Thứ Hai, 21/11/2011 20:46

Thị trường ngày 22/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán

(Vietstock) – Những e ngại, lo lắng về rủi ro thị trường sẽ chưa thể được giải tỏa nếu thiếu vắng yếu tố đột biến tích cực đủ mạnh tác động đến tâm lý và môi trường đầu tư.

Sẽ có những nhịp tạm nghỉ

CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Thị trường vẫn đang trong xu hướng giảm, tuy nhiên các nhịp giảm mạnh có thể xen kẽ những nhịp tạm nghỉ. Với xu hướng giảm mạnh, khả năng đảo chiều của thị trường vẫn cần thêm thời gian.

Thông tin về chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 của cả nước trong những ngày sắp tới được kỳ vọng ở mức tương đương tháng 10 tức tăng khoảng 0.3%, tuy nhiên nếu mức tăng thực tế cao hơn kỳ vọng, nhiều khả năng thông tin này sẽ tác động tiêu cực tới thị trường.

Trong khi đó, khối nhà đầu tư nước ngoài vẫn thể hiện xu hướng không tích cực khi liên tục bán ròng tại các mã cổ phiếu lớn.

Ngoài ra, diễn biến tình hình thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi vòng xoáy khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống.

Cân nhắc cả 2 yếu tố cơ bản và kỹ thuật, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng, giao dịch mạnh trong giai đoạn này không phải là một lựa chọn khôn ngoan.

Kịch bản giằng co trong biên độ hẹp

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS): Trong một vài phiên giao dịch sắp tới, tình hình lạm phát của một số thành phố cũng như cả nước sẽ tiếp tục được công bố, nhiều khả năng những con số này sẽ thấp nhưng tính hỗ trợ của thông tin này khó có thể đủ mạnh để vực dậy thị trường. Một phần bởi vì điều này không còn quá bất ngờ do đã được dự đoán ít nhiều trước đó, một phần khác còn là do mối quan tâm của các nhà đầu tư về tình hình lạm phát cũng không còn quá lớn sau khi điều này đã dần đi vào kiểm soát từ khoảng giữa quý 3, trong khi đó hiện tại còn không ít nỗi lo khác như áp lực tỷ giá, giảm tỷ lệ dự nợ tín dụng phi sản xuất xuống 16% về cuối năm, tình hình thanh khoản và nợ xấu của hệ thống ngân hàng, ...

VCBS cho biết vẫn duy trì quan điểm thận trọng cho phiên giao dịch ngày 22/11, nhiều khả năng thị trường vẫn chịu sự chi phối của kịch bản giằng co trong biên độ hẹp hoặc giảm nhẹ.

Sẽ có vài phiên tăng điểm kỹ thuật

Công ty Chứng khoán ACB (ACBS): Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục giảm điểm ngày 21/11 giữa những lo ngại về tình hình lạm phát cả nước sau khi Cục Thống kế TPHCM và Sở Công thương Long An công bố chỉ số CPI tháng 11.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên cả hai sàn. Trên sàn thành phố, khối ngoại tiếp tục duy trì bán ròng 4 phiên liên tiếp. Các mã MSN và VIC tiếp tục bị bán ròng với giá trị bán ròng đạt 8.79 tỷ và 7.13 tỷ đồng. Trong khi đó, trên sàn Hà Nội, tổng giá trị bán ròng đạt 2,56 tỷ đồng, chủ yếu bán mạnh ở các mã VCG, PVX và PVS.

Trong các phiên tới, việc nhà đầu tư đang chờ đợi thông tin từ chỉ số CPI tháng 11 có thể giúp hai chỉ số chứng khoán giằng co đi ngang. Nếu tăng, chỉ số VN-Index có thể hồi phục về vùng 400–405, còn HNX-Index có thể quay trở về ngưỡng kháng cự 65 – 67 điểm. Tuy nhiên, các phiên tăng nhiều khả năng chỉ mang tính chất điều chỉnh. Do đó, nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường. Trong khi đó, nhà đầu tư dài hạn có thể mua vào các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt.

E ngại rủi ro chưa được giải tỏa

CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Quan sát diễn biến giao dịch, có thể thấy nhà đầu tư đang tỏ ra khá thận trọng trước những luồng thông tin được công bố trong giai đoạn hiện tại. Biểu hiện của nhà đầu tư trước thông tin về chỉ số CPI trong phiên giao dịch đầu tuần thể hiện tâm lý dao động cao độ trước diễn biến giằng co của thị trường.

Nhìn chung, những e ngại, lo lắng về rủi ro thị trường sẽ chưa thể được giải tỏa nếu thiếu vắng yếu tố đột biến tích cực đủ mạnh tác động đến tâm lý và môi trường đầu tư. Trong khi đó, tình hình vĩ mô trong những tháng cuối năm vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn về lạm phát, tỷ giá…

Ngoài ra, những biện pháp tái cấu trúc lại thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn có thể sẽ đi kèm với những ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường trong ngắn hạn. Do đó, FPTS tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì thái độ thận trọng quan sát thị trường, và ưu tiên bảo toàn vốn để chờ đợi cơ hội rõ ràng hơn.

Tránh mò đáy quá sớm

CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS): Chính sự sụt giảm này đang dần xóa đi hiện tượng “lệch pha” giữa các nhóm cổ phiếu trên thị trường. Có thể thấy mức độ sụt giảm của nhóm cổ phiếu bluechips đang bắt nhịp với các cổ phiếu mang tính đầu cơ trên sàn Hà Nội vốn đã chịu mức độ sụt giảm sâu từ trước. Đây là một điều kiện quan trọng để thị trường có thể tạo được những sóng hồi phục trung hạn bền vững hơn khi được tạo bởi sự đồng thuận giữa các nhóm cổ phiếu thay vì chỉ có dòng tiền đầu cơ dẫn dắt như giai đoạn vừa qua.

Mặc dù vậy, vẫn còn quá sớm để kỳ vọng vào một đợt hồi phục mạnh ở thời điểm hiện tại khi các yếu tố kinh tế vĩ mô và kỹ thuật vẫn đang cho thấy nhiều tín hiệu tiêu cực. Các nhà đầu tư vẫn được khuyến nghị đứng ngoài thị trường và tránh các quyết định “mò đáy” quá sớm với mức độ rủi ro T+4 ở mức cao.

Viết Vinh tổng hợp

Các tin tức khác

>   TS. Lê Đạt Chí: Chứng khoán bị bỏ quên (21/11/2011)

>   Thị trường tuần 21-25/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (20/11/2011)

>   Khuyến nghị bán MSN, đầu tư ngắn hạn BBC, đánh giá cao VSC (20/11/2011)

>   Thị trường ngày 18/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (17/11/2011)

>   Chủ tịch UBCKNN: Vốn gián tiếp vào TTCK đến nay vẫn dương (17/11/2011)

>   Thị trường ngày 17/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (16/11/2011)

>   Thị trường ngày 16/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (15/11/2011)

>   TS. Alan Phan: Ngành nghề biến thể sau bão (15/11/2011)

>   Thị trường ngày 15/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (14/11/2011)

>   Thị trường tuần 14-18/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (13/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật