Thị trường tuần 07-11/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán
(Vietstock) – Trong tuần tới, thị trường sẽ kiểm chứng sức mua tại vùng hỗ trợ. Mặt bằng giá cổ phiếu đã tương đối thấp nhưng dòng tiền không tham gia mạnh có thể khiến thị trường dao động hẹp kéo dài một vài phiên.
Có thể phục hồi nhẹ
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS): Ở góc độ tích cực, sau dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 có thể tăng khoảng 0.2 – 0.3% của tổ điều hành thị trường trong nước, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) mới đây cũng nhận định CPI tháng 11 sẽ tiếp tục giảm tốc độ tăng nhờ vào sức mua có xu hướng tăng thấp dần và cung hàng hóa thiết yếu dồi dào hơn trước.
Tuy nhiên, mặc dù thông tin CPI tiếp tục khả quan trong tháng 11, lãi suất liên ngân hàng ở các kỳ hạn tiếp tục tăng, cho thấy thanh khoản các ngân hàng đang gặp khó khăn. Trước tình hình đó, các ngân hàng như Vietinbank, BIDV, và Agribank tăng cường hỗ trợ vốn trên thị trường liên ngân hàng cho các ngân hàng nhỏ gặp khó khăn thanh khoản.
Về lĩnh vực bất động sản, theo Chỉ thị 01/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, tất cả các tổ chức tín dụng phải giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất trên tổng dư nợ từ 22% xuống còn 16% trước cuối năm. Việc này khiến cho các công ty bất động sản càng gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn, buộc phải hạ giá sản phẩm, bán tháo để có thể trả kịp nợ vay, làm cho bức tranh thị trường bất động càng thêm ảm đạm.
Về mặt phân tích kỹ thuật, do HNX-Index hiện nay đang giao dịch ở ngưỡng hỗ trợ 65 điểm, chỉ số này có thể hồi phục nhẹ trong một vài phiên sắp tới. Trong khi đó, chỉ số VN-Index có khả năng cũng tăng điểm theo sau sự bật dậy của chỉ số HNX-Index
Chờ đợi để ‘thoát hàng”
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Không có yếu tố mới từ vĩ mô gây đột biến tới TTCK. Từ góc độ kỹ thuật, các yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen khiến khó xác định xu hướng ngắn hạn. Xét về mặt thời gian, kỳ vọng về nhịp hồi phục vẫn còn trong nửa đầu tuần tới sau khi thị trường điều chỉnh mạnh, tuy nhiên kì vọng lợi nhuận không lớn là rào cản cho vấn đề rủi ro T+4 trên TTCK Việt Nam..
Dòng tiền có kỳ vọng cao tham gia thị trường trước mắt chưa gây biến động mạnh do được ủng hộ từ yếu tố kỹ thuật, nhưng với thời gian kéo dài, đây là tiền đề để thị trường sụt giảm bởi độ kiên nhẫn kém. Với các nhận xét đó, BSI cho rằng thị trường có thể tiếp tục cố gắng kiểm nghiệm khả năng tăng điểm trong một vài phiên đầu tuần. Trong thời gian xa hơn, nhiều khả năng kịch bản giảm từ từ sẽ quay trở lại. Trước mắt, chiến thuật chờ thị trường hồi phục để tạm rút lui nên là lựa chọn hàng đầu.
Vẫn có khả năng bật lại
CTCP Chứng khoán Kim Eng Việt Nam (KEVS): Trên thị liên ngân hàng lãi suất tiếp tục tăng cao, kỳ hạn 1 tuần khoảng 18% (trong đó, các ngân hàng đi vay phải “đi đô la đối ứng”, tương đương lãi suất thực khoảng 20-21%). Một số ngân hàng chậm thanh toán đã phải chịu mức lãi suất phạt lên tới 24-27%. Kể từ đầu tuần trước đến hết 3/11 NHNN cũng hút ròng về gần 16,000 tỷ đồng qua OMO. Đây được coi là một phần nguyên nhân khiến lãi suất liên ngân hàng gia tăng trở lại. Bên cạnh đó, thị trường USD/VND liên ngân hàng cũng tỏ ra rất trầm lắng kể từ khi NHNN ráo riết thanh tra các hoạt động mua bán USD vượt trần.
Tình hình trên cho thấy thanh khoản USD và VND vẫn chưa thật sự ổn định và khả năng sẽ tiếp tục gây những tác động tiêu cực đến TTCK.
Ngoài ra các vấn đề liên quan đến thanh khoản của SME, nợ xấu của các ngân hàng thương mại và các vụ “vỡ nợ & giật nợ” của nhiều cá nhân vẫn là đề tài nóng ảnh hướng tiêu cực đến tâm lý các nhà đầu tư.
Về mặt kỹ thuật cho thấy TTCK bắt đầu có những dấu hiệu xấu hơn và đang đứng trước ngưỡng hỗ trợ quan trọng của thị trường. Đây là ngưỡng hỗ trợ suốt gần 3 năm qua của VN-Index vẫn luôn tỏ ra vững vàng và nếu ngưỡng này không giữ được thì xu hướng xuống sẽ còn tiếp tục thêm một thời gian nữa. Tuy nhiên nếu ngưỡng hỗ trợ này vẫn giữ được thì việc thị trường bật lại trong ngắn hạn là rất khả quan.
Dao động hẹp vẫn còn kéo dài
CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI): Tuần qua, trên thị trường xuất hiện một số thông tin cho thấy nguy cơ xảy ra thêm nhiều vụ vỡ nợ cá nhân – tổ chức với qui mô khá lớn. Tình trạng các ngân hàng thương mại đang gấp rút tiến hành tái cơ cấu các khoản cho vay và xử lý nợ xấu vào các tháng cuối năm, cùng với tình trạng ảm đảm kéo dài của thị trường bất động sản đang khiến giới đầu tư quan ngại về tình trạng vỡ nợ có thể còn tiếp diễn trong hai tháng cuối năm.
Thị trường sụt giảm mạnh khiến chỉ số HNX-Index đã về tới vùng hỗ trợ tại 66 điểm, và VN-Index cũng giảm về sát ngưỡng 400 điểm. Thanh khoản thị trường đang có chiều hướng giảm dần cho thấy dòng tiền đã thoát mạnh khỏi thị trường.
Trong tuần tới, thị trường sẽ kiểm chứng sức mua tại vùng hỗ trợ. Mặt bằng giá cổ phiếu đã tương đối thấp nhưng dòng tiền không tham gia mạnh có thể khiến thị trường dao động hẹp kéo dài một vài phiên. Nhà đầu tư giữ cổ phiếu nên hạn chế việc bán tháo với mức giá thấp. Ngược lại, việc đứng ngoài thị trường và thận trọng quan sát sẽ giúp nhà đầu tư giữ tiền mặt tránh được rủi ro giảm giá ngắn hạn.
Giai đoạn khó khăn nhất đã đến
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS): Đằng sau những tín hiệu kỹ thuật không mấy tích cực của thị trường, tâm lý nhà đầu tư vẫn đang chịu tác động bởi khá nhiều thông tin cơ bản mang tính tiêu cực.
Kết quả kinh doanh quý 3 của khá nhiều doanh nghiệp niêm yết đang cho thấy những vấn đề về vốn khả dụng, thị trường bất động sản cũng đang chứa đựng nhiều bất ổn và dần bộc lộ áp lực thu hồi vốn; trong khi đó, ngay cả mắt xích chính đóng vai trò cân đối dòng vốn của nền kinh tế là hệ thống ngân hàng cũng đang gặp khó khăn về thanh khoản.
BVS cho rằng đây là giai đoạn bộc lộ rõ nhất hậu quả của những vấn đề kinh tế vĩ mô đã được tích lũy trong suốt một thời gian dài và đã đến lúc cần được tái cơ cấu lại.
Viết Vinh tổng hợp
|