Thị trường tuần 30/05 – 03/06 dưới góc nhìn công ty chứng khoán
(Vietstock) – Khả năng lực bán sẽ tăng mạnh hơn khi VN-Index tiến tới kháng cự 420 điểm. Phản ứng của bên mua khi lực bán gia tăng lần đầu tiên này có thể sẽ quyết định xu hướng của VN-Index sau đó.
Khả năng giảm vẫn còn
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS): Theo phân tích cơ bản thì thị trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về yếu tố vĩ mô có thể ảnh hưởng lâu dài đến thị trường chứng khoán, đặc biệt là các yếu tố như lạm phát, thanh khoản của hệ thống ngân hàng, tình hình lãi suất, tăng trưởng GDP, và các chính sách mới của NHNN.
Trong các yếu tố đó thì yếu tố lãi suất là quan trọng nhất. Lãi suất cao làm cho việc vay chứng khoán càng trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó là việc gia tăng áp lực giải chấp từ công ty chứng khoán và nhà đầu tư. Bởi vì với tình hình thanh khoản của hệ thống tài chính như hiện nay, các công ty chứng khoán rất khó khăn trong việc duy trì vốn để cho nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính. Trong khi đó, đối với nhà đầu tư, thì lãi suất cao và thị trường biến động lại làm gia tăng rủi ro lên những tài khoản sử dụng đòn bẩy tài chính.
Việc tăng điểm của phiên thứ sáu phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của một số mã cổ phiếu blue chip như MSN, BVH, VIC, VNM, VPL, DPM, HAG, PVF, HPG, và CTG. Chỉ riêng nhóm cổ phiếu này đã giúp cho thị trường tăng gần 10 điểm. Tuy nhiên, theo phân tích kỹ thuật thì những mã cổ phiếu như MSN và VIC đã đảo chiều xu hướng tăng trước đó và có khả năng ảnh hưởng lên thị trường nên nhà đầu tư cần lưu ý đến những mã này.
Về mặt phân tích kỹ thuật thì chỉ số VN-Index có khả năng điều chỉnh về 420 còn HNX-Index có khả năng tiến về mức 75.
VN-Index sẽ thử thách mốc 420 điểm
Công ty Chứng khoán Woori CBV: Sự thận trọng của nhà đầu tư là nguyên nhân chính khiến thanh khoản thị trường chưa thể tăng mạnh trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, sự thận trọng lại thuộc về bên bán khi nhà đầu tư cầm cổ không vội bán ngay khi đà tăng vẫn còn tương đối mạnh. Điều này là một lợi thế khi thị trường vẫn duy trì được xu hướng đi lên, nhưng sẽ thành bất lợi khi thị trường có dấu hiệu điều chỉnh giảm; bởi lúc đó, những người đang cầm cổ sẽ sẵn sàng bán ra ngay, tận dụng lợi thế T+0 của mình.
Thị trường đã cho thấy dấu hiệu hồi phục tuy chậm và còn mang tính chất ngắn hạn cũng như vấn còn tiểm ẩn nhiểu rủi ro do tác động từ những yếu tố vĩ. Chưa rõ thị trường đã thực sự chạm đáy và bắt đầu chu kỳ hồi phục hay chỉ đơn thuần điều chỉnh tăng mang tính kỹ thuật sau khi đã giảm quá sâu ở thời điểm trước đó. Khi thị trường tăng điểm, mối lo giải chấp của các ông ty chứng khoán sẽ tạm được gác sang một bên nhưng chỉ cần có những dấu hiêu quay lại chu kỳ giảm, áp lực sẽ quay trở lại bởi chỉ sổ vẫn chưa bứt hẳn khỏi vùng nhạy cảm. Thêm vào đó vẫn còn đó nỗi lo của nhà đầu tư về tình hình lạm phát và lãi suất cao có thể ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư.
Đầu tuần tới, chỉ số sẽ thử thách ngưỡng kháng cự đầu tiên tại mốc 420, nơi từng là đáy của thị trường trong gần 2 năm qua và khả năng chỉ số sẽ có những điều chỉnh tại mốc này.
Có thể phục hồi trong ngắn hạn
CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI): Nối tiếp tuần sụt giảm rất mạnh trước đó, 3 phiên đầu tuần, VN-Index đã giảm phá vỡ ngưỡng 420 điểm, biến ngưỡng này thành một kháng cự mạnh của thị trường. Với 2 phiên phục hồi mạnh cuối tuần, VN-Index đang tới gần kháng cự 420 điểm và có xu hướng lấp đầy khoảng trống trước đó (Fill Gap). VN-Index vẫn nằm trong xu thế giảm giá trung – dài hạn với sức mạnh giảm khá lớn thể hiện qua công cụ ADX ở mức trên 30. Những tín hiêu kỹ thuật cuối tuần xen lẫn các yếu tố tích cực – tiêu cực. Mô hình đảo chiều Bullish Engulfing đáng tin cậy khi KL bắt đáy đột ngột tăng mạnh, các công cụ Relative Strength Index và Money Flow Index đều tăng vượt khỏi vùng Quá Bán cho tín hiệu mua vào trong ngắn hạn. Tuy nhiên thanh khoản lại sụt giảm mạnh ngay phiên sau đó tạo tín hiệu không tốt về dòng tiền. Trên phương diện kĩ thuật, vào đầu tuần tới có khả năng lực bán sẽ tăng mạnh hơn khi VN-Index tiến tới kháng cự 420 điểm. Phản ứng của bên mua khi lực bán gia tăng lần đầu tiên này có thể sẽ quyết định xu hướng của VN-Index sau đó.
CPI tháng 5 được công bố mức 2.38% so với tháng trước. So với tháng 5/2010, CPI đã tăng 19.78%. CPI tháng 5 đã giảm tốc so với tháng 4, nhưng tăng quá nhiều so với vùng kì năm ngoái. Giới đầu tư tỏ ra lo ngại bởi những dự báo về lạm phát năm 2011 ở Việt Nam của các tổ chức trong – ngoài nước. Cũng từ yếu tố này, chính sách thắt chặt tiền tệ tiếp tục được nhà nước củng cố. Áp lực mà các tổ chức tín dụng tác động tới các CTCK rất lớn, cũng là một trong những nguyên nhân làm lực bán đột ngột tăng mạnh.
Đợt sụt giảm mạnh này của thị trường còn có sự tham gia của NĐT nước ngoài khi họ liên tục bán ròng 5 phiên liên tiếp (mà cụ thể là các ETFs) với giá trị bán ròng hơn 100 tỷ đồng. Việc khối ngoại bán mạnh có liên quan trực tiếp tới diễn biến kinh tế Mỹ, khi DowJones điều chỉnh giảm tại cận ngưỡng 14,000 và chương trình hỗ trợ kinh tế QE2 của Mỹ đã kết thúc có tác động đáng kể tới nền kinh tế Mỹ.
VN-Index có khả năng phục hồi trong ngắn hạn, hướng tới ngưỡng kháng cự 420 điểm trong tuần tới. Mặc dù có những tích cực trong ngắn hạn, nhưng VN-Index vẫn nằm trong xu thế giảm trung – dài hạn, đi cùng với việc nền kinh tế vĩ mô chưa có những phục hồi đáng kể. Thị trường có thể chững đà giảm và xuất hiện phân hóa mạnh mẽ hơn khi dòng tiền từ phía các doanh nghiệp niêm yết tham gia thị trường qua kênh mua cổ phiếu quỹ.
Thị trường đang tạo đáy
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Với diễn biến tuần qua, hai chỉ số đã rơi quay trở lại kênh giảm điểm dài hạn hình thành từ cuối năm 2009. Với hai phiên tăng điểm cuối tuần, thị trường đã có dấu hiệu tạo đáy “tạm” trong kênh giảm điểm dài hạn này. Tuy nhiên, với dấu hiệu giảm về khối lượng giao dịch trong xu hướng phục hồi sẽ là tín hiệu không tích cực đối với nhà đầu tư ngắn hạn. Sức bền của sóng phục hồi có thể sẽ chịu áp lực bán mạnh gần nhất từ lượng cổ phiếu bắt đáy sớm ngày 25-26/05/2011.
Nền kinh tế đang trong giai đoạn điều chỉnh với diễn biến chưa rõ ràng của lạm phát và lãi suất thì kênh đầu tư chứng khoán sẽ chưa thể thực sự lạc quan và rủi ro là cao.
Nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng, chưa nên giải ngân. Diễn biến của quá trình tạo đáy và sự hồi phục đang diễn ra của hai chỉ số cần có sự thu hút đủ mạnh thông qua sự hiện diện đủ lớn của dòng tiền mới và hiệu ứng tâm lý từ các chuyển biến của kinh tế vĩ mô.
Viết Vinh tổng hợp
|