Dominic Scriven: DN cần cải tổ sự minh bạch
Những khó khăn và xung đột căng thẳng giữ cổ đông lớn và lãn đạo DN chỉ được tháo gỡ xuất phát từ nhận thức, điều hành tự giác từ bản thân DN.
Chu kỳ suy thoái kéo dài 4 năm của TTCK Việt Nam trong môi trường kinh doanh khó khăn đã đẩy giá cổ phiếu của nhiều công ty trượt dốc không phanh. Thực trạng này gián tiếp tạo ra các xung đột giữa các nhóm cổ đông, gián tiếp đẩy DN niêm yết vào rối ren như tại Sudico, làm suy yếu quyền lợi các NĐT chân chính. Xung quanh chủ đề quản trị DN, ĐTCK đã có cuộc phỏng vấn ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Dragon Capital.
Là nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp, qua một số vụ việc rối ren gần đây tại một số DN niêm yết, ông có nhận thấy rủi ro khi đầu tư vào các DN cổ phần hóa mà Nhà nước vẫn giữ tỷ lệ lớn?
Hiện tại cả hai sàn có trên 700 mã chứng khoán niêm yết. Trong số này, khoảng 2/3 công ty niêm yết xuất phát từ DNNN cổ phần hóa. Phần còn lại là các công ty xuất phát từ DN tư nhân được đại chúng hóa.
Thực tế thời gian qua, ở TTCK Việt Nam, không chỉ loại hình DNNN cổ phần hóa mà cả DN tư nhân được đại chúng hóa đều tiềm ẩn các rủi ro về quản trị. Phần lớn phát sinh từ việc một nhóm cổ đông giữ vai trò lãnh đạo có thể đơn phương ra các quyết định làm phương hại tới lợi ích của các nhóm cổ đông còn lại.
Theo ông, thực trạng này xuất phát từ đâu?
Đa phần xuất phát từ nhận thức yếu kém về hoạt động quản trị DN. Một số DN tư nhân trước đây do gia đình quản lý hay DNNN cổ phần hóa, đã được đại chúng hóa và sau đó niêm yết. Độ mở của DN càng lớn, thì đòi hỏi của thế giới bên ngoài với sự minh bạch càng cao.
Thế nhưng, một chiến lược về minh bạch thông tin lại chưa đề cập hay quan tâm đến nhiều trong chiến lược hoạt động của nhiều DN.
Tệ hơn, một số yếu kém trong quản trị đã đưa đến những lỗ hổng khiến những người điều hành có thể thao túng, không chỉ hao hụt tài sản cổ đông, mà còn làm vơi đi lòng tin của các NĐT nhỏ lẻ trên thị trường.
Cùng với sự suy giảm của TTCK, nhiều xung đột đang căng thẳng hơn trong nội bộ DN và giữa DN với các cổ đông, theo ông tháo gỡ ra sao?
Cần nhìn nhận thực tế các phát sinh xuất phát từ mâu thuẫn lợi ích của các nhóm cổ đông. Chẳng hạn, với một công ty thủy điện vùng biên thì các NĐT tài chính bên ngoài tham gia mua cổ phần phần lớn chỉ quan tâm thuần túy đến lợi nhuận.
Tuy nhiên, bên cạnh hoạt động kinh doanh, DN còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác mà NĐT tài chính có thể không quan tâm như chức năng duy trì an ninh năng lượng, điều tiết nguồn nước thủy lợi và tưới tiêu vùng hạ nguồn… Trong trường hợp này, ngay từ ban đầu đã tiềm ẩn xung đột quyền lợi giữa các nhóm cổ đông khác nhau.
Để tháo gỡ, nhà điều hành DN cần dung hòa lợi ích của các nhóm cổ đông. Tất cả đã được điều chỉnh theo Luật Chứng khoán, các quy định, thông tư về quản trị, trách nhiệm DN niêm yết.
Tuy nhiên, hiện nay, số lượng DN niêm yết khá lớn nên thị trường không thể và không nên trông chờ vào sự giám sát của cơ quan quản lý.
Vấn đề chỉ được tháo gỡ xuất phát từ nhận thức, điều hành tự giác từ bản thân DN. Chứng khoán đang cần một cuộc cải cách, bắt đầu từ tư duy và sự tuân thủ luật lệ của các công ty niêm yết để sự minh bạch có thể điều hành thị trường.
Như trường hợp ông vừa đề cập ở trên thì liệu cổ đông lớn nào sẽ đứng ra "phân xử" xung đột quyền lợi giữa các nhóm cổ đông?
Người đại diện vốn Nhà nước, cụ thể trong đa số các trường hợp là vai trò của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Đây là cơ quan được Chính phủ giao phó trách nhiệm đại diện phần vốn Nhà nước tại các DN cổ phần hóa. Nhưng trong nhiều trường hợp, người đại diện quản lý phần vốn Nhà nước chưa thể hiện đúng vai trò.
Cũng nên làm rõ vai trò kinh doanh và quản lý của SCIC. Thực tế đã chỉ ra rằng, nếu lẫn lộn chức năng kiểu nửa kinh doanh nửa tham gia quản lý thì sẽ không hoạt động hiệu quả.
Việc ôm đồm nhiều chức năng khiến rất khó để triển khai và thực hiện hiệu quả các mục tiêu, trong đó có cả vấn đề hạn chế về nguồn lực. Ngược lại, nếu quyền lợi của các cổ đông đại chúng không được đảm bảo thì cần xem xét lại mục tiêu cổ phần hóa.
Vậy Dragon Capital sẽ giải quyết như thế nào với phần vốn tại các DN mà xung đột lợi ích bị đẩy lên sâu sắc, thưa ông?
Trong các khoản đầu tư của Dragon Capital vào DN Việt Nam, có một số khoản đầu tư không đáp ứng được kỳ vọng. Tất cả đều xuất phát từ khiếm khuyết trong quản trị DN chứ không phải từ mô hình kinh doanh hay khả năng cạnh tranh của công ty.
Có những trường hợp xung đột lợi ích giữa các nhóm cổ đông đã diễn ra sâu sắc và không được giải quyết thỏa đáng. Vì lý do này, 3 năm trước đây, Dragon Capital đã thoái vốn toàn bộ khỏi Dầu Thực Vật Tường An. Hiện nay, chúng tôi không cập nhật liên tục tình hình tại Công ty này, nhưng vẫn coi đây là một quyết định đúng đắn.
Giang Thanh thực hiện
đầu tư chứng khoán
|