Thị trường tuần 12-16/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán
(Vietstock) – Từ góc độ kỹ thuật, lợi nhuận kỳ vọng (trong 3 tháng) tương quan với rủi ro đang khá cân bằng, nếu giá tiếp tục giảm so với mức hiện nay, lợi thế của bên mua sẽ ngày càng rõ. Điều này sẽ giúp thị trường cân bằng hơn, khả năng giảm mạnh liên tiếp không có nhiều cơ sở.
Khả năng giảm điểm trong dài hạn
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS): Công ty Chứng khoán ACB (ACBS): Điểm sáng của tuần trước là việc sáp nhập 3 NHTMCP là SCB, TinNghiaBank và FicomBank theo yêu cầu của NHNN. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết những ngân hàng này đã gặp khó khăn về thanh khoản khi dùng quá mức các khoản huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn.
ACBS kỳ vọng sẽ tiếp tục có thể các yêu cầu sáp nhập khác giữa các NHTM nhỏ, vốn đang ở trong tình trạng căng thẳng về thanh khoản, từ phía NHNN trong thời gian tới. Chính sách tiền tệ thắt chặt khiến các NH bộc lộ các vấn đề được che giấu trước đấy. Việc tái cầu trúc hệ thống ngân hàng, nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, sẽ giúp dần loại bỏ các “căn bệnh” như nợ xấu, thanh khoản kém … bên trong thệ thống. Khi đó, thị trường mới có thể chứng kiến sự hạ nhiệt thực sự của lãi suất cho vay, điều đã “hành hạ” các doanh nghiệp trong nước trong thời gian vừa qua.
Về mặt kỹ thuật, trong dài hạn, nhiều khả năng cả hai chỉ số chứng khoán sẽ tiếp tục mất điểm. Tuy nhiên, do đa số mã cổ phiếu trên hai sàn giao dịch đã có gần 2 năm giảm liên tiếp, bên bán nhiều khả năng đã đuối sức nên biên độ giảm của hai chỉ số có thể sẽ không lớn và thời gian sẽ không kéo dài.
ACBS cho biết tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư tham gia thị trường tại thời điểm này. Các mã blue-chip nhiều khả năng sẽ tăng đầu tiên khi thị trường chuyển qua giai đoạn tăng trưởng. Với các chiến lược ngắn hạn nên đứng ngoài thị trường do thiếu các yếu tố kỹ thuật hỗ trợ.
Không có khả năng giảm mạnh liên tiếp
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Xu hướng bán ròng mạnh của khối nhà đầu tư nước ngoài chưa có dấu hiệu dừng lại. Sau một vài phiên tạm nghỉ, hiện tượng này lại tiếp tục nổi bật trong các diễn biến thị trường. Đây vẫn là lực cản chính cho kỳ vọng một đợt tăng giữ NAV.
Theo BSI, dù các tín hiệu lạc quan ngắn hạn chưa xuất hiện, nhà đầu tư dài hạn có thể cân nhắc khả năng tham gia thị trường nếu xu hướng giảm tiếp tục.
Thứ nhất, dù lãi suất chưa giảm, xu hướng giảm là rõ ràng, chỉ còn vấn đề thời điểm. Chưa có lý do để lo ngại lạm phát năm tới tiếp tục cao. BSI cũng cho rằng NHNN chưa mạnh tay giảm lãi suất chủ yếu do đề phòng những rủi ro có thể khiến chính sách không phát huy hiệu quả, làm giảm lòng tin vào khả năng điều hành sau này. Tết đang tới gần khiến lạm phát kì vọng có rủi ro cao, bên cạnh đó là nhu cầu vốn cuối năm thường đẩy lãi suất tăng theo chu kỳ. Cũng theo BSI, sau thời điểm 31/12, NHNN sẽ không tiếp tục tăng cường sức ép với thị trường BĐS. Sau tết, có cơ sở để kỳ vọng lãi suất bắt đầu giảm.
Thứ hai, từ góc độ giá trị doanh nghiệp, dù rủi ro của nền kinh tế khá lớn, BSI cho rằng mức giá thấp của giá cổ phiếu cũng đã bù đắp được những rủi ro này. Giải ngân từ góc độ giá trị hoàn toàn có cơ sở. Vấn đề còn thiếu là kết hợp với các phân tích khác để có mức giá tốt nhất. Trong bối cảnh rủi ro cao, các cổ phiếu rủi ro đã có mức giảm sâu là cơ hội đáng quan tâm.
Thứ ba, từ góc độ kỹ thuật, lợi nhuận kỳ vọng (trong 3 tháng) tương quan với rủi ro đang khá cân bằng, nếu giá tiếp tục giảm so với mức hiện nay, lợi thế của bên mua sẽ ngày càng rõ. Điều này sẽ giúp thị trường cân bằng hơn, khả năng giảm mạnh liên tiếp không có nhiều cơ sở.
Thời điểm nhạy cảm để đầu tư
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Tâm lý lạc quan của nhà đầu tư hiện tại đã bị bào mòn khá nhiều và sự thận trọng đang kìm hãm dòng tiền quay lại thị trường. Rõ ràng các vấn đề vĩ mô cần phải được giải quyết bằng những chính sách vĩ mô có tầm tương xứng. Đồng nghĩa với việc nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp niêm yết nói riêng cần nhận được những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa để thoát khỏi trạng thái khó khăn hiện nay. Chính sách cắt giảm, hoãn hoặc miễn thuế và các biện pháp hỗ trợ đối với doanh nghiệp lúc này sẽ có tác động quan trọng đối với nền kinh tế, đặc biệt là những doanh nghiệp thua lỗ trong năm 2011.
Đây là thời điểm khá nhạy cảm của các kênh đầu tư trước các biến động chính sách vĩ mô. Một xu hướng tăng điểm vững chắc luôn cần sự hỗ trợ của thông tin vĩ mô tích cực. Theo phân tích kỹ thuật, khoảng điểm từ 375 đến 390 đang chứa đựng nhiều rủi ro, nhà đầu tư cần hạn chế giao dịch trong khoảng điểm này. Khi khoảng điểm được phá vỡ, các tín hiệu về xu hướng sẽ được thiết lập giúp nhà đầu tư giảm thiểu được rủi ro bẫy giá và T+.
Khó giảm sâu ở vùng hiện tại
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): TTCK diễn biến tiêu cực trong tuần đầu của tháng 12 do ảnh hưởng của các thông tin liên quan đến vấn đề thanh khoản của các công ty chứng khoán, mối quan ngại về nguy cơ rút vốn khỏi thị trường Việt Nam của các quỹ ngoại và kỳ vọng vào khả năng nới tín dụng cho lĩnh vực BĐS chấm dứt sau chỉ thị mới của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp tăng cường quản lý thị trường BĐS.
VN-Index trải qua 4/5 phiên giảm và để mất 1.75% điểm số so với phiên cuối tuần trước trong khi HNX-Index biến động giằng co trong biên độ hẹp và tăng nhẹ 0.5 điểm.
Tạm thời chưa có thông tin vĩ mô tích cực hỗ trợ thị trường trong tuần sau và áp lực giảm giá ở nhóm cổ phiếu ngành BĐS khả năng chưa dừng lại. Tuy nhiên, VN-Index đã có sự hồi phục nhẹ sau khi giảm về sát mức 375 điểm, lực cầu đồng thời tăng mạnh trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa là tín hiệu khá khả quan. VDS cho rằng các chỉ số sẽ không giảm sâu hơn vùng điểm hiện tại.
Viết Vinh (tổng hợp)
|