Phó Chủ tịch UBCK: Thị trường chứng khoán kỳ vọng tháng 7
|
Ông Nguyễn Đoanh Hùng |
Theo ông Nguyễn Đoàn Hùng, Phó chủ tịch UBCK, cùng với sự chờ đợi kinh tế vĩ mô khởi sắc trở lại, trong tháng 7, Luật CK và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực sẽ góp phần giúp TTCK phát triển ổn định hơn.
Từ ngày 1/7/2011, Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung có hiệu lực. Cùng với văn bản này, các nghị định, thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực chứng khoán đang được Bộ Tài chính, UBCK gấp rút hoàn thiện để thực thi cũng từ thời điểm này.
Xa hơn, theo cam kết tại WTO, từ tháng 1/2012, Việt Nam chính thức mở cửa rộng hơn đối với dịch vụ tài chính, chứng khoán, theo đó CTCK 100% vốn nước ngoài sẽ được hoạt động tại Việt Nam.
ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch UBCK xung quanh câu chuyện về TTCK Việt Nam.
TTCK đang trên đà suy giảm mạnh, vậy đâu là những giải pháp giúp TTCK phục hồi, thưa ông? UBCK, cơ quan quản lý trực tiếp TTCK, đang làm gì để củng cố thị trường này?
Như các chuyên gia đã phân tích, yếu tố cốt lõi để phục hồi TTCK là nền kinh tế vĩ mô phải ổn định trở lại, mà cụ thể là tỷ lệ lạm phát giảm, lãi suất giảm. Hiện nay, các DN nói chung, DN niêm yết nói riêng chịu tác động rất lớn từ chi phí lãi vay đang rất cao. Vì thế, nếu lãi vay giảm, tình hình kinh doanh của DN sẽ được cải thiện và từ đó tác động tích cực đến TTCK.
Cùng với sự chờ đợi kinh tế vĩ mô khởi sắc trở lại, từ ngày 1/7/2011, Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung sẽ chính thức có hiệu lực. Đây là một bước chuyển động chính sách quan trọng đối với TTCK Việt Nam, khi tạo ra sự đồng bộ, minh bạch hơn trong quản lý, giám sát TTCK.
UBCK, Bộ Tài chính đang đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh các văn bản hướng dẫn liên quan, với mục tiêu khi Luật có hiệu lực thực thi, các văn bản hướng dẫn cũng hoàn chỉnh và có hiệu lực thực thi. Các quy định pháp lý mới sẽ góp phần cải thiện chất lượng điều hành thị trường của cơ quan quản lý, đồng thời tác động trực tiếp đến các thành viên trên thị trường theo hướng phải tuân thủ các luật chơi rõ ràng, công bằng, minh bạch hơn.
Thời gian qua, chúng tôi tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn luật, nhằm tạo ra sự chuyển biến về chất trong hoạt động quản lý, giám sát TTCK trong giai đoạn mới, nhất là trước thời điểm Việt Nam chuẩn bị mở cửa rộng hơn đối với các dịch vụ tài chính, ngân hàng theo cam kết WTO.
Mở cửa dịch vụ tài chính, chứng khoán theo cam kết WTO từ tháng 1/2012 liệu có tạo ra một làn sóng thu hút đầu tư nước ngoài tương tự như thời điểm Việt Nam gia nhập WTO đầu năm 2007 không, thưa ông?
Dưới con mắt của NĐT nước ngoài, TTCK Việt Nam hiện khá hấp dẫn xét về chỉ số tài chính, nhất là EPS, tuy nhiên với họ, tình hình vĩ mô của Việt Nam vẫn còn không ít rủi ro. Khó có thể đưa ra dự báo liệu có xuất hiện một làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ đầu năm 2012 hay không, nhưng điều chắc chắn là việc mở cửa rộng hơn cho NĐT nước ngoài tham gia cung cấp dịch vụ tài chính, chứng khoán, trong đó CTCK 100% vốn nước ngoài chính thức được phép hoạt động tại Việt Nam sẽ gia tăng độ mở của thị trường tài chính, chứng khoán.
Khi đó, sự dịch chuyển, giao lưu của các luồng vốn trong khu vực và quốc tế sẽ thông thoáng, dễ dàng hơn trong quá trình tìm đến các thị trường còn nhiều tiềm năng như Việt Nam.
Xa hơn, vào năm 2015, việc thực hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng sẽ tạo thuận lợi tối đa cho tự do hoá các luồng vốn trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Cùng với sự suy giảm của TTCK, nhiều ý kiến cho rằng, sức khỏe của các CTCK Việt Nam hiện khá yếu. Cảm nhận của ông về vấn đề này như thế nào?
TTCK khó khăn kéo dài đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các CTCK. Tuy nhiên, ngay trong lúc khó khăn này, thông qua hoạt động kiểm tra, cũng như các CTCK định kỳ báo cáo tình hình tài chính về UBCK, chúng tôi nhận thấy có một số tín hiệu tích cực đang chuyển động trong khối CTCK.
Nhiều CTCK đang thực hiện tái cơ cấu, giảm thiểu tối đa chi phí, nhằm củng cố hiệu quả kinh doanh. Thực tế, doanh thu của không ít CTCK không còn quá dựa vào tự doanh như trước. Một số CTCK bắt đầu căn chỉnh lại mô hình hoạt động, bằng việc lên kế hoạch tách nghiệp vụ tự doanh độc lập với hoạt động cung cấp dịch vụ như môi giới, tư vấn của công ty.
Các bước chuyển động trên sẽ giúp CTCK trong nước chủ động hơn khi tham gia hội nhập từ đầu năm 2012. Khi đó, với sự xuất hiện của cổ đông nước ngoài, vốn có thế mạnh về kỹ năng, kinh nghiệm…, dù dưới hình thức thành lập mới CTCK 100% vốn nước ngoài hay mua lại CTCK trong nước, thì chắc chắn sẽ tạo sự thay đổi về chất trong cung cấp dịch vụ chứng khoán cho thị trường.
Từ thời điểm 1/4/2011, các CTCK phải báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính đến UBCK. Trước thực trạng sức khỏe tài chính của CTCK có một số điểm lo ngại, UBCK có biện pháp gì để xử lý vấn đề này?
Các CTCK đang chấp hành nghiêm túc Thông tư về an toàn tài chính trong việc tính toán các chỉ tiêu an toàn và báo cáo UBCK. Trên cơ sở báo cáo của các CTCK, UBCK sẽ thường xuyên nhắc nhở CTCK có kế hoạch khắc phục các chỉ tiêu tài chính chưa đáp ứng được yêu cầu của cơ quan quản lý, chuẩn bị dần cho thời điểm các CTCK bắt buộc phải thực thi các chỉ tiêu an toàn tài chính tại Thông tư này, từ 1/4/2012.
Tường Vi - Hữu Hòe thực hiện
đầu tư chứng khoán
|