Thứ Hai, 31/10/2011 16:36

TTCK tháng 11 đang bị “giăng bẫy”?

Các CTCK như đang chơi canh bạc cuối khi cùng hợp sức bơm vốn vào thị trường, để tạo thanh khoản nhằm tìm cơ hội giảm nợ xấu nhiều hơn là sự tăng điểm tự nhiên bền vững của thị trường.

Hầu hết chuyuên gia đều khá bất ngờ trước phiên tăng điểm mạnh cuối tuần trước

TTCK đã chấm dứt chuỗi ngày lình xình với phiên bùng nổ ngày 28/10, khi điểm số, thanh khoản thị trường đều tăng mạnh. Khảo sát nhanh của ĐTCK với 10 đối tượng là chuyên gia chứng khoán độc lập, lãnh đạo, giới phân tích các CTCK đều có chung nhận định, phiên bùng nổ này thực sự bất ngờ, bởi thị trường không nhận được bất kỳ thông tin hỗ trợ nổi bật nào. Lần tìm nguyên nhân "lên điểm" của phiên này đã làm hé lộ những "cái bẫy" mà NĐT cần để tâm khi thị trường bước vào tháng 11.

Nhiều con số bất thường

Điểm đáng chú ý đầu tiên khi kết thúc phiên giao dịch ngày 28/10 là trong số các chứng khoán không được margin theo công bố của HOSE và HNX, thì điều rất lạ là rất nhiều mã tăng trần. Có những cổ phiếu đang ở mức giá rất thấp cũng có phiên tăng trần khó hiểu như CYC tăng lên 2.200 đồng/CP… Tại sàn HOSE, có tới 26 mã tăng trần trong tổng số 57 chứng khoán bị cấm margin. Tình trạng này cũng tương tự như sàn HNX, khi có tới 53 mã tăng trần trong tổng số 97 chứng khoán bị cấm margin.

Dữ liệu thống kê phiên 28/10 cũng cho thấy, hầu hết cổ phiếu nhóm ngành chứng khoán không được margin đều tăng trần. Trong đó, trên HOSE có 3 mã ngành chứng khoán không được margin thì SSI tăng trần, còn SBS cũng tăng đáng kể, trong khi chỉ có BSI đứng giá. Sức tăng của nhóm cổ phiếu chứng khoán còn khó tin hơn nhiều trên sàn HNX, khi trong tổng số 18 mã không được margin thì tất thảy đều tăng giá, trong đó có tới 15 mã tăng trần, mặc dù hầu như không có thông tin hỗ trợ nào đáng kể.

"Lót đường" để tháo chạy?

Chuyên gia chứng khoán Phạm Kinh Luân nhìn nhận, ẩn chứa đằng sau những con số trên cho thấy, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) liên tục phát đi thông điệp sẽ mạnh tay xử lý các CTCK vi phạm trong triển khai giao dịch ký quỹ (margin), dường như các CTCK đang khá đồng thuận trong việc tìm cách đánh lên để "lót đường" cho việc bán giải chấp danh mục đã cho vay margin nhưng không nằm trong danh sách được phép margin, trong đó có chính cổ phiếu của các CTCK.

"Các CTCK như đang chơi canh bạc cuối khi cùng hợp sức bơm vốn vào thị trường, để tạo thanh khoản nhằm tìm cơ hội giảm nợ xấu nhiều hơn là sự tăng điểm tự nhiên bền vững của thị trường", ông Luân nói.

Nhận định trên cũng nhận được sự đồng tình của chuyên gia phân tích một CTCK có trụ sở chính tại Hà Nội, khi cho rằng, phiên bùng nổ 28/10 đã làm không ít NĐT kỳ vọng thị trường xuất hiện sóng ngắn trong tháng 11. Về mặt kỹ thuật có thể như vậy, nhưng trên góc độ thanh khoản của hệ thống ngân hàng và CTCK, thì rất ít lý do để thuyết phục. Là những đối tượng tạo thanh khoản chính cho thị trường, nhưng cả ngân hàng lẫn CTCK đều đang đối mặt với tình trạng nợ xấu đáng lo ngại. Dường như họ đang cố tạo thanh khoản để đẩy bớt lượng cổ phiếu đang nắm giữ, qua đó giải quyết dần nợ xấu. Mặt khác, bắt đầu bước vào cuối năm, nên theo lẽ thường, các ngân hàng, CTCK sẽ tập trung rút tiền về hơn là bơm ra. Với mục đích đánh lên để rút bớt tiền ra như vậy sẽ rất rủi ro cho NĐT, mà rõ nhất là rủi ro T+.

Cũng theo vị chuyên gia phân tích trên, không ít CTCK, ngân hàng đang nắm giữ lượng cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) khá lớn, nên sự kiện cổ phiếu này chào sàn HOSE vào ngày 1/11 tới, cũng là lý do để các CTCK đang tìm cách đánh lên. Động thái này vừa nhằm tạo tâm lý tích cực cho thị trường, vừa tạo bệ đỡ cho giá cổ phiếu MBB trong giai đoạn chào sàn, tạo ra môi trường có thể “thoát hàng” khi cần thiết.

Mặc dù đa số chuyên gia đều nhận định về khả năng đánh lên của các tổ chức khi thị trường khởi sắc trong phiên cuối tuần qua, nhưng trên thị trường cũng có những quan điểm ngược lại. Các ý kiến trái chiều này cho rằng, thị trường tăng điểm do giá cổ phiếu đã quá rẻ, đồng thời do kỳ vọng vào tương lai khi kinh tế thế giới sẽ ổn định hơn và các yếu tố "nóng" như lạm phát, lãi suất, tỷ giá… ở trong nước sẽ dần hạ nhiệt.

"Về ngắn hạn, thị trường có thể tăng"

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc ban Phân tích - Đầu tư CTCK Dầu khí (PSI)

Về ngắn hạn, thị trường đang tìm thấy điểm tựa khi HNX-Index về gần đáy W tại 66 điểm. Giá cổ phiếu đã khá rẻ tính theo cả thị giá, P/E, P/B, tin xấu không còn tác động nhiều nên khiến thị trường bật lên. Mặc dù về dài hạn, chưa thể khẳng định đây là đáy. Vài tháng tới, lãi suất, lạm phát có xu hướng giảm, tỷ giá cũng sẽ tương đối ổn định do dự trữ ngoại hối khá, tuy nhiên, dòng vốn ngoại đang có hướng rút ra khỏi thị trường do những biến động bất lợi từ châu Âu và Trung Quốc. Do vậy, trong vài tháng tới, thị trường có xu hướng sideway giữa khu vực 64 - 78 điểm đối với HNX-Index. Kênh sideway này đã hình thành 6 tháng qua và có thể tiếp diễn trong vài tháng tới.

Về dài hạn, thị trường vẫn bị tác động mạnh bởi khủng hoảng nợ công ở châu Âu, giá bất động sản ở Trung Quốc đã tăng quá cao và tác động xấu đến nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang giảm và luồng vốn ngoại chưa hào hứng quay lại, nên ít nhất trong 6 tháng tới, thị trường khó có khả năng bật mạnh.

"Đang hình thành xu hướng uptrend"

Ông Trần Minh Hoàng, Chuyên gia CTCK Vietcombank (VCBS)

Vừa qua, thị trường đã trải qua thời gian điều chỉnh và tích lũy khá dài với những lo lắng không chỉ từ vấn đề vĩ mô trong nước, nhất là áp lực tỷ giá, mà còn cả từ yếu tố nước ngoài với vấn đề nợ công ở châu Âu. Phiên giao dịch cuối tuần qua, ngoài yếu tố kĩ thuật thì một nguyên nhân rất quan trọng đã giúp thị trường bứt phá mạnh là các nhà lãnh đạo châu Âu đã dần tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng nợ công, trong đó đáng chú ý nhất là việc công bố quy mô Quỹ bình ổn tài chính lên tới 1.400 tỷ Euro và đồng thời giảm khoảng 50% nợ cho Hy Lạp.

Tình hình vĩ mô trong nước vẫn tương đối ổn định và trong tầm kiểm soát, tỷ giá mặc dù đã được liên tiếp điều chỉnh tăng trong suốt tháng 10, nhưng những số liệu mới nhất cho thấy Ngân hàng Nhà nước có đủ tiềm lực và biện pháp để can thiệp để đảm bảo tỷ giá không biến động quá mạnh, biên độ dao động tỷ giá dự kiến 1% theo đó cũng có thể được đảm bảo. TTCK đang hình thành xu hướng uptrend, nhưng cũng không loại trừ có những phiên điều chỉnh và thường những phiên này sẽ tạo cơ hội tốt cho NĐT.

Tân Văn - Quang Sơn

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Tiếng nói nhà đầu tư: Điểm sáng hay sự mơ hồ? (30/10/2011)

>   Thị trường tuần 31/10-04/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (30/10/2011)

>   Khuyến nghị đầu tư vào cổ phiếu PGS, PVG, MBB (30/10/2011)

>   Thị trường ngày 28/10 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (27/10/2011)

>   Chứng khoán Việt Nam đang rẻ nhất Đông Nam Á (27/10/2011)

>   Thị trường ngày 27/10 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (26/10/2011)

>   Thị trường ngày 26/10 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (25/10/2011)

>   Thị trường ngày 25/10 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (24/10/2011)

>   Đầu tư chứng khoán: Thận trọng! (24/10/2011)

>   Thị trường tuần 24-28/10 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (23/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật