Thứ Sáu, 09/12/2011 21:49

Tạo thị trường cho các loại chứng khoán

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) Nguyễn Thanh Kỳ cho rằng, mục tiêu của việc tái cấu trúc thị trường chứng khoán (TTCK) là để hình thành một thị trường cho tất cả các loại chứng khoán có nơi giao dịch và diễn ra công khai, công bằng, minh bạch với sự giám sát có hiệu quả của Nhà nước.

Thưa ông, để đạt được mô hình thị trường như vậy, chúng ta cần thực hiện như thế nào?

Trước hết, nên nhập hai sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) hiện nay thành một SGDCK đủ mạnh để cạnh tranh với các nước trong khu vực. Khi đã hình thành một SGDCK thống nhất, sẽ tạo ra được nhiều thị trường và nhiều sản phẩm, nhiều bảng giao dịch. Cụ thể, về thị trường sẽ có thị trường cổ phiếu, trái phiếu; thị trường phái sinh. Về sản phẩm hàng hóa giao dịch trên TTCK  gồm: cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng quyền chọn, quỹ đầu tư, hợp đồng tương lai. Về bảng điện tử giao dịch sẽ có: bảng giao dịch cho các doanh nghiệp lớn, bảng giao dịch cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và loại cổ phiếu chưa niêm yết.

Bước kế tiếp là phải nhanh chóng cổ phần hóa SGDCK. Thời kỳ đầu Nhà nước có thể nắm cổ phần chi phối, nhưng sau đó giảm dần, để đưa về nguyên tắc tự quản. SGDCK cần ưu tiên bán cổ phần cho các CTCK, công ty quản lý quỹ, ngân hàng và các tổ chức tài chính khác để các CTCK vừa là người chủ sở hữu, vừa là thành viên giao dịch của TTCK. Từ đó hình thành một hệ thống các quan hệ nội tại trong hệ thống thị trường tài chính, nâng cao quyền hạn và trách nhiệm của các định chế tài chính với TTCK. Sau khi cổ phần hóa, SGDCK sẽ là một tổ chức tài chính kinh doanh hạch toán kinh tế, thời kỳ đầu có thể cho phép tự tích lũy thu nhập (miễn thuế) để đầu tư tự phát triển kỹ thuật công nghệ, xóa bỏ bao cấp của Nhà nước. Và kế tiếp sẽ là một công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Nếu triển khai theo mô hình như vậy, sẽ cần cơ chế chính sách gì để phát triển thị trường này?

Trước hết phải tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật về phát hành và niêm yết, đặc biệt là nghiệp vụ phát hành bởi đây là khâu quyết định quy mô thị trường, chất lượng "hàng hóa" và là mục tiêu của TTCK. TTCK nước ta đã qua thời kỳ coi "tạo hàng" là nhiệm vụ trọng tâm. Các công ty đại chúng đã ý thức được vai trò huy động vốn của TTCK, họ đang cố gắng để được niêm yết và được phát hành chứng khoán trên thị trường tập trung. Vì vậy, cần nâng điều kiện niêm yết và điều kiện phát hành chứng khoán ra công chúng.

Tuy nhiên, để được phát hành chứng khoán ra công chúng, theo tôi công ty phải có 3 năm liên tục gần nhất có lợi nhuận (hiện nay 1 năm), tỷ suất lợi nhuận phải đạt một tỷ lệ phần trăm nào đó (ví dụ 10%) trên vốn điều lệ (hiện nay chưa có điều kiện này); dự án phát hành phải trên cơ sở một dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế. Khi năng lực tư vấn đầu tư chứng khoán còn bị hạn chế, điều kiện phát hành và niêm yết càng khắt khe, chứng khoán trên thị trường càng có chất lượng, thị trường càng ổn định.

Nội dung khác là phải công khai, minh bạch hoạt động của CTCK, quan hệ giữa công ty đại chúng với công chúng đầu tư. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), SGDCK sẽ là trung gian quản lý, giám sát để thông tin hai chiều đó được tốt nhất. Vì vậy, nội dung thông tin, kỳ hạn thông tin và phương thức công bố thông tin phải được chuẩn hóa. Công ty đại chúng phải thiết lập website của mình theo mẫu thống nhất do UBCKNN ấn hành. Tất cả thông tin của công ty chỉ được công bố qua website đó. Làm như vậy, thị trường sẽ có thông tin thống nhất, đầy đủ, kịp thời và công bằng. Từ đó người đầu tư cũng giám sát được việc thực hiện cơ chế thông tin của công ty và hạn chế được thông tin nội gián.

CTCK là nhân tố chính quyết định sự thành bại của thị trường. Do đó quyền hạn, trách nhiệm của CTCK với thị trường phải được xác định rõ. Việc đánh giá một CTCK tốt hay xấu, mạnh hay yếu phải dựa vào số lượng thân chủ và sự thành, bại của khách hàng. Để ngăn chặn xung khắc quyền lợi giữa nghiệp vụ tự doanh với nghiệp vụ môi giới, nên chia CTCK thành hai loại: Công ty môi giới chứng khoán (không có nghiệp vụ tự doanh và bảo lãnh phát hành) và công ty kinh doanh chứng khoán (không có nghiệp vụ môi giới). Việc cơ cấu lại hệ thống CTCK theo giải pháp này sẽ đơn giản, hiệu quả hơn nhiều so với giải pháp giải thể, sát nhập.

Ngoài ra, việc quản lý và thanh toán chứng khoán trên TTCK phải do Trung tâm Lưu ký Chứng khoán thực hiện, quản lý và thanh toán vốn trên TTCK nhất thiết phải thông qua ngân hàng. Vai trò trung tâm thanh toán tiền vốn trên TTCK do ngân hàng chỉ định thanh toán thực hiện. Từ trước đến nay, ngân hàng chỉ định thanh toán là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nay nên giao nghiệp vụ ngân hàng chỉ định thanh toán về cho NHNN. Đây là phương án tối ưu theo thông lệ quốc tế vì NHNN là trung tâm thanh toán của nền kinh tế.

Vậy UBCKNN được định vị như thế nào trong mô hình này?

Đến nay, UBCKNN đã qua thời kỳ tổ chức và xây dựng thị trường, nhiệm vụ trọng tâm của UBCKNN lúc này là quản lý, giám sát và xử lý để tạo lập và duy trì một thị trường công bằng, minh bạch và phát triển. Do vậy, cần tạo lập cho UBCKNN một vị trí nhất định theo tín hiệu thị trường bởi UBCKNN là cơ quan quản lý, bảo vệ tài sản của công dân, nhà đầu tư, còn Bộ Tài chính là cơ quan quản lý, bảo vệ tài sản Nhà nước.

Hơn nữa những vấn đề của UBCKNN là vấn đề của thị trường, đòi hỏi phải giải quyết nhanh. Trong khi đó, theo quy chế làm việc hiện nay của Bộ Tài chính, UBCKNN đang như là một vụ chức năng, mọi vấn đề chỉ được giải quyết khi tuân thủ quy trình nghiệp vụ. Vài trò quản lý rất hạn chế, chủ yếu là đơn vị tham mưu. Chính vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải tách UBCKNN ra khỏi Bộ Tài chính thành một cơ quan độc lập, có quyền quyết định các vấn đề của thị trường, có quyền ban hành văn bản hướng dẫn Luật, cũng như thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Xin cảm ơn ông!

 Công Chiến - Trường Sơn thực hiện

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Tái cấu trúc TTCK: Tâm điểm không chỉ CTCK (09/12/2011)

>   Thị trường ngày 09/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (08/12/2011)

>   Dồn dập tin tức tích cực (08/12/2011)

>   Thị trường ngày 08/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (07/12/2011)

>   Dòng tiền lớn đang vào TTCK? (07/12/2011)

>   Thị trường ngày 07/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (06/12/2011)

>   TTCK Việt Nam còn nhiều cơ hội tốt để đầu tư dài hạn (06/12/2011)

>   Thị trường ngày 06/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (05/12/2011)

>   Tái cấu trúc TTCK: Hướng đến chất lượng, hiệu quả (05/12/2011)

>   Thị trường tuần 05-09/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (04/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật