diễn biến của khối ngoại cuối phiên trên HOSE khá bất ngờ, cần theo dõi thêm trong phiên tiếp theo.
Nếu sự hỗ trợ của khối ngoại tiếp diễn trong các phiên tới, thị trường nhiều khả năng xảy ra phân hóa mạnh giữa 2 sàn HOSE và HNX. Trong trường hợp đó, cơ hội trên HOSE sẽ khả quan hơn trên HNX.
Về mặt kỹ thuật, ngưỡng 50 điểm vẫn đóng vai trò hỗ trợ tốt cho HNX-Index trong những phiên vừa qua. Tuy nhiên với diễn biến hiện tại, nếu không có thêm thông tin hỗ trợ, BSC lo ngại về khả năng phá vỡ mức hỗ trợ này của HNX-Index trong thời gian tới.
Tăng kém bền vững
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Diễn biến của chỉ số VN-Index trong hai phiên gần đây đã giúp nhà đầu tư bớt bi quan về xu hướng giảm điểm của thị trường.
Tuy nhiên, đứng trên quan điểm thận trọng, VDS cho rằng đà tăng hiện tại sẽ không kéo dài được lâu. Lực cầu đẩy lên cuối phiên sẽ tiếp tục được kiểm chứng trong phiên giao dịch cuối tuần. Tuy nhiên, VDS không đánh giá cao khả năng chỉ số VN-Index sẽ phục hồi tiếp tục qua ngưỡng kháng cự mạnh 390 điểm trong các phiên giao dịch sắp tới khi điều kiện thanh khoản vẫn đang đứng ở mức thấp như hiện nay.
Vẫn trông chờ vào giải pháp đột phá
CTCP Chứng khoán MB (MBS): Thị trường tăng giảm trái chiều trong phiên giao dịch ngày 08/11 với khối lượng giao dịch tiếp tục đứng ở mức rất thấp. Trong khi chỉ số HNX-index giảm khá mạnh thì chỉ số VN-index vẫn giữ được sắc xanh tăng điểm nhờ sự nâng đỡ của một số cổ phiếu vốn hóa lớn.
Tâm lý thận trọng lại quay trở lại thể hiện qua số lượng cổ phiếu giảm giá nhiều hơn hẳn số lượng cổ phiếu tăng giá và nhịp độ giao dịch rất buồn tẻ kể cả tại các cổ phiếu có Beta cao.
Đầu phiên họp sáng 8/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2013. Theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu gồm: GDP tăng khoảng 5,5%, CPI khoảng 8%, bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP, tỷ lệ nhập siêu khoảng 8%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10%.
MBS đánh giá, việc thực hiện được các chỉ tiêu trên là một thách thức không nhỏ của Chính phủ trong năm 2013 và kỳ vọng, trước những khó khăn này, Chính phủ sẽ áp dụng những giải pháp đột phá nhằm thực hiện thành công nghị quyết của Quốc hội.
Mỹ Hà tổng hợp (Vietstock)
FFN
|