Để lành mạnh hóa thị trường chứng khoán
Trong thời gian gần đây, thị trường chứng khoán (TTCK) xảy ra nhiều sự việc liên tiếp, như chủ tịch một công ty chứng khoán (CTCK) biến mất để lại những nghi ngờ về những khoản tiền khổng lồ, giám đốc một công ty niêm yết bị bắt vì tội thao túng giá… làm cho công luận ngày càng nghi ngờ về năng lực của hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường này.
Khi nói đến hệ thống pháp luật, một số người cho rằng đó là vấn đề của các văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng kể từ khi có TTCK, các cơ quan nhà nước đã ban hành hàng trăm văn bản quy phạm nhằm tác động vào thị trường này, từ những văn bản luật về hình thành thị trường, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp… đến các văn bản về kêu gọi tăng cường giám sát thị trường…
Nếu văn bản pháp luật nhiều thì tại sao vẫn còn có những vấn đề “ung nhọt”, “nguy cơ đổ vỡ”, hay “rủi ro hệ thống” mà dư luận vẫn nêu? Vấn đề này cần được các cơ quan có thẩm quyền xem xét nghiêm túc để có thể tác động vào TTCK một cách thực chất, làm lành mạnh hóa thị trường và bảo đảm được sự ổn định vĩ mô.
Pháp luật và thi hành pháp luật
Nhiều người khi tiếp cận đến khái niệm “hệ thống pháp luật” thì cho rằng đó là hệ thống của các quy định pháp luật. Cách tiếp cận này chưa phù hợp vì thiếu toàn diện. Các quy định pháp luật sẽ chỉ là những văn bản mang tính thông tin hay bày tỏ mong muốn của cơ quan nhà nước đối với vấn đề cần được điều chỉnh. Do đó, cần tiếp cận hệ thống pháp luật theo hướng toàn diện hơn, đó là bao gồm các quy định pháp luật, các cơ quan thực thi pháp luật, các cơ chế giáo dục - tuyên truyền pháp luật và các tổ chức giám sát nhân dân.
Hiệu quả hoạt động của cơ quan thực thi pháp luật liên quan đến TTCK dường như không tương xứng với những văn bản pháp luật được ban hành. Xem trên website của Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thì cơ quan thanh tra tuy có thường xuyên xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm, nhưng mức độ xử phạt chủ yếu là phạt tiền, chỉ như “gãi ngứa” đối với người vi phạm; những biện pháp bổ sung như tịch thu doanh thu, đình chỉ hoặc hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán, khắc phục hậu quả hiếm khi được áp dụng. Có lẽ, cơ quan quản lý nhà nước e ngại những biện pháp mạnh gây ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư và sự tồn tại của các doanh nghiệp. Cũng có lẽ, do nắm bắt được tâm lý này của cơ quan quản lý mà một số doanh nghiệp, nhà đầu tư chấp nhận làm sai các quy định pháp luật để giao dịch kiếm lời của mình được thành công. Việc bị phạt được coi như là rủi ro đã được dự liệu và trong phạm vi chấp nhận được.
Điều đáng lưu ý là việc vi phạm pháp luật chứng khoán lại xảy ra khá nhiều ở các CTCK – nơi có những người hành nghề chuyên nghiệp và cũng là những người dẫn dắt thị trường (bài viết này mới chỉ đề cập đến những vi phạm đã bị UBCKNN xử lý công khai). Điều này đòi hỏi UBCKNN và các cơ quan có thẩm quyền khác phải xem xét lại vấn đề thanh tra và giám sát hoạt động của các tổ chức niêm yết và CTCK để hiệu quả của công tác này được tốt hơn và cần chấp nhận xử lý những “khối u” cần thiết để TTCK được lành mạnh hơn.
Thông tin minh bạch
Tiếp đến, cơ chế thông tin - tuyên truyền về TTCK có vẻ mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều cơ quan thông tấn, báo chí chính thống với nhiều loại hình và phương tiện. Nhưng cơ chế chính thống dường như vẫn bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi những luồng thông tin không chính thức nhưng lại có sức hút “lạ kỳ”. Nhiều nhà đầu tư Việt Nam đầu tư vì những thông tin “truyền khẩu bí mật” nhưng lại không được kiểm chứng và thiếu tính trách nhiệm. Những luồng thông tin này lại được coi là “gần với lãnh đạo” của tổ chức niêm yết, cơ quan quản lý nhất hoặc được coi như là thông tin “thô” chứ không phải bị “PR”. Vấn đề này đặt các cơ quan truyền thông trước áp lực cung cấp thông tin trung thực, có trách nhiệm để các nhà đầu tư định hướng thị trường. Nhà đầu tư cần những thông tin nhanh, nhiều chiều và chính xác. Cơ quan quản lý nhà nước cần tạo điều kiện, chủ động hơn nữa trong việc cung cấp thông tin về chính sách, thị trường và doanh nghiệp.
Các tổ chức xã hội tự nguyện của các nhà đầu tư tài chính trên TTCK hiện nay không nhiều, điển hình chỉ có Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI). VAFI có những hoạt động đáng ghi nhận để đóng góp cho sự lành mạnh của TTCK thông qua việc kiến nghị chính sách và góp ý dự thảo các quy phạm pháp luật. Nhưng nỗ lực của VAFI liệu đã được các cơ quan quản lý nhà nước chú ý và coi đó là kênh phản biện hữu hiệu để xây dựng chính sách? Vấn đề này đòi hỏi kỹ năng “vận động chính sách” một cách chuyên nghiệp của VAFI cũng như là tinh thần “hợp tác và lắng nghe” của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài ra, TTCK vẫn còn thiếu những tổ chức xã hội tự nguyện thực hiện các công tác phản biện và giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước trên TTCK nhằm thúc đẩy chất lượng quản lý nhà nước trên TTCK ngày một tốt hơn.
Tóm lại, nếu không cải cách hệ thống pháp luật từ nhiều khía cạnh thì khó có thể làm lành mạnh hóa TTCK. Nếu cứ tiếp tục quản lý thị trường theo hướng sử dụng quy phạm pháp luật là “công cụ” điều hành thị trường thì một số vấn đề có thể chỉ được giải quyết tạm thời nhưng sẽ lại có những vấn đề khác này nảy sinh. TTCK Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn thì có thể là lúc các cơ quan quản lý thay đổi phương pháp tiếp cận về quản lý nhà nước, vì sự thay đổi trong giai đoạn này sẽ giảm thiểu tác động tiêu cực và dễ được chấp nhận.
Ls. Nguyễn Hưng Quang (Văn phòng luật sư NHQuang & Cộng sự)
sài gòn tiếp thị
|