Thứ Ba, 15/11/2011 07:01

TS. Alan Phan: Ngành nghề biến thể sau bão

Tôi hy vọng là tôi sai và nền kinh tế Việt sẽ chạy ngon ơ với tăng trưởng GDP hai số như chuyên gia chính phủ đã "nghị quyết". Nếu quả vậy, đây là một phép lạ, ngược với mọi định luật thiên nhiên mà tôi đã học.

Gần đây, một chuyên gia có giấy phép của chính phủ long trọng tiên đoán là những chính sách hiện nay của chính phủ sẽ giải quyết các khó khăn của kinh tế vĩ mô Việt Nam như lạm phát, tỷ giá, nợ xấu ngân hàng, bội chi, FDI... trễ lắm là trước Quý 2 năm 2012. Nhiều bạn bè tôi nghe xong, mở champagne, hát quốc ca và chờ đợi. Dù sao, 7,8 tháng chỉ là một khoảnh thời gian ngắn ngủi trong đời doanh nghiệp.

Dĩ nhiên, tôi không kiếm được đồng nào trong các phân tích nhận định nên tôi chưa ca hát lạc quan như vậy. Tôi cứ nghĩ tháng 6 năm 2012 có thể là tâm điểm của trận bão kinh tế năm Thìn. Lý do đơn giản theo ước tính bình thường của một doanh nhân quê mùa là khi cung tiền tiếp tục tăng vì cần "kích cầu" để cứu ngân hàng và các dự án siêu khủng, khi thói quen cho rác rưởi xuống thảm để che đậy không thể bỏ được, và khi thế giới bên ngoài lại bấp bênh con tàu vì nợ công, tư... thì các vấn đề nói trên vẫn tồn tại và xấu đi.

Nói tóm lại, nếu chúng ta cứ tiếp tục làm những gì chúng ta đang làm thì chúng ta sẽ tiếp tục gặt hái những thành quả gì chúng ta đang nhận. Thực sự, nền kinh tế giống như một máy tính, cho rác đầu vào thì vẫn là rác ở đầu ra (garbage in, garbage out).

Tôi cho rằng cơn bão năm Thìn đang tập trung cường độ và ảnh hưởng của trận bão chỉ có thể nhìn thấy được vào cuối 2012. Nếu cơn bão đến, thì đây là những ngành nghề sẽ phải thay đổi và biến dạng từ căn cơ.

Bất động sản

Giá cả sẽ phải xuống theo trọng lực của hai yếu tố thị trường: thu nhập của người dân và lượng tiền đầu cơ thứ cấp. Người dư dả tiền bạc đã mua nhà xong, người nghèo sẽ nghèo thêm với lạm phát, nhà đầu cơ với tiền nhàn rỗi không còn nhiều... kinh doanh bất động sản sẽ qua chu kỳ suy thoái giống như tại Âu Mỹ các năm vừa qua. Nhân công thất nghiệp sẽ quay về quê để mưu sinh hay tạm trú, nhu cầu nhà thuê cũng sẽ giảm sút trầm trọng. Phân khúc thương mại, văn phòng và nghĩ dưỡng cũng sẽ chịu áp lực xấu từ nền kinh tế khập khễnh.

Thực tình, về mặt xã hội thì đây là một thay đổi tich cực. Người tiêu thụ sẽ có cơ hội mua căn nhà mong ước với giá phải chăng hơn và tình trạng đầu cơ, làm cò địa ốc để kiếm tiền nhanh sẽ giảm thiểu rất nhiều. Tiền nhàn rỗi sẽ đầu tư vào những phân khúc có hiệu quả hơn cho nền kinh tế.

Ngân hàng

Được sự chống lưng của nhà nước để tránh bất ổn xã hội, cổ đông các ngân hàng sẽ an toàn với vốn đầu tư. Nhiều sát nhập bằng súng (shotgun marriage) sẽ xảy ra, nhưng bức tranh toàn cảnh sẽ không thay đổi nhiều. Cho một vài anh bệnh ở chung với một anh mạnh khỏe thì virus có thể lan tràn tệ hơn, nhưng nợ xấu không thể biến mất như các trò ảo thuật.

Quản trị địa phương sẽ gặp nhiều vấn đề không giải quyết nổi do thiếu kinh nghiệm và vốn liếng; do đó, các ngân hàng nước ngoài sẽ được mời chào làm cổ đông chiến lược cũng như được mua lại các đơn vị tư nhân làm bàn đạp cho chương trình phát triển thị trường.

Về lâu dài, sự hợp tác với các đối tác nước ngoài sẽ đem lại những thay đổi lớn không những về mặt tiếp thị, hậu mãi cho khách hàng; nhưng qua các hoạt động hàng ngày, nhóm quản trị mới sẽ áp lực để thay đổi điều lệ và sự kiểm soát từ chính phủ; khiến bộ máy điều hành ngành tín dụng thiết yếu cho tài chính quốc gia trở nên hiện đại và hiệu quả hơn.

Chứng khoán

Với cơn bão, chứng khoán sẽ chạm đáy vào cuối năm 2012. Đây là thời điểm để các nhà đầu tư còn tiền gỡ gạc lại các mất mát mấy năm vừa qua. Nhưng sự hồi phục đúng nghĩa đề qua một chu kỳ mới phải kéo dài hơn 2 năm. Trong khi đó, những công ty chứng khoán và các quỹ đầu tư sẽ phải trình làng nhiều sản phẩm tài chính sáng tạo và hiệu quả hơn. Chính phủ cũng phải cho phép những hoạt động mà từ trước đến giờ, họ vẫn coi là một hình thức cờ bạc. Tôi muốn nói đến các hợp đồng ngoại hối và nguyên liệu, cũng như phương thức bán khống (short).

Với sự mở rộng từ căn bản điều hành, trái phiếu và hợp đồng tài chính của Việt Nam sẽ xuất hiện trở lại trên thị trường quốc tế, đem lại nguồn vốn mới cần thiết cho doanh nghiệp trong nước.

Vàng bạc nữ trang

Với chính sách "góp vốn từ dân" qua kênh vàng và dollar, chính phủ sẽ truy những người còn kinh doanh hay lưu trữ hai sản phẩm này. Nhiều tiệm vàng tư nhân sẽ bị đóng cửa vì chỉ giao dịch nữ trang thuần túy sẽ không đem đủ lợi nhuận và khách hàng. Tuy vậy, với giá thị trường quốc tế xấp xỉ $2,500 một ounce vào cuối 2012 theo tiên đoán của nhiều chuyên gia vàng, các hoạt động ngoài luồng sẽ gây nhiều biến động cho tỷ giá, lạm phát và nợ xấu. Cuối cùng, chính phủ sẽ phải đối diện với lựa chọn, hoặc trở lại nền kinh tế chỉ huy chặt chẽ kiểu Bắc Triều Tiên, hoặc mở cửa lại và để thị trường tự điều chỉnh.

"Cò" quan hệ

Đây là một ngành nghề làm ăn rất khả quan và chiếm một tỷ trọng lớn trong GDP ngầm. Vì tiền kiếm được khá dễ dàng, không cần đầu tư hay chịu rủi ro, các vị làm ăn theo mô hình kinh doanh này là những cư dân tiêu xài rộng rãi và khách xộp của các cơ sở giải trí, du lịch và hàng hiệu. Họ cũng là nhóm đầu tư có nhiều tiền nhàn rỗi và tạo nhiều đầu tư quan trọng trong các ngành nghề. Sự đóng góp của họ vào nền kinh tế thường lớn lao hơn ước định.

Tuy nhiên, khi nguồn tài trợ từ các nước ngoài giảm thiểu, các dự án và ngân sách phải sụt giảm theo vì thiếu ngoại hối. Một co sụt chừng 20% sẽ khiến nhiều "cò" nhỏ bé thất nghiệp và gây khó khăn cho kỹ nghệ phục vụ đại gia. Những chương trình khuyến mãi liên tục hay "mua chung" sẽ biến Việt Nam thành một thiên đường cho du khách Trung Quốc, Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc.

Trên cùng bình diện, các ngành nghề liên quan đến 5 lĩnh vực kinh doanh nói trên sẽ chịu ảnh hưởng xấu theo. Ngành xây dựng và vật liệu sẽ suy thoái theo bất động sản; các ngành nghề tài chính sẽ bớt đầu tư vào công nghệ thiết bị mới gây ảnh hưởng xấu cho IT nội địa; việc cấm vàng và dollar sẽ tạo một tâm lý bất ổn chung cho các cơ sở xuất nhập khẩu.

Trong khi đó, những ngành nghề ít bị ảnh hưởng nhất là y tế, giáo dục, năng lượng, khoáng sản, nông hải sản và sản phẩm tiêu dùng cần yếu.

Thực ra, trận bão năm Thìn sẽ không thay đổi nhiều mức sống của đại đa số người dân bao nhiêu. Phần lớn phải thắt lưng buộc bụng kỹ hơn vì suy thoái và lạm phát; nhưng sau bao cơn khủng hoảng và chiến tranh mấy chục năm qua, kỹ năng sinh tồn đã được tôi luyện để biến con người Việt thành siêu nhân về sức chịu đựng.

Dù vậy, trong trường hợp này, tôi hy vọng là tôi sai và nền kinh tế Việt sẽ chạy ngon ơ với tăng trưởng GDP hai số như chuyên gia chính phủ đã "nghị quyết". Nếu quả vậy, đây là một phép lạ, ngược với mọi định luật thiên nhiên mà tôi đã học. Bởi vì người Việt ta có lẽ cần cầu nguyện cho một phép lạ ở giờ thứ 25.

T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai

Tuần Việt Nam

Các tin tức khác

>   Thị trường ngày 15/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (14/11/2011)

>   Thị trường tuần 14-18/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (13/11/2011)

>   Lưu ý SCIC thoái vốn tại HDC, nắm giữ ngắn hạn VSH (13/11/2011)

>   Thị trường ngày 11/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (10/11/2011)

>   Thị trường ngày 10/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (09/11/2011)

>   Thị trường ngày 09/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (08/11/2011)

>   Thị trường ngày 08/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (07/11/2011)

>   Thị trường tuần 07-11/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (06/11/2011)

>   Lưu ý khi đầu tư vào CTD, DIG, NTL, GMX, PDN (06/11/2011)

>   Phạt cá nhân trong vi phạm CBTT: Có khả thi? (04/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật