Thứ Hai, 05/12/2011 14:16

Tái cấu trúc TTCK: Hướng đến chất lượng, hiệu quả

Tại hội thảo về tái cấu trúc thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã đưa ra 3 phương án, trong đó có phương án “thành lập một Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) duy nhất trên nền tảng hợp nhất 2 sàn HOSE và HNX”. Nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa thấy thông tin chi tiết về việc sáp nhập.

Thay chiếc áo cũ

Giữa tháng 7, Sở GDCK New York (NYSE) và Sở GDCK Frankfurt (Đức) đã tiến hành sáp nhập để tạo ra một công ty lớn nhất thế giới trong lĩnh vực quản lý hoạt động TTCK. Tại châu Á, các sở GDCK của Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang tiến hành các thủ tục sáp nhập.

Trong khu vực ASEAN, các nước như Thái Lan, Indonesia cũng chỉ có một sở GDCK. Theo ThS. Đào Trung Kiên (Trường Đại học Kinh tế TPHCM), nhiều đơn vị của Nhà nước cùng kinh doanh một lĩnh vực sẽ dẫn đến chi phí gia tăng cũng như cạnh tranh ngầm không đáng có.

Sáp nhập 2 sở GDCK tại Việt Nam là xu hướng tất yếu. Chưa thể nói liệu có sự đột phá nếu sáp nhập 2 sở, nhưng trước mắt có thể thấy được những mặt tích cực, như tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí, hệ thống vận hành thông suốt hơn.

Chẳng hạn UBCKNN thay vì phải “quản” 2 sở nay chỉ còn 1 “cánh tay nối dài”; các công ty chứng khoán (CTCK) thay vì lập 2 báo cáo nay chỉ còn 1… Nói nôm na có thể giảm một nửa chi phí, nguồn lực…

Yếu tố nhiều sàn, nhiều sở trên TTCK thế giới chỉ mang tính chất lịch sử. Cách đây vài chục năm, vì những rào cản về công nghệ, 1 sở GDCK không thể quản lý bao quát các tổ chức tham gia TTCK nên buộc lòng phải “chia nhỏ” công việc. Như Nhật Bản có đến 6 sở GDCK rồi mới từ từ sáp nhập lại. Nay sự phát triển về internet đã giúp cho việc quản lý trở nên dễ dàng hơn.

Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Môi giới CTCK MHBs

Có thể nói, việc sáp nhập 2 sở ngay trong lúc này chỉ là một phần trong chiến lược tái cấu trúc TTCK Việt Nam. Trong ngắn hạn, bên hưởng lợi là 2 sở trong việc quản lý còn nhà đầu tư và doanh nghiệp niêm yết thực chất không được gì.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC), cho rằng việc sáp nhập 2 sở không gây ảnh hưởng gì đối với nhà đầu tư. TTCK nói chung và doanh nghiệp nói riêng sẽ chỉ chịu tác động từ các chính sách lớn hơn của Nhà nước. Điều này khác với nước ngoài khi sở này sáp nhập với sở khác thường tạo ra những ảnh hưởng rất to lớn. Tuy nhiên, về dài hạn việc sở mới hoạt động hiệu quả hơn có thể tạo niềm tin cho nhà đầu tư về động thái tái cấu trúc TTCK của Nhà nước.

Cạnh tranh và triệt tiêu

Khác với TTCK thế giới, TTCK Việt Nam do Nhà nước lập ra và quản lý, từ Bộ Tài chính đến UBCKNN xuống dưới là các sở GDCK.

PGS.TS Nguyễn Minh Kiều (Trường Đại học Mở TPHCM), đặt vấn đề: “Sáp nhập 2 sở sẽ triệt tiêu tính cạnh tranh, tạo ra sự độc quyền mang tính tuyệt đối. Lúc này Sở GDCK mới liệu có thể hoạt động tốt hơn 2 sở cũ? Để lên sàn HOSE, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ từ 80 tỷ đồng trở lên, có lãi trong 2 năm liền trước năm đăng ký niêm yết.

Trong khi chào sàn HNX, doanh nghiệp chỉ cần 10 tỷ đồng vốn điều lệ và kinh doanh có lãi năm liền trước thời điểm đăng ký. Từ những điều kiện này, có thể hiểu được ý định phân nhóm HOSE dành cho doanh nghiệp “hạng sang” còn HNX là doanh nghiệp “bình dân”.

Nhưng thực tế, hiện nay đang có gần 160 doanh nghiệp niêm yết tại HNX (chiếm gần 40%) có vốn điều lệ từ 80 tỷ đồng trở lên. Trong khi đó, có trên dưới 50 doanh nghiệp niêm yết tại HOSE có giá trị vốn hóa thấp hơn 80 tỷ đồng.

Giá trị vốn hóa thấp hơn vốn điều lệ cho thấy doanh nghiệp niêm yết và cả thị trường đang gặp vấn đề. Tính chất sàng lọc hàng hóa trên TTCK nhằm hỗ trợ cho nhà đầu tư có cách nhìn nhận hợp lý đã không thể phát huy”.

Tái cấu trúc TTCK sẽ tạo thêm niềm tin cho NĐT. 

Một người có thâm niên làm việc trong ngành chứng khoán kể lại: Cuối năm 2006, các doanh nghiệp đua nhau lên sàn nhằm được hưởng những ưu đãi về thuế sẽ chấm dứt vào đầu năm 2007. Việc doanh nghiệp xếp hàng “dồn toa” cộng thêm việc niêm yết tại HNX khi đó có vẻ nhanh hơn HOSE nên nhiều doanh nghiệp đã chọn HNX để niêm yết.

Theo ThS. Đào Trung Kiên, đây có thể là biểu hiện của một sự cạnh tranh ngầm nào đó. Chào mời được doanh nghiệp càng lớn lên sàn càng chứng tỏ được uy tín của Sở GDCK. HOSE và HNX là 2 đơn vị kinh doanh, vì vậy cạnh tranh để đem lại lợi ích và uy tín cho mình cũng là điều dễ hiểu. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 15 tỷ đồng hay 1.500 tỷ đồng thì cũng đều trên 10 tỷ đồng và hoàn toàn có thể chọn HNX nếu cảm thấy thuận lợi, bởi việc niêm yết là tự nguyện chứ không bắt buộc.

Nhưng khi “dồn” tất cả cổ phiếu về một sở đồng nghĩa với việc “trộn” lẫn những cổ phiếu có chất lượng và “hàng lởm” với nhau. Các doanh nghiệp trước đây tìm mọi cách tăng vốn điều lệ, bằng mọi giá để niêm yết tại HOSE nhằm xác định một “đẳng cấp” khác, nay phải đứng chung với những doanh nghiệp hoạt động èo uột liệu có cảm thấy “thoải mái”?

Chuẩn hóa chức năng

Một trong những chức năng quan trọng của Sở GDCK là giám sát. Sở GDCK là nơi thông tin tập trung về nhiều nhất nên tất nhiên sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát. Và giám sát không chỉ giới hạn trong việc kiểm tra doanh nghiệp có “làm trật” hay không mà cần hướng đến việc xử lý, nâng cấp, chuẩn hóa thông tin của doanh nghiệp.

Chẳng hạn, cuối tháng 7 HOSE và HNX đã đưa ra thống kê chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính quý II-2011 đúng thời gian quy định. Liệu sở mới sẽ làm thế nào để răn đe và xử lý mạnh tay những trường hợp này? Có một nghịch lý trong suy nghĩ của nhà đầu tư đã tồn tại từ khá lâu, đó là nhiều nhà đầu tư vẫn cho rằng tính chất minh bạch của các doanh nghiệp tại HNX kém hơn HOSE.

Thực tế, tất cả doanh nghiệp niêm yết trên cả 2 sở đều phải tuân thủ cách thức công bố thông tin trong Luật Chứng khoán. Cùng là báo cáo tài chính của doanh nghiệp, có tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, nợ, doanh thu, lợi nhuận… nhưng vẫn tồn tại tình trạng doanh nghiệp có vốn điều lệ vài chục tỷ đồng lại thực hiện “lem nhem” hơn những doanh nghiệp có vốn điều lệ vài trăm, vài nghìn tỷ đồng.

Hay những quy định về vốn điều lệ hoặc việc kinh doanh có lãi cũng chỉ “đụng chạm” được vỏ bề ngoài, chưa thể bóc tách được chất lượng bên trong của doanh nghiệp niêm yết.

Việc sáp nhập 2 sở GDCK có nhiều thuận lợi. Quan chức 2 sở đều do Nhà nước bổ nhiệm, nên việc điều chuyển, phân công lại khi sáp nhập không khó khăn lắm. Sáp nhập các bộ, ngành còn khó gấp nhiều lần vẫn thực hiện được huống chi 2 sở GDCK có quy mô nhỏ hơn. Bên cạnh đó, nhiều sàn chứng khoán trên thế giới có hàng nghìn mã lớn nhỏ đứng cạnh nhau. Vì vậy, việc phân cấp hạng sang, hạng trung không quan trọng bằng việc chuẩn hóa những quy định, luật lệ, tiêu chuẩn niêm yết.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico

Ngoài giám sát, chức năng tạo lập của Sở GDCK cũng là điều đáng bàn. Một mặt, HOSE và HNX cũng đã thực hiện tương đối tốt chức năng này khi đã huy động được gần 700 mã cổ phiếu niêm yết (chưa tính UPCoM), nhưng số lượng các doanh nghiệp lớn, đầu ngành chưa niêm yết vẫn còn không ít.

Có một chi tiết nhỏ nhưng cần nói đến là các sở vẫn tổ chức hoạt động mời gọi doanh nghiệp niêm yết, đây là nỗ lực đáng ghi nhận. Nhưng trừ doanh nghiệp, CTCK hay những người làm trong ngành biết được hoạt động này, còn lại rất nhiều nhà đầu tư không nắm rõ.

Không thể lý luận rằng đây là chuyện “riêng” của doanh nghiệp, không liên quan đến nhà đầu tư, vì nếu quá “kín” có thể xảy ra hiệu ứng ngược: Nhà đầu tư không thấy được nỗ lực của các sở, các cơ quan quản lý trong sự phát triển của TTCK Việt Nam, từ đó niềm tin sẽ bị ảnh hưởng.

Mặt khác, để nhà đầu tư “chung tay”, các sở cần phải tính đến vấn đề bảo vệ họ, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ. Thời gian gần đây, xu hướng doanh nghiệp hủy niêm yết đã trở thành nỗi nhức nhối, đe dọa nghiêm trọng đến niềm tin của nhà đầu tư.

Doanh nghiệp hủy niêm yết, nhất là những doanh nghiệp kém chất lượng, cổ đông nhỏ lẻ gần như mất trắng khi cổ phiếu không có thanh khoản, còn cổ tức xem như là một chuyện xa vời. Nếu sáp nhập 2 sở và tạo ra sở mới, việc nâng cấp vai trò quan trọng là tạo lập và giám sát sẽ là điều tối quan trọng để tạo xung lực mới trên thị trường.

Thái Ca

SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Các tin tức khác

>   Thị trường tuần 05-09/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (04/12/2011)

>   Triển vọng nào cho các cổ phiếu KDC, DPR,  APC, và CTG (04/12/2011)

>   ACBS: Hy vọng mới từ châu Âu (02/12/2011)

>   Thị trường ngày 02/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (01/12/2011)

>   Các thành viên hiến kế “cứu” TTCK (01/12/2011)

>   Thị trường ngày 01/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (30/11/2011)

>   Thị trường ngày 30/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (29/11/2011)

>   Thị trường ngày 29/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (28/11/2011)

>   Xem xét mua POM, BMC, DPR, nắm giữ EIB (27/11/2011)

>   Thị trường tuần 28/11-02/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (27/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật