Thứ Năm, 15/12/2011 21:56

Tâm lý cắt lỗ ngắn hạn chiếm ưu thế

Nhiều khả năng VN-Index sẽ điều chỉnh trong thời gian tới. Vùng kháng cự 370-380 có thể sẽ cản các sóng hồi phục của VN-Index, nếu có. Do đó, các chiến lược lướt sóng sẽ thích hợp hơn ở giai đoạn hiện tại. Với chiến lược ngắn hoặc trung hạn, nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường.

Bán tháo

Trái ngược với các thông tin tích cực của tuần trước, thị trường tài chính thế giới và Việt Nam tuần này thiếu các thông tin để vực dậy niềm tin nhà đầu tư. Hội nghị thượng đỉnh các nước EU đã không đưa ra được giải pháp tích cực nào khác đối với cuộc khủng hoảng nợ công khu vực. Trong khi đó, Fed mới đây vừa tuyên bố chưa có kế hoạch về gói QE3 cũng như sẽ không có biện pháp hỗ trợ thêm đối với khủng hoảng nợ công châu Âu.

Trở lại thị trường trong nước, tâm lý bi quan kéo dài khiến hai chỉ số chứng khoán Việt Nam lao dốc trong các phiên vừa qua. So với mức đóng cửa tuần trước, VN-Index giảm 12,68 điểm (3.36%) xuống còn 364.48 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tiếp tục giảm 2.83 điểm (4.58%) và đang đóng cửa ở mức 58.9 điểm.

Trên HSX, nhóm cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trong các phiên vừa qua là STB, IJC, DPM …. Còn trên HNX, nhóm KLS, VND, VCG … tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Đáng chú ý, cổ phiếu THV sau nhập nhằng chuyện mua bán cổ phiếu với quỹ Haverstock và ORS sau thông tin hủy niêm yết cũng có lượng lớn cổ phiếu được bán trao tay.

Cổ phiếu STB, CTG liên tục được khối ngoại bán ròng với giá trị lớn trong các phiên vừa qua, ngược lại nhóm VIC, FPT … được mua ròng mạnh. Trong khi VIC tăng trần liên tiếp do được khối ngoại đỡ giá, BVH và MSN bị bán khá mạnh sau khi xuyên thủng các vùng hỗ trợ của mỗi cổ phiếu. 

Đáng chú ý, sau 8 phiên sụt giảm mạnh của hai chỉ số chứng khoán, khối ngoại bất ngờ mua mạnh ngày hôm qua, tập trung ở các mã blue chip. Do đó, tổng kết các phiên vừa qua, khối ngoại mua ròng khoảng 3,5 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 43 tỷ đồng.

UBCKNN vừa đưa ra bản dự thảo Đề án tái cầu trúc các CTCK. Theo đó, mục đích của việc tái cấu trúc là sẽ giảm về số lượng (không phân biệt CTCK lớn hay bé) và tăng về chất lượng. Như vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng về một TTCK ổn định, minh bạch trong thời gian tới. Nỗi lo về các công ty như SME, TAS hay ORS sẽ được loại bỏ.

Về biện pháp thực hiện, UBCK sẽ tăng cường giám sát bằng cách yêu cầu các CTCK thực hiện kiểm toán báo cáo chỉ tiêu an toàn tài chính hàng quý. Và sau 01/04/2012, UBCK sẽ xếp hạng các CTCK để áp dụng các mức độ giám sát thích hợp với từng nhóm CTCK khác nhau.

Cũng trong việc tái cấu trúc TTCK, Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) đề xuất sáp nhập hai Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và Hà Nội thành một rồi tiến hành cổ phần hóa. Mục đích của việc sát nhập là để tăng tính cạnh tranh của TTCK Việt Nam trong khu vực. Tuy nhiên, nếu đề xuất được thông qua thì có thể dẫn tới tình trạng độc quyền với thị trường trong nước. Khi đấy, chất lượng dịch vụ nhiều khả năng sẽ không được đảm bảo.

Bộ Tài chính yêu cầu bình ổn giá dịp Tết Nguyên Đán 2012

Trước nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng cao, đặc biệt là dịp Tết Nguyên Đán 2012, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ vừa ban hành chỉ thị 03/CT-BTC, yêu cầu Sở tài chính các tỉnh tăng cường giám sát diễn biến giá cả và can thiệp bình ổn thị trường kịp thời trong thời gian tới.

Lạm phát tháng 12 được Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo ở mức 0.5-0.6% (cả năm 2011 khoảng 18%, đạt mục tiêu của Chính phủ). Nhu cầu mua sắm cao trong những ngày lễ Tết có thể khiến nỗi lo lạm phát cao quay lại. Bên cạnh đó, giới đầu cơ cũng có thể khiến giá cả tăng giảm đột biến nếu không có sự can thiệp của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, với việc nguồn cung được chuẩn bị kỹ, và nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng chậm, nhiều khả năng mức tăng giá cuối năm do Tết âm lịch sẽ thấp hơn mọi năm.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố Báo cáo Phát triển tài chính toàn cầu 2011, trong đó Việt Nam tụt 4 bậc xếp hạng, đứng thứ 50 trên tổng số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng. Việc tụt hạng của Việt Nam là do môi trường kinh doanh cũng như thể chế kinh tế chậm thay đổi. Mặc dù vậy, bất chấp những vấn đề nảy sinh gần đây về thanh khoản cũng như nợ xấu, dịch vụ ngân hàng của Việt Nam được đánh giá khá cao khi xếp ở ngưỡng trung bình (30).

Trước tin đồn hạ trần lãi suất huy động, trong cuộc họp với các NHTM mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết vẫn giữ nguyên trần lãi suất huy động là 14%/năm đến hết tháng 12/2011.

Trong một diễn biến khác, NHNN vừa nâng tỷ giá USD liên ngân hàng lên thêm 0.05%, tổng cộng 0.9% tính từ ngày 7/9/2011 - thời điểm cam kết bình ổn trong phạm vi 1% được đưa ra. Sau động thái này, giá niêm yết chính thức tại các NHTM đồng loạt được điều chỉnh tăng. Điểm đáng chú ý là mức giá niêm yết ở một số NHTM không còn ở mức trần, điều tồn tại trong một thời gian dài.

Diễn biến trên cho thấy căng thẳng ngoại tệ trong thời gian trước nay đã được hạ nhiệt. Những biện pháp kiểm soát chặt chẽ đã hạn chế hoạt động của thị trường tự do, tránh được xu hướng bầy đàn của giới đầu cơ, khiến tỷ giá USD/VND dao động mạnh. Bên cạnh đó, sự sụt giảm nhập siêu tháng 11 và giá vàng giảm cũng góp phần hạ nhiệt cầu ngoại tệ. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối về Việt Nam trong năm nay có thể lên tới 9 tỷ USD, giúp cán cân thanh toán tổng thể thặng dư 3 tỷ USD vào cuối năm.

Thị trường dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật

VN-Index giảm sâu với mục tiêu 300.

Với 8 phiên mất điểm liên tiếp, VN-Index đã xuyên thủng vùng hỗ trợ 370-380 và đang đóng cửa ở mức 364.48, mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua. Áp lực cắt lỗ cao khiến khối lượng giao dịch tăng dần qua các phiên.

Với breakout nói trên, mức giá mục tiêu mà VN-Index hướng tới trong dài hạn sẽ là 300. Tuy nhiên, với đa phần cổ phiếu thành viên đã có thời gian giảm mạnh trước đó, khả năng tiếp tục giảm sâu trong thời gian tới là không cao. Do đó, chúng tôi cho rằng rất khó cho VN-Index để giảm về mức mục tiêu 300. Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị đầu tư dài hạn ở giai đoạn hiện tại.

Về ngắn hạn, phân tích sóng Elliott cho thấy VN-Index sẽ giảm tối đa là về vùng 340. Hiện chỉ báo RSI(14) đang ở vùng quá bán. Nhiều khả năng VN-Index sẽ điều chỉnh trong thời gian tới. Vùng kháng cự 370-380 có thể sẽ cản các sóng hồi phục của VN-Index, nếu có. Do đó, các chiến lược lướt sóng sẽ thích hợp hơn ở giai đoạn hiện tại. Với chiến lược ngắn hoặc trung hạn, nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường.

HNX-Index giảm sâu theo VN-Index

Các phiên giảm mạnh của VN-Index đã kéo theo HNX-Index trong các phiên vừa qua. Hiện chỉ số này vẫn đang trên đường tiến tới mức giá mục tiêu là 50. Tuy nhiên, tương tự VN-Index, chúng tôi không đánh giá cao khả năng này.

Mặc dù vẫn giữ quan điểm thận trọng, chúng tôi vẫn cho rằng rủi ro không cao nếu đầu tư dài hạn vào các cổ phiếu trên HNX-Index. Tuy nhiên, sẽ an toàn hơn nếu chờ đợi một tín hiệu đảo chiều rõ ràng hơn từ xu hướng giảm ngắn và trung hạn của HNX-Index.

Bài viết do ACBS cung cấp

Các tin tức khác

>   Thị trường ngày 16/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (15/12/2011)

>   Hãy tính đến phương án T+0 (15/12/2011)

>   Ông Andy Ho: Chứng khoán chờ kinh tế vĩ mô (14/12/2011)

>   Thị trường ngày 15/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (14/12/2011)

>   M&A lĩnh vực tiêu dùng tiếp tục sôi động (14/12/2011)

>   Công ty chứng khoán: Ai còn, ai mất? (14/12/2011)

>   Thị trường ngày 14/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (13/12/2011)

>   Thị trường ngày 13/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (12/12/2011)

>   Phó Chủ tịch UBCK: Có CTCK mở tới gần 40 tài khoản tổng (12/12/2011)

>   Những lưu ý khi đầu tư vào PVE, DRC, PNJ (11/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật