Tái cấu trúc TTCK: Tâm điểm không chỉ CTCK
Rất nhiều thành viên trên thị trường vẫn đang nóng lòng chờ đợi chi tiết cụ thể của Đề án tái cấu trúc TTCK. DĐDN có cuộc trao đổi cùng hai vị khách mời là những chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường tài chính Mỹ và Hàn Quốc, hiện đang hoạt động tại VN: Ông Huỳnh Richard Lê Minh (ông Huỳnh Minh) – P.TGĐ, Thành viên HĐQT CTCK Bản Việt – VCSC và ông Oh Kyung Hee – TGĐ, Ủy viên HĐQT CTCK KIS.
- Có nhiều ý kiến cho rằng một trong những mấu chốt cần tái cấu trúc của TTCK là thay đổi phương thức thanh toán, theo đó thực sự tách tài khoản nhà đầu tư ...
Ông Oh Kyung Hee: Tôi cho rằng, vấn đề mấu chốt ở đây cần nhận rõ tái cấu trúc là cần tạo ra một TT minh bạch và kích thích đầu tư xã hội. TTCK là nơi huy động nguồn vốn lớn cho nền kinh tế, vì vậy phải có chính sách thu hút được nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần phải quản lý tốt các chứng khoán niêm yết thông qua việc minh bạch hoá các thông tin để cung cấp cho nhà đầu tư những hàng hoá tốt nhất trên TT.
Ông Huỳnh Minh: Việc thay đổi phương thức thanh toán, tách bạch tài khoản của nhà đầu tư ra khỏi tài khoản của CTCK là một mục tiêu mà SSC đã đề ra từ năm 2007. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã gặp những khó khăn, trở ngại khá lớn, nhất là việc kết nối với ngân hàng luôn có vấn đề và gây ra những trục trặc thường ngày trong giao dịch. Các CTCK khác theo chúng tôi biết cũng vì những lý do tương tự hoặc có thể khác nên đã không phát triển hệ thống kết nối và cuối cùng đến nay thì hầu như đều thực hiện đặt tài khoản NĐT trong tài khoản tổng của Cty.
Minh bạch và tách bạch
- Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng các CTCK nên chuyển hoạt động tự doanh sang quỹ đầu tư để tránh sự chồng lấp lợi ích trong một mô hình ngân hàng đầu tư. Là CTCK đã đạt được nhiều thành tựu từ định hướng ngân hàng đầu tư này, VCSC có quan điểm như thế nào?
Ông Huỳnh Minh: Khi đặt ra một mô hình hoạt động ngân hàng đầu tư song song tự doanh, mỗi một CTCK đều thiết lập những chính sách, quy định riêng để đảm bảo minh bạch và không có sự chồng lấp lợi ích giữa CTCK với NĐT. Về tổng thể, Luật chứng khoán có sửa đổi bổ sung đã cập nhật vấn đề này, đưa ra những quy định khá đầy đủ và trên thực tế SSC cũng đã có những xử phạt khá nặng đối với các CTCK mà họ thanh tra, phát hiện có vi phạm. Nếu CTCK đi ngược lại với quy định, với lợi ích của họ, NĐT sẽ biết và CTCK mất uy tín, mất khách hàng ngay. Đặc biệt đối với NĐT nước ngoài, đây là một điều kiện tiên quyết. Họ luôn yêu cầu chúng tôi phải chứng minh sự tách bạch này, thậm chí đòi hỏi các bộ phận không được ngồi cùng chỗ với nhau, bất kỳ lúc nào họ cũng có thể tự đến VCSC để kiểm tra mà không báo trước...
Nói riêng về mô hình ngân hàng đầu tư, trên thế giới hiện đang có trào lưu xem lại mô hình này, nhưng vấn đề cuối cùng vẫn là xoay quanh việc làm sao để bộ phận ngân hàng đầu tư và tự doanh tách bạch khỏi nhau.
Ông Oh Kyung Hee: Việc tách bạch pháp luật đã quy định rất rõ, còn tự doanh là một trong những chức năng đã được luật pháp cho phép và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Đây cũng không phải là vấn đề mấu chốt để có thể tái cấu trúc TTCK một cách hiệu quả. Theo tôi TTCK VN cần được tái cấu trúc ở những điểm sau: (1), Khung pháp lý: cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng khung pháp lý sao cho phù hợp với nhu cầu của TT và cần có biện pháp xử lý triệt để với những trường hợp thao túng giá, làm giá để lành mạnh hoá thị trường, giúp NĐT có niềm tin trở lại. Bên cạnh đó, cần có các chính sách bảo vệ NĐT khi xảy ra xung đột giữa cổ đông và DN hoặc CTCK để họ có thể yên tâm giao dịch. (2), Minh bạch thông tin: kiểm soát chặt chẽ thông tin của DN, cung cấp thông tin kịp thời cho NĐT, gia tăng sự minh bạch trong các bảng công bố thông tin, báo cáo hoạt động kinh doanh,... của DN. (3), Kích thích đầu tư xã hội: chính sách tiền tệ, chính sách điều phối lạm phát, lành mạnh hoá hệ thống tài chính – ngân hàng được xem là huyết mạch của nền kinh tế. Các CTNY cần có môi trường kinh doanh tốt hơn mới tạo ra nhiều giá trị sản xuất và thu hút đầu tư vào TTCK được.
Không nằm ở số lượng!
- Có đưa ra kiến nghị là tái cấu trúc TTCK, cũng nên để các CTCK tự chủ sản phẩm phục vụ nhà đầu tư, vì để cơ quan quản lý quyết định là trái với thông lệ quốc tế. Quan điểm của các ông thế nào?
Ông Huỳnh Minh: Ở nước ngoài, các CTCK có quyền phát triển và đưa sản phẩm ra bán trên thị trường không phải xin phép cơ quan quản lý. Tuy nhiên, cơ quan quản lý lại có quyền xem xét và nếu thấy sản phẩm đó không phù hợp, không đảm bảo an toàn cho thị trường, ngược với quy định của pháp luật..., họ sẽ cấm CTCK không được bán sản phẩm đó nữa. Ở VN, ai cũng kỳ vọng là sẽ được làm như vậy, nhưng theo tôi đây sẽ là một vấn đề rất khó để thực thi. Cần thấy là thị trường VN hiện đang chưa phát triển, trình độ của NĐT cũng còn nhiều hạn chế nên nếu có ai đó tung ra sản phẩm trục lợi từ sự thiếu hiểu biết của NĐT, có thể cũng làm được rất dễ dàng; trong khi đó hệ thống pháp lý tổng quát của VN cũng chưa thực hiện hoàn thiện để đảm bảo tránh được những sự cố có thể xảy ra. Vì vậy, chúng tôi hiểu vì sao SSC vẫn phải đưa ra các quy định, xem xét các sản phẩm và là cơ quan ban hành, quyết định việc ứng dụng những sản phẩm nào ra TT. Điều đó trước hết sẽ đảm bảo quyền lợi của các NĐT, nếu xét bối cảnh hiện nay. Khi TT đã phát triển thực sự, NĐT đã trưởng thành hơn và khung pháp lý cho TT hoàn thiện hơn, chúng tôi nghĩ rằng cũng nên để các tổ chức tiến dần đến hiện thực hóa kỳ vọng đó.
- Như vậy, vấn đề của TT dường như không thực sự chỉ là chuyện đang có“quá nhiều” các CTCK, với chất lượng hoạt động không ổn định như hiện nay. Nhưng đằng sau đó, liệu có hướng đi nào để giải quyết con số 105 CTCK hiện tại?
Ông Oh Kyung Hee: Vấn đề không phải nằm ở số lượng CTCK. Các CTCK đều được thành lập đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, điều cốt lõi là nằm ở sự tham gia thị TT của các bên: NĐT, CTCK, SSC. Vấn đề được đặt ra khi tái cấu trúc là nền kinh tế yếu kém không có nhiều công ty tốt để đầu tư, thông tin sai lệch, nguồn vốn không được khơi thông, khung pháp lý còn sơ khai, không cho phép thực hiện nhiều loại sản phẩm – dịch vụ đáp ứng nhanh nhu cầu đầu tư của NĐT, không có chính sách bảo vệ NĐT. Đây là những nhân tố cần xem xét khi tiến hành tái cấu trúc TTCK.
Ông Huỳnh Minh: Có nhiều vấn đề thuộc về các điều kiện vĩ mô và cả những điều kiện ngành nghề, lĩnh vực để kế hoạch tái cấu trúc TTCK đạt được hiệu quả như mong đợi. Ở góc độ các CTCK, nâng cấp các CTCK, củng cố lại hoạt động và đảm bảo an toàn tài chính cho TT là cần thiết, thay vì để nhiều CTCK cùng hoạt động nhưng thiếu hiệu quả, không lành mạnh, gây bất ổn cho TT. Nhưng cách thức, cơ chế nào để giải quyết số lượng các CTCK đã phình lên, để cấu trúc được con số các CTCK phù hợp với khuôn khổ và thực tế TT là điều không đơn giản. Hiện nay chúng ta gần như chưa có quy định, hành lang pháp lý cho điều đó. Tôi nghĩ trong nay mai, cùng với kế hoạch tái cấu trúc TT cụ thể, cơ quan chức năng sẽ đưa ra những quy định, cơ chế mới để có thể tạo điều kiện, khuyến khích các CTCK sáp nhập, hợp nhập, mua lại hoặc thậm chí giải thể. Tâm lý TT có vẻ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng và chỉ còn chờ đợi điều đó.
- Xin cảm ơn 2 ông!
Lê Mỹ thực hiện
diễn đàn doanh nghiệp
|