Quỹ mở chính thức mở: “Sẽ có làn sóng đầu tư mới”
Thông tư hướng dẫn thập lập và quản lý quỹ mở vừa ban hành được kỳ vọng tạo nên một lớp các công cụ đầu tư mới. Đặc biệt việc các quỹ dạng đóng được phép chuyển đổi sang dạng mở sẽ giảm áp lực lên thị trường khi tới hạn giải thể.
|
Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước |
VNEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Thông tin trên website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thông tin về việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 183/2011/TT-BTC hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ mở từ ngày 16/12/2011. Vậy tại sao đến nay thị trường vẫn chưa nhận được văn bản chính thức, thưa ông?
Thông thư hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ mở là một trong những văn bản đồ sộ nhất từ trước tới nay, kiến tạo nền tảng cho việc ra đời hàng loạt các sản phẩm đầu tư mới do các tổ chức tự thiết kế. Văn bản dài tới 200 trang và chúng tôi đang có những bước rà soát lại cuối cùng để công bố chính thức trong vài ngày tới. Theo thông lệ, Thông tư sẽ có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày công bố chính thức.
Việc cho phép ra đời quỹ mở đúng vào thời điểm này có thể được xem là một hành động hỗ trợ thị trường, nhất là khi áp lực thoái vốn của các quỹ đóng đang tới gần?
Việc ban hành khung pháp lý cho quỹ mở đã được chuẩn bị từ hơn một năm nay và là bước đi phù hợp với nhu cầu thị trường, theo hướng tái cấu trúc thị trường chứng khoán. Đây cũng là mong mỏi của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có tổ chức. Thông lệ trên thế giới cho thấy hình thức quỹ đóng chỉ tồn tại trong thời gian đầu, khi thị trường tài chính mới hoạt động. Trên thế giới hiện quỹ đóng tồn tại rất ít và có tới 98% là các quỹ mở.
Hiện Chính phủ đang chỉ đạo tái cấu trúc lại thị trường chứng khoán. Trong đó, nổi bật lên mấy vấn đề. Thứ nhất là phải nâng cao chất lượng hàng hóa. Trước đây chúng ta mới chú trọng phát triển hàng hóa theo chiều rộng, giờ cần đi vào chiều sâu. Thứ hai là tái cấu trúc các tổ chức trung gian, như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ… Thứ ba là xây dựng lại mô hình tổ chức, tổ chức lại các Sở giao dịch, Trung tâm lưu ký.
Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán đã được Ủy ban trình lên Chính phủ. Việc ban hành Thông tư hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ mở là một bộ phận quan trọng trong kế hoạch này. Thông tư sẽ tạo nền tảng pháp lý để từ đó hình thành nên nhiều sản phẩm đầu tư mới, làm gia tăng sự tham gia của nhà đầu tư có tổ chức, dòng vốn đầu tư sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Đây cũng là mục tiêu cải thiện cơ sở nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam, hiện đang chiếm đa số là nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Con số 25.000 tỷ đồng của các quỹ đóng có nguy cơ phải thoái vốn khi hết hạn có phải là con số gây áp lực lên việc ra đời văn bản hướng dẫn quỹ mở hay không. Liệu khả năng chuyển đổi hình thức từ quỹ đóng sang quỹ mở có thuận tiện không, thưa ông?
Trước hết con số 25.000 tỷ đồng có nguy cơ thoái vốn của các quỹ đóng là không có cơ sở. Tuy nhiên việc ra đời quỹ mở cũng sẽ góp phần giảm áp lực đối với những quỹ đóng có nhu cầu tất toán. Khung pháp lý sẽ cho phép các quỹ đóng chuyển đổi thành dạng quỹ mở trước hạn. Điều này sẽ làm giảm sức ép khi giải thể quỹ, duy trì được dòng vốn vào thị trường. Hầu hết nhà đầu tư nước ngoài đều mong muốn có hình thức quỹ mở để tạo thêm kênh hút vốn.
Điều đó có nghĩa là các quỹ đóng hiện tại có thể chuyển đổi ngay thành quỹ mở mà không cần chờ đến thời điểm hết hạn theo điều lệ quỹ?
Đúng vậy. Thông tư cho phép chuyển đổi quỹ trước hạn. Đại hội nhà đầu tư của quỹ có quyền quyết định việc chuyển đổi trước hạn.
Ông có thể dự báo thời gian tới đây, các sản phẩm mới nào sẽ được tung ra thị trường trên cơ sở nền tảng của quỹ mở?
Thông tư 183 có ý nghĩa rộng hơn các vấn đề của thị trường chứng khoán. Đây là văn bản pháp lý đặt nền tảng đầu tiên cho hệ thống an sinh xã hội đa trụ cột. Chúng tôi kỳ vọng Thông tư sẽ tạo ra một vóc dáng mới cho lĩnh vực đầu tư, tạo thêm nhiều công cụ hữu ích cho nhà đầu tư tham gia tích cực hơn.
Quỹ mở là nền tảng cơ bản để các tổ chức tài chính hình thành ra các công cụ đầu tư khác nhau để thu hút nhà đầu tư. Một loạt hình thức quỹ khác có thể ra đời như quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ hưu trí bổ sung, quỹ đầu tư ETF, các sản phẩm bảo hiểm liên kết, thậm chí cả quỹ đầu tư trái phiếu, quỹ tiền tệ… Khung pháp lý này sẽ góp phần giải quyết một loạt các lĩnh vực, đa dạng hóa sản phẩm đầu tư, kéo theo khu vực bảo hiểm và an sinh xã hội cũng phát triển theo, chẳng hạn hình thức quỹ hưu trí bổ sung cho hệ thống bảo hiểm xã hội hiện có.
Việc sản phẩm nào sẽ ra đời sẽ do thị trường quyết định. Cơ quản quản lý chỉ đưa ra khung pháp lý, tạo hành lang thực hiện. Các tổ chức đầu tư sẽ tự thiết kế nên các sản phẩm phù hợp. Thậm chí không loại trừ một công ty quản lý quỹ sẽ hình thành nên nhiều quỹ với các mục tiêu khác nhau.
Trong quá trình tham vấn các tổ chức tài chính lớn, nhưng tên tuổi như HSBC, Standard Chartered, Prudential, Manulife… họ tỏ ra sẵn sàng đưa ra quỹ mở. Một số tổ chức trong nước như VFM, Bảo Việt, SSI, VCB… cũng đã có nghiên cứu và chuẩn bị. Tôi tin rằng sẽ có làn sóng đầu tư mới trên thị trường tài chính.
Xin cảm ơn ông.
Nguyễn Hoàng
TBKTVN
|