Thị trường tuần 21-25/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán
(Vietstock) – Trong tuần tới nhà đầu tư lướt sóng nên đặc biệt quan tâm đến khối lượng giao dịch, nếu như khối lượng giảm mạnh chứng tỏ lực bán đã cạn kiệt.
Dòng tiền vẫn đang rút dần
CTCP Chứng khoán Âu Việt (AVS): Thị trường phản ảnh nhiều mối lo ngại đối với nền kinh tế nói chung, ngành bất động sản và ngân hàng nói riêng, trong đó, có việc S&P hạ bậc xếp hạng của hệ thống ngân hàng Việt Nam xuống mức rủi ro cao nhất. Ngoài ra, việc Vinashin và 20 công ty con bị kiện ra tòa án London liên quan khoản nợ gốc 600 triệu USD và 60 triệu USD tới hạn phải trả sẽ không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới Vinashin mà còn tác động đến các công ty Vịêt Nam nói chung trong môi trường kinh doanh quốc tế và hoạt động trong thị trường tài chính toàn cầu.
Thông tin tích cực trong tuần qua là việc điều chỉnh danh mục phi sản xuất của Ngân hàng nhà nước, giúp các ngân hàng cơ cấu lại tỷ lệ nợ nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà nước đưa ra: dư nợ cho vay phi sản xuất xuống 16% tổng dư nợ, giúp khơi thông phần nào dòng tiền vào lĩnh vực BĐS vốn đang gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dường như tác động của thông tin này không ảnh hưởng đến xu thế giảm điểm của TTCK.
Báo cáo tài chính quý III của nhiều doanh nghiệp niêm yết cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh không khả quan và có chiều hướng xấu trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng có nhiều DN hoạt động hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực dược phẩm, cao su, xuất khẩu thủy sản.
Trên TTCK dòng tiền vẫn đang tạm thời rút dần và thị trường sẽ khó hồi phục trong ngắn hạn. Do đó, nhà đầu tư ngắn hạn tạm thời nên ngừng tìm kiếm cơ hội trên thị trường vì rủi ro mà nhà đầu tư phải đánh đổi ở thời điểm hiện tại cao hơn nhiều so với lợi nhuận có thể mang lại.
Xu hướng giảm là chủ đạo
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS): khối lượng khớp lệnh trong tuần có chiều hướng gia tăng tại những phiên mất điểm. Tín hiệu này cho thấy khả năng giảm tỷ trọng của các nhà đầu tư tổ chức và hoạt động cắt lỗ nhìn chung đang dần tăng lên.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng có một tuần bán ròng 122 tỷ đồng trên sàn Tp.HCM, trong đó, HAG, SJS, ITA, VIC và PVF là những mã bị bán ròng mạnh nhất. Theo quan sát của chúng tôi, giao dịch của khối ngoại phần nào đại diện cho động thái của khối nhà đầu tư tổ chức và lực cung của nhóm này là nguyên nhân chính đẩy giá cổ phiếu bluechips trên sàn Tp.HCM lao dốc trong tuần qua.
Với diễn biến có phần tích cực hơn, nhóm cổ phiếu đầu cơ thanh khoản cao trên sàn Hà Nội vẫn thu hút được dòng tiền bắt đáy của các nhà đầu tư cá nhân. Điều này giúp các cổ phiếu này tránh được những phiên sụt giảm mạnh liên tiếp. Tuy nhiên, xu hướng giảm điểm nhìn chung vẫn mang tính chi phối chủ đạo.
BVS cho biết vẫn khuyến nghị nhà đầu tư nên bám theo xu hướng chính và kiên nhẫn chờ đợi những tín hiệu kỹ thuật đảo chiều trước khi ra quyết định đầu tư ngắn hạn.
Niềm tin là yếu tố then chốt
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): TTCK Việt Nam tiếp tục đón nhận những thông tin vĩ mô tích cực trong tuần này. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng ổn đinh, giá vàng biến động nhẹ và nỗ lực trong công tác điều hành của Chính phủ trong vấn đề quản lý chặt lãi suất. Tuy nhiên vấn đề tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư trong thời điểm này là yếu tố then chốt nhất để TTCK Việt Nam có bước chuyển biến khởi sắc trong tuần tới.
Trong tuần tới nhà đầu tư lướt sóng nên đặc biệt quan tâm đến khối lượng giao dịch, nếu như khối lượng giảm mạnh chứng tỏ lực bán đã cạn kiệt. Đồng thời vùng hỗ trợ 368-370 là sự kết hợp của kênh dưới của kênh giảm dài hạn, kênh dưới của kênh giảm trung hạn, Fibonacci 261.8 nên là một ngưỡng rất mạnh. Nên đối với nhà đầu tư lướt sóng chịu rủi ro có thể tham gia bắt đáy tại vùng 368-370 và bán ra khi VN-Inex tiến về vùng kháng cự 395-400. Đối với nhà đầu tư dài hạn đây là cơ hội tốt để mua vào các mã cơ bản tốt.
Vẫn trong xu thế giảm
CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI): Kết thúc phiên cuối tuần, chỉ số cả hai sàn đã có một nến tuần giảm mạnh, tạo thành dạng đáy thấp (lower low) và quay trở lại xu thế giảm chủ đạo trước đó. Như vậy, đợt sóng phục hồi ngắn ngủi trước đó chính thức được xác nhận là một bẫy tăng giá, đồng thời thị trường sẽ chưa thể phục hồi bền vững khi dòng tiền vẫn tiếp tục thoái trào mạnh.
Trong tuần qua những sự kiện nổi bật liên quan tới việc nới lỏng một phần tín dụng bất động sản, cắt giảm đầu tư công hay tái cấu trúc thị trường chứng khoán đều là những mục tiêu trung – dài hạn.
Trái lại, những biện pháp mạnh tay cũng sự cương quyết của các cơ quan chức năng trong việc tái cấu trúc thị trường chứng khoán (trung – dài hạn) thậm chí có thể tạo nên một số ảnh hưởng tâm lý không như mong muốn tới thị trường trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, theo chu kỳ hàng năm thì tháng 11 – 12 thường là tháng căng thẳng tiền mặt khi các NHTM cùng các doanh nghiệp đều có nhu cầu tiền mặt tăng cao đột biến, còn người dân thì có chiều hướng đẩy mạnh tiêu dùng cá nhân trong các tháng gần tết.
Chứng khoán vẫn đang trong xu thế giảm. Trong tuần tới, HNX-Index có thể kiểm chứng ngưỡng hỗ trợ 60 điểm. Trong trường hợp tích cực, đà giảm của thị trường sẽ tạm thời chững lại và trạng thái đi ngang chiếm ưu thế những khả năng tăng mạnh khó có thể xảy ra.
Ngược lại, nếu VN-Index mất ngưỡng 380 điểm và HNX-Index rơi khỏi ngưỡng hỗ trợ 60 điểm thì khả năng tiếp tục giảm hoàn toàn có thể xảy ra, do đó nhà đầu tư tạm thời vẫn chưa nên tham gia vào thị trường.
Viết Vinh tổng hợp
|