Thứ Tư, 07/11/2012 18:37

Góc nhìn 08/11: Kỳ vọng lực cầu mạnh hơn

Các chuyên gia phân tích cho rằng tín hiệu hỗ trợ chưa thực sự hiển hiện, để tăng điểm trở thành xu hướng thì rất khó khăn. Cho nên, nhà đầu tư không nên vội vàng bắt đáy, cần cân nhắc và thận trọng hơn.

Thoát hàng khi thuận lợi

CTCP Chứng khoán Á Âu (AAS): Thông tin (chưa chính thức) về việc từ nay đến cuối tuần, giá xăng có khả năng giảm 500 - 800 đ/l được phát đi từ sáng ngày 06.11 chắc chắn không thể coi là điểm tựa cho thị trường khi mà biên độ là quá nhỏ cũng như hiệu ứng của động thái này đã không còn được đón nhận như trước đây. Tuy vậy, trong giai đoạn thiếu vắng thông tin như hiện nay, với khả năng này, ít nhất nhà đầu tư còn có chút kỳ vọng, mặc dù vậy, tác động tích cực nếu có sẽ là rất nhỏ.

Sau diễn biến tăng điểm khá bất ngờ, AAS cho rằng thị trường sẽ sớm quay trở lại diễn biến dao động trong biên độ hẹp với khối lượng giao dịch thấp ở một vài phiên tới, tất nhiên, nhận định này hoàn toàn loại trừ khả năng xảy ra các vụ việc như tại ACB hay STB vừa rồi. Với tình hình không có nhiều tác động hỗ trợ như hiện tại, gia tăng tỷ trọng tiền mặt trong những phiên thuận lợi vẫn là ưu tiên hàng đầu trong danh mục để hạn chế rủi ro.

Gian nan tăng điểm

Công ty TNHH Chứng khoán NH Đông Á(DAS): Phiên giao dịch cuối tuần qua đã có sự giảm điểm rất mạnh, gần giống như phiên giao dịch lịch sử vào ngày 21/08, do các thông tin được loan truyền trên thị trường liên quan đến STB. Tuy nhiên, khi nhìn vào KLGD, chúng ta có thể thấy lực cầu vào bắt đáy trong phiên giao dịch cuối tuần là rất tích cực.

So với phiên giao dịch ngày 21/08, lực cầu vào bắt đáy tăng mạnh hơn, khi KLGD (khớp lệnh) tăng 122% trên sàn HOSE và tăng 129% trên sàn HNX, so với mức 91% và 80% của ngày 21/08.

Bên cạnh đó, lực mua mạnh không hoàn toàn đến từ khối ngoại như phiên ngày 21/08, khi giá trị mua ròng của khối ngoại trong phiên chỉ tăng 60% - 70%, so với mức tăng khoảng 170% của ngày 21/08.

Có thể thấy, lực cầu bắt đáy trong phiên giao dịch cuối tuần đã tham gia vào thị trường một cách mạnh mẽ hơn và mang tính thị trường hơn. Vì vậy, DAS kỳ vọng thị trường sẽ không có phản ứng mang tính dây chuyền và kéo dài như giai đoạn cuối tháng 08. Tuy nhiên, để hình thành xu hướng tăng điểm, thị trường cần phải vượt qua nhiều ngưỡng kháng cự trong kênh xu hướng giảm điểm đã hình thành từ giữa tháng 10 đến nay.

Không nên vội vàng bắt đáy

CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Về xu thế chung của thị trường, phiên tăng điểm ngày 07/11 của hai sàn vẫn chưa mang đến tín hiệu của xu thế hồi phục thực sự. Theo quan sát của FPTS thì nhiều khả năng đây chỉ là phản ứng tạm thời của thị trường sau nhiều phiên giảm quá đà của các chỉ số.

Mặt khác, trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô vẫn chưa có chuyển biến thực sự tích cực thì kỳ vọng của nhà đầu tư tham gia thị trường vẫn chưa thể thực sự được mở rộng và áp lực chốt lời sớm vẫn đè nặng lên diễn biến hồi phục này. Theo đó, nhiều khả năng xu thế giằng co, đi ngang sẽ tái diễn nếu không xuất hiện yếu tố tích cực đủ mạnh để thu thêm dòng tiền vào thị trường. Bởi vậy, nhà đầu tư không nên vội vàng bắt đáy trong giai đoạn này. Việc mua vào chỉ nên cân nhắc nếu cân bằng cung- cầu tiếp tục phát đi tín hiệu ổn định trong ngắn hạn.

Không thích hợp cho vị thế mua

CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE): Phiên 7/11, thị trường hồi phục mạnh mẽ trên diện rộng. Tỷ lệ giữa số mã tăng so với giảm đạt 3/1, giúp cải thiện các chỉ số về độ rộng thị trường. Các nhóm ngành quan trọng đều tiến mạnh, trong đó rõ rệt là nhóm bất động sản, như ITA (+2.6%), LCG (+3.4%), SJS (+3.4%), KBC (+4.0%), DIG (+5.0%); hay chứng khoán như SSI (+2.0%), VND (+1.3%), KLS (+2.8%); và đặc biệt là những mã ngân hàng có trọng số vốn hóa cao như VCB (+4.8%), CTG (+4.7%). Kém ấn tượng hơn, các mã vốn hóa cao khác như MSN, VNM, VIC chỉ đứng ở tham chiếu. Trong số các mã đáng chú ý, STB (-0.5%) giảm điểm phiên đầu tiên sau hai phiên nỗ lực giữ giá kể từ sự kiện vừa xảy ra; SCR (-4.4%) tiếp tục giảm sâu còn SBT (+4.5%) lại lên mạnh.

Khối lượng giao dịch tăng khoảng 20% trên cả hai sàn. Có lẽ các nhà đầu tư đang kỳ vọng sự phục hồi trên HNX sau 10 phiên giảm liên tục nên gia tăng lực mua để cố gắng kiếm lợi nhuận.

Sự hồi phục của VN-Index có thể giúp chỉ số này trở lại vào khu vực tích lũy 380-405, do đó biến điểm phá vỡ xuất hiện ngày 5/11 thành một tín hiệu giả. Tuy nhiên, kể cả trường hợp này, mẫu hình của VN-Index vẫn không thích hợp với các vị thế mua theo chiến lược thuận xu hướng. MBKE cho rằng các nhà đầu tư vẫn nên thận trọng đứng ngoài thị trường.

Sẽ có thêm đợt phục hồi ngắn

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Thị trường 07/11 có được một phiên giao dịch tốt cả về điểm số và thanh khoản trong bối cảnh không có thêm thông tin mới nào hỗ trợ. Tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt là khối nhà đầu tư trong nước đã cải thiện đáng kể sau chuỗi dài giảm điểm vừa qua trên sàn Hà Nội và những phiên giằng co đi xuống trên sàn HOSE. Điểm đáng chú ý là mức phục hồi phiên 07/11 có sự đóng góp lớn của các mã tài chính, ngân hàng và chứng khoán (trừ cổ phiếu STB). Bên cạnh đó, dòng tiền đầu cơ hoạt động tích cực hơn phiên trước đã tạo ra tác động lan tỏa tích cực lên toàn thị trường.

Dòng tiền có thể nói là đã mạnh dạn tham gia vào thị trường hơn mặc dù chưa xuất hiện cơ sở nào để giúp củng cố tâm lý hứng khởi diễn ra trong phiên 07/11. Với lượng dư mua giá trần còn tương đối khá vào cuối phiên, VDS cho rằng thị trường sẽ có thêm nhịp hồi phục ngắn tiếp theo. Tuy nhiên, lực cầu đòi hỏi phải tích cực hơn nữa mới có thể giúp các chỉ số vượt qua ngưỡng kháng cự 385 điểm đối với VN-Index và 53 điểm đối với HN-Index.

Mỹ Hà tổng hợp (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn kỹ thuật (07/11/2012)

>   Góc nhìn 07/11: Chưa thể cải thiện (06/11/2012)

>   Góc nhìn 06/11: Cầu có thể quay trở lại (05/11/2012)

>   Góc nhìn tuần: 04 – 09/11: Bi quan “toàn tập” (04/11/2012)

>   Góc nhìn 02/11: Chưa có dấu hiệu phục hồi (01/11/2012)

>   Góc nhìn 01/11: Giằng co và thanh khoản thấp (31/10/2012)

>   10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn kỹ thuật (31/10/2012)

>   Góc nhìn 31/10: Chưa dừng đà giảm (30/10/2012)

>   Góc nhìn 30/10: Có thể giảm sâu (29/10/2012)

>   Rời sàn không phải là lý do cải thiện giá trị doanh nghiệp (29/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật