Công ty chứng khoán: Ai còn, ai mất?
Sẽ sắp xếp, phân loại các công ty chứng khoán trên tinh thần “bảo đảm chất lượng” chứ không phân biệt quy mô
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang chuẩn bị trình Chính phủ đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán, trong đó trọng tâm của đề án là tái cấu trúc hệ thống các công ty chứng khoán (CTCK) nhằm loại bỏ những đơn vị không đạt yêu cầu, dựa trên các tiêu chí về năng lực tài chính, hoạt động, khả năng kiểm soát rủi ro… Trong hơn 120 CTCK đang hoạt động, ai sẽ còn và ai sẽ mất?
Cổ phiếu SME bị kiểm soát đặc biệt
Các cơ quan chức năng vừa có quyết định đình chỉ lưu ký, đình chỉ tạm thời hoạt động thanh toán bù trừ, đình chỉ giao dịch tạm thời và đưa cổ phiếu của Công ty CP Chứng khoán SME (SME) vào diện kiểm soát đặc biệt. Cổ phiếu SMES chỉ được giao dịch trong ngày thứ sáu hằng tuần. Nguyên nhân: Công ty này tiếp tục vi phạm nghĩa vụ thanh toán giao dịch chứng khoán của thành viên và để xảy ra thiếu sót gây tổn thất nghiêm trọng cho khách hàng.
Ngoài ra, SME buộc phải khắc phục tình trạng mất khả năng thanh toán, hoàn trả tiền gốc đã vay của quỹ hỗ trợ thanh toán và lãi phát sinh; yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có) cho khách hàng và thành viên cũng như tạo điều kiện cho khách hàng tất toán và chuyển tài khoản sang CTCK khác nếu khách hàng có yêu cầu… Đây không phải lần đầu SMES rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Trước đó một tháng, công ty này cũng đã gặp trường hợp tương tự.
|
TS Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính - Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng không ít CTCK thời gian qua đã cho nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy, mua cổ phiếu nhiều hơn số tiền có trong tài khoản với tỉ lệ cao và xảy ra nợ phải thu lớn… Đáng nói là nhiều công ty không thực hiện tách bạch tiền gửi của nhà đầu tư mà sử dụng tiền của nhà đầu tư tùy tiện nên khi nhà đầu tư đặt mua thì công ty không đủ tiền thanh toán. SMES có thể rơi vào tình trạng này. Ông Chí cũng nhìn nhận khi thị trường chứng khoán khó khăn, CTCK thua lỗ kéo dài, dòng tiền cạn kiệt thì nợ phải thu tăng cao… Miếng bánh thị phần ngày càng teo tóp trong khi CTCK thì quá nhiều, vì vậy việc thu hẹp là cần thiết.
Về lâu dài sẽ tốt cho thị trường
Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (CKNN), cho biết việc tái cấu trúc CTCK dựa trên tiêu chí vốn khả dụng trên tổng rủi ro và tỉ lệ lỗ lũy kế trên vốn điều lệ. Bên cạnh đó, các CTCK sẽ được phân thành ba nhóm, nhóm bình thường, nhóm kiểm soát và nhóm kiểm soát đặc biệt. Hiện Ủy ban CKNN đang lấy ý kiến thành viên thị trường.
Dự kiến trong 3 tháng đầu của năm 2012 sẽ tiến hành kiểm toán báo cáo chỉ tiêu tài chính hằng quý của các CTCK. Ủy ban CKNN đã có danh sách hơn 10 CTCK rơi vào tình trạng không bảo đảm an toàn tài chính. Đó cũng là lý do khiến các công ty muốn được tồn tại phải chạy đua để bảo đảm các chỉ tiêu này. Ngoài ra, đề án cũng yêu cầu các CTCK thực hiện tăng vốn điều lệ.
Tổng giám đốc một CTCK có quy mô trung bình, có ngân hàng mẹ đứng sau, cho rằng việc tái cấu trúc hệ thống CTCK về lâu dài sẽ tốt cho thị trường và đặc biệt là an toàn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, cái khó cho các CTCK trung bình và kém là khi bị đánh dấu, xếp loại thấp hơn sẽ chẳng khác nào họ bị “khai tử” vì không có nhà đầu tư nào dám để tiền, cổ phiếu ở CTCK đó. Chắc chắn sẽ có trường hợp “nước chảy vào chỗ trũng”, những CTCK tốt sẽ được lợi.
Phạm Đình
người lao động
|