Thứ Sáu, 10/06/2011 17:31

Áp lực giải chấp đến 30/6 không lớn

Một số chuyên gia cho rằng, tiền vào TTCK qua cửa ngân hàng dưới hình thức cho vay đầu tư chứng khoán là có thể kiểm soát được, vì vậy, áp lực giải chấp trong khoảng thời gian từ nay đến ngày 30/6 là không lớn.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 đã giảm bớt đà tăng; các DN xăng dầu đầu mối đã có lãi khá, mang lại hy vọng về một khả năng giảm giá xăng dầu trong thời gian tới; Chính phủ kiên trì thực hiện Nghị quyết 11 nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô là những thông tin được xem là khá tích cực. Tuy nhiên, điều ám ảnh NĐT hiện nay là lượng hàng giải chấp có tiếp tục bung ra khi thời điểm 30/6 - tín dụng phi sản xuất trong hệ thống ngân hàng phải về dưới mốc 22%, đang đến gần.

Thật khó đo lường lượng hàng giải chấp là bao nhiêu khi tín dụng dành cho chứng khoán luôn là con số "động". Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết năm 2010, tín dụng chảy vào chứng khoán từ kênh ngân hàng là hơn 10.000 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã âm thầm thu lượng tiền này về. Những đợt cổ phiếu giảm sàn hàng loạt cuối tháng 5/2011 được thị trường nhận định là có nguyên nhân từ lượng hàng giải chấp.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTKT SJC cho biết, lo lắng hàng giải chấp bung ra trước thời điểm 30/6 là hoàn toàn có cơ sở, bởi tín dụng ngân hàng cho vay chứng khoán hiện vẫn còn tương đối. Tại SJC, những khoản cho vay mới ngân hàng hợp tác với Công ty đã ngừng cách đây 3 tuần. Các khoản vay cũ có đáo hạn vào đúng 30/6 hay không tùy thuộc vào từng hợp đồng với NĐT. Tuy nhiên, không chắc là tất cả các ngân hàng đều hoàn thành đúng thời hạn kể trên.

"Không có con số chính xác lượng tiền ngân hàng cho vay chứng khoán là bao nhiêu, nhưng tôi ước tính chỉ có khoảng 40% cho vay vào các chứng khoán niêm yết, phần còn lại là cổ phiếu chưa niêm yết. Vì thế, áp lực giải chấp trên sàn nhưng không quá nặng nề", ông Tuấn nói và lấy ví dụ, một tổ chức đầu tư hoặc thành viên HĐQT trong công ty mang cổ phiếu đi cầm cố. Khi ngân hàng thúc ép, họ phải huy động tiền hoặc xử lý theo cách khác, chứ không bán dễ dàng một lượng cổ phiếu lớn đi trả ngân hàng được.

Những trường hợp như ông Tuấn nói là không hiếm. Cuối năm 2010, người viết bài này từng chứng kiến 1 DN tăng vốn từ 600 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng. Bản thân chủ tịch HĐQT cũng phải đem cầm cố lượng cổ phiếu cũ (khoảng gần 300 tỷ đồng mệnh giá) lấy tiền mua thêm cổ phiếu mới. Nếu ngân hàng quyết định thu số tiền trên vào thời điểm này, vị chủ tịch HĐQT trên cũng không thể bán lượng cổ phiếu cầm cố, bởi đó là cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng và số lượng quá lớn.

Bà Bùi Thị Minh Tâm, Phó tổng giám đốc CTCK SHS nhận định, tín dụng chảy vào chứng khoán qua hai kênh. Một là hợp tác đầu tư giữa CTCK với NĐT. Hai là NĐT vay từ ngân hàng. Đối với các khoản vay từ ngân hàng thì cổ phiếu giảm về ngưỡng giải chấp là NĐT bị xử lý tài khoản. Chính vì thế, trong giai đoạn cuối tháng 5 vừa qua, các cổ phiếu bị bán sàn nhiều phiên là do dính bão giải chấp. Theo bà Tâm, không phải đến thời điểm 30/6 các ngân hàng mới tiến hành thu hồi vốn, mà công việc này đã được thực hiện từ khá lâu. Đối với SHS, cách đây hai tháng, các ngân hàng đã ngừng hỗ trợ vốn và các khoản vay cũ cũng không còn. "Tôi nghĩ, thời điểm 30/6 không ảnh hưởng quá nặng nề với chứng khoán, mà chủ yếu là với bất động sản. Giá trị cho vay vào chứng khoán thấp hơn rất nhiều so với vốn đổ vào thị trường bất động sản", bà Tâm nhận định.

Chung quan điểm rằng, mốc 30/6 áp lực nhiều hơn đối với cho vay bất động sản, ông Nguyễn Việt Quang, chuyên viên phân tích CTCP Chứng khoán VNDirect (VND) cho biết, với việc các ngân hàng huy động với lãi suất cao (17 - 20%/năm) và gần đây tập trung vào cho vay sản xuất, tỷ trọng cho vay vào lĩnh vực chứng khoán mặc nhiên sẽ giảm xuống. Ông Quang nhận định, thị trường hiện nay tương đối an toàn đối với việc lựa chọn cổ phiếu được định giá với P/E khoảng 4 lần, cổ tức chi trả 20%. Những cổ phiếu đã giảm quá đà trong lĩnh vực chứng khoán và bất động sản cũng có thể lựa chọn để đầu tư.

Một số chuyên gia cho rằng, tiền vào TTCK qua cửa ngân hàng dưới hình thức cho vay đầu tư chứng khoán là có thể kiểm soát được, bởi các ngân hàng khá nghiêm túc trong việc quản trị rủi ro. Khi tài khoản đến ngưỡng xử lý là họ bán cổ phiếu ngay để thu hồi vốn. Tuy nhiên, khoản tiền các CTCK cho NĐT đầu tư vay dưới hình thức hợp tác đầu tư đến nay vẫn là ẩn số và theo tính toán là lớn hơn cả lượng tiền vào qua kênh ngân hàng. Điều đáng nói là một số CTCK quản trị rủi ro kém đã không bán hoặc không bán được cổ phiếu để thu hồi vốn khi giá đã giảm đến ngưỡng giải chấp. Thị trường có diễn ra cơn bão giải chấp từ các CTCK hay không phụ thuộc vào năng lực tài chính và khả năng chịu áp lực lãi suất cao từ chính khối công ty này.

Tình hình tín dụng phi sản xuất hiện nay

Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, tính đến cuối tháng 4/2011, tỷ trọng dư nợ phi sản xuất trong hệ thống ngân hàng vẫn còn tương đối cao.

Cụ thể, trong số các ngân hàng TMCP trên địa bàn Hà Nội, một nửa là ngân hàng có tín dụng phi sản xuất trên mức 22%, đặc biệt có trường hợp lên tới gần 50%. Trao đổi với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, ngay thời điểm đó, NHNN đã có công văn chỉ đạo những ngân hàng có mức tín dụng phi sản xuất cao phải giảm xuống để đến thời điểm 30/6, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa phải là 22%.

Đầu tuần này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cũng công bố những con số đáng chú ý: thời điểm hiện tại vẫn còn 20 ngân hàng TMCP trong nước có tỷ trọng dư nợ phi sản xuất trên 22%; cá biệt có 2 trường hợp lên tới 50% và 52%.

Lãnh đạo cao cấp một số ngân hàng bị "thổi còi" cũng chia sẻ rằng, gần 2 tháng qua, các ngân hàng đã rất nỗ lực như động viên khách hàng trả nợ trước hạn để đưa con số tín dụng phi sản xuất về đúng chỉ tiêu. Tuy nhiên, có thực hiện được điều này hay không thì chưa thể khẳng định.

Hồng Dung

Nguyên Thành

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Công ty chứng khoán khuyến nghị mua bán gì trong tháng 6? (10/06/2011)

>   Thị trường ngày 10/06 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (09/06/2011)

>   Hé mở dấu hiệu tích cực cho thị trường (09/06/2011)

>   Thị trường ngày 09/06 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (08/06/2011)

>   Thị trường ngày 08/06 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (07/06/2011)

>   Cản trở lớn đối với thị trường vẫn là dòng tiền (07/06/2011)

>   Tháng 6: VN-Index vẫn loanh quanh mốc 400 – 465 điểm (07/06/2011)

>   Thị trường ngày 07/06 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (06/06/2011)

>   Ths. Lê Đạt Chí: Chưa đủ điều kiện để dòng tiền vào TTCK (06/06/2011)

>   Để lành mạnh hóa thị trường chứng khoán (06/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật