Thứ Sáu, 16/12/2011 17:45

Hết thời đầu tư tài chính

DN Việt Nam đã thay đổi cách nhìn khi “se duyên” với NĐT nước ngoài. Xu thế đầu tư tài chính đơn thuần đang dần bị thay thế bằng hợp tác, đầu tư chiến lược.

Xung quanh chủ đề này, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc CTCK KimEng (KEVS).

Ông bình luận ra sao về xu thế tìm đối tác của các công ty Việt Nam gần đây?

Tôi cho rằng, hiện nay, các DN Việt Nam đã bắt đầu nhận thức lại việc tìm kiếm đối tác nước ngoài. Hiện nay, họ tìm kiếm sự hợp tác chiến lược với nhiều tiêu chí khác nhau như lĩnh vực hoạt động, sự hỗ trợ kỹ thuật, triển vọng phát triển mang tính lâu bền khi hợp tác. Vốn là một yếu tố quan trọng nhưng không phải là nhân tố quyết định như trước đây.

Về tổng thể, các DN Việt Nam đã thay đổi cách nhìn khi "se duyên" với NĐT nước ngoài. Phần lớn các mua bán cổ phần gần đây diễn ra với các đối tác cùng ngành nghề thay thế xu thế đầu tư tài chính đơn thuần như trước. Tôi tin xu thế này sẽ tiếp tục trong tương lai.

Đâu là lý do dẫn tới sự thay đổi này?

Xu hướng này không thể cưỡng lại được do hoạt động M&A được xem là chìa khóa của quá trình tái cấu trúc từ vi mô tới vĩ mô. Sắp tới, nhiều rào cản sẽ được dỡ bỏ sau 5 năm Việt Nam vào WTO. Xu thế hợp tác toàn diện còn diễn ra nhanh hơn. Sự hợp tác có thể giúp mỗi bên có thể tận dụng ưu thế của mình.

Theo ông, sắp tới, những lĩnh vực nào sẽ hấp dẫn?

Những ngành nghề khai thác được thị trường và dân số trong nước sẽ diễn ra nhộn nhịp. Bởi lẽ, nếu bắt đầu từ con số 0, NĐT nước ngoài sẽ tốn nhiều chi phí và mất một thời gian để có thể đạt được mục đích.

Bên cạnh đó, các ngành nghề có hàm lượng kỹ thuật vừa phải nhưng thâm dụng sức lao động cũng được để mắt khi giúp NĐT nước ngoài có thể tối ưu hóa chi phí sản xuất và xuất khẩu ngược về chính quốc. Cuối cùng là các ngành nghề sản xuất tận dụng các nguyên vật liệu địa phương.

Với kinh nghiệm và sự am hiểu của KEVS với NĐT nước ngoài, đặc biệt là thương vụ tư vấn bán cổ phần cho Cotecland mới đây, theo ông, khi đàm phán với đối tác nước ngoài, DN Việt Nam cần lưu ý điều gì?

Các thương vụ diễn ra gần đây đều ít nhiều liên quan đến các DN cùng ngành. Vì vậy, các NĐT nước ngoài ít nhiều hiểu biết về ngành và xu hướng phát triển ngành. Họ có năng lực về chuyên môn nên cách đặt vấn đề tìm hiểu mua cổ phần DN cũng khác xa so với các quỹ đầu tư tài chính thuần túy.

Theo quan sát của tôi, đa phần họ không đặt nặng lợi nhuận ngắn hạn mà chỉ chú trọng tới khả năng phát triển dài hạn của đối tác.

Bên cạnh đó, họ còn xem xét tính phù hợp đối với hoạt động đầu tư tại thị trường Việt Nam. Gặp nhau, vài lần ăn trưa, ăn sáng chưa có nghĩa là NĐT nước ngoài hiểu được DN nội địa. Họ lo ngại các xung đột phát sinh trong quá trình làm việc sau đó.

Nếu trở thành đối tác chiến lược, họ quan tâm tới "độ sâu" trong hoạt động tham gia vào DN Việt Nam như quản trị chuyên môn, kỹ thuật chứ không dừng lại ở việc nắm cổ phần đơn thuần. NĐT nước ngoài đặt ra các chuẩn mực minh bạch công ty tương đối cao, vì vậy, khi tiếp xúc, cần đưa ra các thông điệp rõ ràng, tránh tình trạng tiền hậu bất nhất.

Theo ông, để đàm phán, hợp tác thành công, DN Việt Nam cần chuẩn bị gì?

Với các quy định hiện hành, NĐT nước ngoài mua được cổ phần thì họ vẫn chỉ là cổ đông thiểu số. Họ phải trông đợi vào sự minh bạch, độ tin cậy của các công ty trong nước. Vì vậy, các DN Việt Nam nên thể hiện hình ảnh thân thiện và có thể hợp tác.

Công bằng mà nói, các DN Việt Nam cũng gặp vô số các căng thẳng do không đủ thông tin để đánh giá đối tác nước ngoài: Triết lý mô hình kinh doanh của họ ra sao?  Mục tiêu mua cổ phần để làm gì? Tham gia vào DN, họ có khiến công ty đi chệch chiến lược đã hoạch định từ trước? Tất cả những điều đó tạo nên khó khăn khi hai bên tiếp xúc và vai trò, kinh nghiệm của đơn vị tư vấn cực kỳ quan trọng.

Các DN Việt Nam cũng nên biết khẩu vị đầu tư của các NĐT nước ngoài rất khác nhau. Chẳng hạn, có NĐT quan tâm đến tính hiệu quả, số khác lại ưa thích nền tảng khách hàng, một số thì nhìn vào thương hiệu. DN nên lưu ý điều này để thể hiện hình ảnh của mình tốt nhất, để có thể thiết lập thành công mối quan hệ.

Đa phần đối tác nội địa cũng ngại chia sẻ thông tin. Điều này cũng có thể gây quan ngại sâu sắc về sự minh bạch. Nhưng nên nhìn nhận công bằng. Trong quá khứ đã xảy ra trường hợp đối tác nước ngoài tìm hiểu DN nhưng sau đó không mua và sử dụng chính các thông tin của DN để làm bàn đạp tiến vào thị trường nội địa. Vượt qua các trở ngại này,  DN nội địa cũng cần chuẩn bị cho mình một nhà tư vấn tốt.

Kinh Kha thực hiện

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Tâm lý cắt lỗ ngắn hạn chiếm ưu thế (15/12/2011)

>   Thị trường ngày 16/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (15/12/2011)

>   Hãy tính đến phương án T+0 (15/12/2011)

>   Ông Andy Ho: Chứng khoán chờ kinh tế vĩ mô (14/12/2011)

>   Thị trường ngày 15/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (14/12/2011)

>   M&A lĩnh vực tiêu dùng tiếp tục sôi động (14/12/2011)

>   Công ty chứng khoán: Ai còn, ai mất? (14/12/2011)

>   Thị trường ngày 14/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (13/12/2011)

>   Thị trường ngày 13/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (12/12/2011)

>   Phó Chủ tịch UBCK: Có CTCK mở tới gần 40 tài khoản tổng (12/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật