Thị trường ngày 08/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán
(Vietstock) - Trong các phiên giao dịch tới, tâm lý do dự trước sự bất ổn của kinh tế vĩ mô cũng như mong đợi kế hoạch cụ thể từ Chính phủ có thể khiến cả hai chỉ số tiếp tục giằng co đi ngang.
Khả năng đi ngang trong các phiên tới
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Bất chấp thông tin tích cực về việc UBCK sẽ trình Thủ tướng duyệt kế hoạch tái cấu trúc TTCK vào quý I/2012 và kế hoạch rút ngắn thời gian giao dịch xuống còn T+2 sẽ được báo cáo trong thời gian tới, VN-Index vẫn tiếp tục có thêm một phiên giảm điểm với ngưỡng hỗ trợ 390 điểm thêm một lần nữa bị xuyên thủng.
Không còn sự hiện diện của sức mua hào hứng như phiên giao dịch trước, thị trường nhanh chóng trở lại trạng thái dè dặt, thăm dò. Thêm vào đó, thông tin về việc CTCK SME lần thư 2 mất thanh khoản càng khiến cho tâm lý nhà đầu tư trở nên bất an, lo ngại rủi ro khiến áp lực bán thoát hàng tiên tục gia tăng, đặc biệt ở nhóm các cổ phiếu chứng khoán như APS, SHS…
Sắc đỏ bao trùm thị trường, thanh khoản sụt giảm cùng với đa số mã giảm giá về cuối phiên cho tín hiệu về một xu hướng không mấy khả quan của VN-Index đã trở lại.
Quan sát diễn biến phiên giao dịch có thể thấy các nhà đầu tư vẫn thiên về bi quan, lo ngại hơn là kỳ vọng vào khả năng phục hồi của thị trường. Tâm lý đầu tư vẫn nhạy cảm và dễ dao động hơn với những thông tin tiêu cực.
Áp lực bán ra thường tăng cao ngay sau mỗi phiên thị trường tăng mạnh bởi e ngại rủi ro khiến đà tăng nhanh chóng bị ngắt nhịp. Thiếu sự hỗ trợ của dòng tiền, VN-Index đã mất đi yếu tố cơ bản để có thể tạo thành một xu hướng hồi phục bền vững. Do đó, động thái phục hồi của VN-Index ở thời điểm hiện tại chỉ đóng vai trò như phản ứng nhất thời của thị trường trong xu thế đi ngang – giằng co ngắn hạn.
Với khả năng nâng đỡ thị trường đã được kiểm chứng của ngưỡng hỗ trợ 380 điểm, nhiều khả năng VN-Index sẽ quay trở lại duy trì xu thế đi ngang trong những phiên giao dịch tiếp theo.
Xu hướng tiêu cực còn tiếp diễn
CTCP Chứng khoán VNDirect (VND): Mức độ mất điểm của index trong 2 phiên gần đây chưa đến mức nghiêm trọng, nhưng dòng tiền trong thị trường thể hiện yếu, cho thấy cơ hội đi lên đang rất mỏng.
VN-Index chưa về tới mức đáy của tuần trước nhưng chỉ số Accumulation/ Distribution (tích lũy/ phân tán) đã về mức đáy, sự phân kỳ âm này cho thấy thị trường khó có thể cải thiện xu hướng. HNX-Index hiện tại vẫn di chuyển trong kênh giảm giá kéo dài từ tháng 9 đến nay, những nỗ lực giúp cho index bứt phá lên trên đường kênh xu thế này rất yếu ớt, vì thế dù tốc độ giảm của thị trường có thể dịu bớt, nhưng VND vẫn cho rằng xu hướng tiêu cực vẫn còn tiếp diễn.
Theo VND, nhà đầu tư tiếp tục ưu tiên giữ tiền mặt. 1, 2 phiên tăng điểm không khẳng định xu hướng lớn được cải thiện, việc vội vàng giải ngân sẽ đối mặt với rủi ro bào mòn tài khoản lớn.
Có thể kỳ vọng một nhịp tăng ngắn
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Việc thị trường tiếp tục xu hướng điều chỉnh thêm 1 phiên là hiện tượng bình thường khi so sánh với số phiên tăng điểm (đánh giá trên số lượng lớn các cổ phiếu có thanh khoản chứ không phải các chỉ số chính).
Từ góc độ phân tích khung thời gian, BSI cho biết có thể kỳ vọng xu hướng tăng (khung 1 tháng) có thêm một nhịp ngắn nữa. Thanh khoản chưa thực sự cao cũng giúp kỳ vọng nhịp tăng chưa kết thúc. Kỳ vọng đỡ NAV, dù không được đánh giá cao, cũng là một lực đỡ cho thị trường trong ngắn hạn.
Trên cơ sở những phân tích này, BSI cho biết vẫn tiếp tục duy trì quan điểm nhà đầu tư chưa cần tranh bán giá thấp, nhưng cũng thận trọng trong trường hợp thị trường tăng điểm như kỳ vọng bởi cơ sở cho một nhịp tăng tiếp sau nữa rất yếu, và 1 nhịp tăng khó đủ T+4. Dù với kịch bản trung hạn lạc quan thị trường cũng cần một nhịp điều chỉnh kiểm tra đáy nên nhà đầu tư dài hạn chưa cần vội vàng.
Kịch bản giằng co sẽ duy trì
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS): Thông tin FTSE sẽ thêm mã PNJ và loại mã ITC khỏi rổ chỉ số FTSE Vietnam Index đã khiến cho lực mua mạnh mã PNJ tiếp tục duy trì trong 4 phiên vừa qua. Bên cạnh đó, dựa theo thông tin về việc xem xét định kỳ hàng quý của FTSE, tỷ trọng trong rổ chỉ số của MSN sẽ giảm từ 20% xuống 14% trong khi đối với KDC, con số này là từ 49% xuống 35%. Như vậy, có khả năng trong các phiên tới mã MSN sẽ bị bán ra, kéo chỉ số VN-Index giảm điểm.
Hiện tại, Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Tài chính cùng Ngân hàng Nhà nước trình bản kế hoạch tái cấu trúc công ty nhà nước và tổ chức tín dụng trước ngày 15 tháng 12 năm 2011. Ngoài ra, Bộ kế hoạch và đầu tư cũng sẽ hợp tác cùng Bộ Tài chính và NHNN để thực hiện đề án hỗ trợ phục hồi kinh tế vĩ mô. Do đó, kịch bản giằng co của thị trường sẽ được duy trì do nhà đầu tư đang cân nhắc, chờ đợi thông tin tích cực hơn trước khi ra quyết định đầu tư cuối cùng.
Trong các phiên giao dịch tới, tâm lý do dự trước sự bất ổn của kinh tế vĩ mô cũng như mong đợi kế hoạch cụ thể từ Chính phủ có thể khiến cả hai chỉ số tiếp tục giằng co đi ngang.
Các phiên tăng điểm, nếu có, có thể chỉ là phục hồi kỹ thuật trong xu hướng giảm. Chính vì vậy, nhà đầu tư ngắn hạn cần cân nhắc kỹ trước khi tham gia thị trường. Ngoài ra, các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt đang giao dịch ở mức giá hấp dẫn vẫn là lựa chọn tốt nhất cho nhà đầu tư dài hạn.
Viết Vinh (tổng hợp)
|