ACBS: Hy vọng mới từ châu Âu
(Vietstock) - VN-Index có một tuần giao dịch khá giằng co ở vùng hỗ trợ 370-380. Xu hướng đi ngang trong ngày cùng khối lượng giao dịch thấp cho thấy sự do dự của cả bên mua và bán. Trong các phiên tới, xu hướng này có thể sẽ tiếp tục.
Xu hướng giảm đang yếu dần
Bất chấp các tin tức tốt từ thế giới, sự bi quan của nhà đầu tư trong nước khiến TTCK Việt Nam giao dịch “lình xình” trong các phiên vừa qua. So với mức đóng cửa tuần trước, VN-Index giảm nhẹ 3.25 điểm (0.84%) xuống còn 380.10 điểm. Trong khi đó, HNX-Index gần như đứng yên, chỉ dao động nhẹ trong biên độ hẹp và đang đóng cửa ở mức 61,18 điểm. Điều này cho thấy xu hướng giảm đang yếu dần.
Cùng với sự giằng co của hai chỉ số chứng khoán, các mã cổ phiếu thành viên cũng đi ngang hoặc giảm nhẹ trong các phiên vừa qua. Lực cầu yếu khiến các cổ phiếu này không thể kéo dài các phiên tăng của mình.
Trên sàn HOSE, nhóm cổ phiếu quen thuộc như SSI, REE… không nhận được sự quan tâm nhiều trong tuần qua. Thay vào đó là nhóm cổ phiếu mới như MBB, STB, HQC …. Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn tiếp tục là KLS, VND, PVX, VCG…
Cổ phiếu MBB, FPT liên tục được khối ngoại mua ròng trong các phiên vừa qua, trong khi đó nhóm ngân hàng như STB, CTG, VCB bị bán ròng mạnh. Tổng kết qua các phiên trước, khối ngoại tiếp tục bán ròng khoảng 5.24 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 61.44 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính chung cả tháng 11, khối ngoại mua ròng khoảng 140 tỷ đồng.
Trong khi dòng tiền đi vào TTCK vẫn còn “èo uột”, nguồn cung cổ phiếu lại có dấu hiệu tăng mạnh. Dự kiến trong tháng 12 tới, NHTM BIDV sẽ thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng. Đây được coi là thương vụ IPO “khủng” nhất trong năm nay.
Bên cạnh đó, trong báo cáo thực trạng hoạt động của tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước giai đoạn 2006 – 2010, Chính phủ cho biết sẽ ban hành Nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý tài chính đối với DN do Nhà nước làm chủ sở hữu. Theo đó, các DN đã đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán có trách nhiệm hoàn thành việc thoái vốn trước ngày 31/12/2015. Với giá trị của các khoản đầu tư nói trên là hơn 22,000 tỷ đồng thì TTCK sẽ gặp ít nhiều khó khăn để thấp thụ trong thời gian tới.
Các tổ chức xếp hạng tín dụng và các ngân hàng trung ương
Ngay sau khi xuất hiện tin đồn các nhà lãnh đạo châu Âu đang tìm kiếm giải pháp mới cho khủng hoảng nợ công châu Âu, Standard & Poor’s đã thông báo hạ bậc xếp hạng tín dụng một loạt các tổ chức tín dụng lớn như Bank of America, Goldman Sachs, Citigroup …. Điều này cho thấy khủng hoảng nợ công khu vực châu Âu không những chưa thể giải quyết bằng các gói cứu trợ mà đang lan rộng ra thế giới.
Tuy nhiên, hôm thứ Tư vừa qua, sáu ngân hàng Trung Ương của Mỹ, Anh, EU, Nhật Bản, Canada và Thụy Sỹ đưa ra một tuyên bố chung cho biết sẽ giảm một nửa chi phí vay mượn USD cho các ngân hàng nước ngoài. Hy vọng cho hệ thống ngân hàng châu Âu được phục hồi, đẩy TTCK thế giới tăng vọt ngay sau đó. Cùng lúc, USD rớt giá khiến giá hàng hóa thế giới tăng mạnh.
Giá điện tăng, trần lãi suất huy động giảm?
Giá điện đang là đề tài “nóng hổi” trong thời gian gần đây và đã được đưa ra thảo luận trong phiên chất vấn đại biểu Quốc hội vừa qua. Theo đó, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết mức điều chỉnh giá điện sắp tới sẽ được phân bổ thêm vào khoản lỗ của EVN và chênh lệch tỷ giá năm 2010 và 2011. Sau khi cộng các khoản trên vào, giá điện sẽ tăng khoảng trên 10% nhưng không cao hơn mức 15.28% của năm nay.
Ngược lại, mặc dù kinh doanh xăng dầu của Petrolimex cũng lỗ, nhưng Công văn số 327/TB-BTC của Bộ Tài chính ngày 28/11 yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối trước mắt chưa điều chỉnh tăng giá xăng, dầu và sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp mức chênh lệch giữa giá bán hiện hành với giá cơ sở. Như vậy, thị trường có thể tạm yên tâm với giá xăng, nhưng giá điện tăng, nếu như trên, có thể khiến lạm phát cao quay trở lại.
Cũng trong phiên chất vấn Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết có thể sẽ tiếp tục giảm trần lãi suất huy động trong thời gian tới. Nếu đúng như vậy thì lãi suất cho vay sẽ có thêm điều kiện để giảm, hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này cũng đồng thời gợi lại nỗi lo về lạm phát.
Trong một phát biểu khác, ông Bình cho biết sẽ đổi tên vàng SJC thành SBV và trở thành thương hiệu vàng quốc gia. Với thị phần hơn 90% vàng miếng của SJC, NHNN muốn trực tiếp quản lý nguồn cung cầu thị trường vàng trong thời gian tới. Hi vọng với động thái này, NHNN sẽ giải quyết tình trạng rối loạn hiện tại của thị trường vàng.
Ở một diễn biến khác, thị trường ngoại tệ tự do đang có dấu hiệu hạ nhiệt khi NHNN đang tăng cường hoạt động nhằm loại bỏ sự tồn tại của thị trường này. Giá USD tự do ngay lập tức sụt giảm trước các động thái quyết liệt của NHNN.
Thị trường dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật
VN-Index do dự ở vùng 370-380
VN-Index có một tuần giao dịch khá giằng co ở vùng hỗ trợ 370-380. Xu hướng đi ngang trong ngày cùng khối lượng giao dịch thấp cho thấy sự do dự của cả bên mua và bán. Trong các phiên tới, xu hướng này có thể sẽ tiếp tục.
Nếu tăng, VN-Index có thể phục hồi về vùng kháng cự 400-405. Ngược lại, nếu xuyên thủng vùng 370-380, VN-Index nhiều khả năng giảm sâu hơn. Mức giá mục tiêu của mô hình Rectangle là 300 điểm. Phân kỳ.
HNX-Index tiếp tục mất điểm
Tiêu cực hơn VN-Index, các phiên tăng của HNX-Index thường bị dập tắt ngay sau đó. Chỉ số này liên tục hình thành các mức thấp kỷ lục mới trong các phiên vừa qua.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của các phiên tăng nhiều hơn, cho thấy lực cầu đang được cải thiện và bên bán cũng có dấu hiệu chùn bước. Sự phân kỳ của của chỉ báo kỹ thuật RSI(14) cho thấy sự lung lay của xu hướng giảm ngắn hạn hiện tại. Nhiều khả năng sẽ xuất hiện sóng hồi phục của HNX-Index trong thời gian tới, đưa chỉ số này quay về vùng kháng cự 65-67.
Bài viết do ACBS cung cấp
|