Thứ Bảy, 17/12/2011 21:21

TTCK 2011 dưới con mắt nhà quản lý

Tháng 2 sẽ đưa chỉ số VN-30 ra thị trường

(Vietstock) - Tiến sĩ Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường – UBCKNN, ghi nhận một năm đầy khó khăn của TTCK và cho biết UBCKNN sẽ có hàng hoạt giải pháp để hỗ trợ TTCK phát triển trong thời gian tới.

Tiến sĩ Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường – UBCKNN tại hội thảo do Vietstock Communications tổ chức

Tại hội thảo “Nhận diện cơ hội và rủi ro trong năm 2012 - Từ vĩ mô, chính sách đến thị trường chứng khoán” diễn ra sáng ngày 17/12 tại TPHCM do Vietstock Communications tổ chức, TS Nguyễn Sơn cho biết TTCK Việt Nam đã trải qua thời điểm cực kỳ khó khăn. Tại ngày 15/12, chỉ số VN-Index chỉ còn 364.48 điểm, giảm 25% so với đầu năm 2011. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào xem xét cấu trúc của chỉ số giá cổ phiếu tổng hợp, là bình quân gia quyền trọng số của tất cả các cổ phiếu tham dự, nếu không loại trừ các yếu tố ảnh hưởng và có loại trừ các yếu tố cấu thành chỉ số, thì VN-Index hiện nay còn thảm hơn nữa. Theo cách tính này, có vẻ như giá cổ phiếu đã xuống sâu hơn ngưỡng mà chỉ số được đo vào tháng 2/2009 là 235 điểm. Nếu như không có sự nâng đỡ của nhóm các cổ phiếu bluechips thì có lẽ chỉ số đã xuống sâu hơn ngưỡng của năm 2009 là dưới 235 điểm.

Nhận diện cơ hội và rủi ro 2012:

* Hương vị Tết và hy vọng của nhà đầu tư

* TS Võ Trí Thành: Dự báo lãi suất giảm vào nửa cuối Q2/2012 là không xa

* TS Nguyễn Sơn: 4 trụ cột trong đề án tái cấu trúc TTCK

* Vì sao T+2 chưa được áp dụng?

* TS Quách Mạnh Hào: Nhận diện kịch bản TTCK 2012 qua 5 nhóm nhân tố quan trọng

* TTCK 2011 dưới con mắt nhà quản lý

* Tin ảnh: Hội thảo nhận diện Cơ hội và Rủi ro năm 2012

Bên cạnh đó, thanh khoản của thị trường ở mức thấp, chỉ khoảng 50% so với năm 2010. Mặc dù số doanh nghiệp niêm yết gia tăng (695 công ty), nhưng mức vốn hóa thị trường lại suy giảm khá sâu (32% GDP của 2010).

Ngoài ra, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài chững lại (giá trị danh mục hiện thời khoảng 7.2 tỷ USD trong khi cách đây 2-3 năm là trên 10 tỷ USD). Ông Sơn cho biết chỉ riêng cụm quỹ của Dragon Capital trong vòng 1 năm đã giảm khoảng 100 triệu USD cho các quỹ mà họ quản lý. Sự suy giảm của giá cổ phiếu tác động đến NAV khá nhiều. Điều này ảnh hưởng đến sự nhìn nhận của các nhà đầu tư nước ngoài về Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp (DN), năm 2011 là một năm quá khó khăn. Ông Sơn cho biết với chi phí vốn khoảng 18-25% thì rất khó để doanh nghiệp sản xuất tồn tại, chưa tính đến chi phí lao động sống cũng như các chi phí khác. Tỷ suất sinh lời của DN khó đạt 30-35% để đảm bảo cho sự tồn tại. Ngoài ra, dòng vốn tín dụng từ ngân hàng bị co cụm lại. Tại sao doanh nghiệp phải tiếp cận với tín dụng đen? Chỉ vì không tiếp cận được tín dụng trắng (tín dụng chính thức của ngân hàng) – Ông Sơn nhận định.

Trên TTCK, hàng loạt cổ phiếu trở nên rẻ rúng, khoảng 67% DN niêm yết có thị giá thấp hơn giá trị sổ sách, 38% công ty niêm yết trên HOSE có thị giá dưới mệnh giá và chỉ tiêu này trên HNX là 55%. 

Đây là hai vấn đề rất lớn mà nếu không có chính sách, giải pháp hợp lý thì khả năng thâu tóm giữa các DN cũng như thâu tóm từ phía bên ngoài rất lớn.

Ngoài ra, huy động vốn qua thị trường của DNNY gặp khó khăn không kém. Phát hành cổ phiếu trong năm chỉ đạt 13,000 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ. Khi giá cổ phiếu dưới mệnh giá thì DN không thể phát hành được vì chưa có cơ chế ghi âm vào thặng dư vốn khi phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá - ông Sơn chia sẻ.

Điểm sáng hiếm hoi trong 2011 là huy động vốn qua trái phiếu Chính phủ. TS Sơn cho biết, trong 3 quý mà huy động được hơn 70,000 tỷ đồng là con số khá bất ngờ. Nếu tính cả phần bảo lãnh, đấu thầu và cả khu vực DN thì lượng trái phiếu Chính phủ này rất lớn. Nguyên nhân là do các thành viên tham gia thị trường trái phiếu Chính phủ, nhất là thị trường sơ cấp phần lớn là các NHTM. Khi tăng trưởng tín dụng của NHTM không thực hiện được thì họ phải tìm cơ hội để đảm bảo mức sinh lời nhất định. Thị trường trái phiếu Chính phủ được lựa chọn.

Dù vậy, theo Tiến sĩ, đây cũng là điều “lủng củng” của hệ thống tài chính. NHTM huy động tiết kiệm nhưng không lấy tiền đó để cấp tín dụng cho nền kinh tế mà lại quay sang mua trái phiếu Chính phủ. Trái phiếu Chính phủ ấy lại quay sang đầu tư công. Một hệ thống cấu trúc tài chính chưa thực sự ổn – ông Sơn kết luận.

Đối với công ty chứng khoán, năm 2011 là một bức tranh rất u ám khi thua lỗ 68%; âm vốn chủ sở hữu. Đặc biệt, yếu tố mất thanh khoản rất nghiêm trọng. Hiện nay, UBCK đã tạm thời xử lý đình chỉ tư cách thành viên của trung tâm lưu ký, thành viên giao dịch và sẽ tiến tới yêu cầu bắt buộc phải rút nghiệp vụ môi giới. Hiện nay đã có những công ty tự nguyện rút nghiệp vụ này.

Ông Sơn cho biết, thời gian tới cơ quan này sẽ có hàng loạt giải pháp để hỗ trợ TTCK phát triển. Trước mắt, song song với hai chỉ số hiện tại UBCKNN sẽ đưa thêm bộ chỉ số VN-30 ra thị trường vào tháng 2 tới. Ông Sơn kỳ vọng rằng việc đưa VN-30 vào thị trường sẽ giúp phản ánh đúng diễn biến của thị trường. Chỉ số này được tính trên toàn bộ số lượng cổ phiếu được phép chuyển nhượng và loại trừ các yếu tố ảnh hưởng của các mã lớn có tác động chi phối.

> Xem tiếp: TS Nguyễn Sơn: 4 trụ cột trong đề án tái cấu trúc TTCK

Bội Mẫn ghi

Các tin tức khác

>   Hết thời đầu tư tài chính (16/12/2011)

>   Tâm lý cắt lỗ ngắn hạn chiếm ưu thế (15/12/2011)

>   Thị trường ngày 16/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (15/12/2011)

>   Hãy tính đến phương án T+0 (15/12/2011)

>   Ông Andy Ho: Chứng khoán chờ kinh tế vĩ mô (14/12/2011)

>   Thị trường ngày 15/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (14/12/2011)

>   M&A lĩnh vực tiêu dùng tiếp tục sôi động (14/12/2011)

>   Công ty chứng khoán: Ai còn, ai mất? (14/12/2011)

>   Thị trường ngày 14/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (13/12/2011)

>   Thị trường ngày 13/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (12/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật