Vòng xoáy thoái trào của cổ phiếu chứng khoán
Cổ phiếu chứng khoán luôn nằm trong nhóm dẫn dắt mỗi khi thị trường biến động. Gần đây sự sụt giảm mạnh của nhóm này đã hé lộ một xu hướng mới: nhà đầu tư đang nhìn nhận giá trị các công ty chứng khoán gần với những rủi ro cơ bản của doanh nghiệp. Hiện tại chứng khoán là ngành kinh doanh rủi ro hàng đầu trong bối cảnh thị trường ảm đảm kéo dài – ông Vũ Đình Đô, giám đốc đầu tư của Công ty chứng khoán VNDirect, nhận xét khi trả lời phỏng vấn dưới đây.
TBKTSG: Cổ phiếu chứng khoán đang lặp lại những bước đi thoái trào của cổ phiếu ngân hàng, vốn đã bắt đầu từ ba năm nay và chưa có điểm dừng. Sự thoái trào này đã đến đỉnh chưa, thưa ông?
Ông Vũ Đình Đô: Cổ phiếu ngân hàng từng được coi là cổ phiếu vua, thể hiện qua sự biến động giá hấp dẫn, nhạy với thị trường, thanh khoản cao, chứng tỏ sự quan tâm mạnh mẽ của đại bộ phận nhà đầu tư. Đã thành quy luật, sau đỉnh điểm của một cao trào, khi cổ phiếu ngân hàng Quân đội được xem là công cụ tốt nhất để đầu cơ, khi thanh khoản Sacombank vượt ngưỡng 13 triệu cổ phiếu/phiên, thì sau đó là một thoái trào. Cùng với chu kỳ đi xuống của thị trường và rủi ro ngành, nhất là áp lực tăng vốn dẫn đến áp lực bán mạnh của cổ đông nội bộ cũng như bên ngoài, giờ đây, thị trưòng duờng như đã quên việc mua vào cổ phiếu vua. Thanh khoản của nhóm này ngày càng cạn kiệt.
Nhìn rộng ra, trong nhóm bất động sản đại diện bởi các cổ phiếu lớn như SJS, TDH, LCG, DIG, ITC cũng đi vào thoái trào khá dài từ cách đây gần 2 năm, gắn liền với lãi suất cao, nhiều cổ phiếu niêm yết mới, chủ doanh nghiệp tận dụng điều kiện thị trường để thoái vốn hoặc tăng vốn.
Cổ phiếu chứng khoán không tránh khỏi vòng xoáy thoái trào bởi ngoài ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô, nó còn mang những rủi ro đặc trưng ngành.
Rủi ro đặc trưng mới chỉ bộc lộ vài tháng trở lại đây khi các khoản phải thu của khách hàng, thực chất là hỗ trợ đòn bẩy tài chính, của các công ty chứng khoán lên đến hàng ngàn tỉ đồng, được nêu ra trong báo cáo tài chính quí 1-2011. Có công ty mức hỗ trợ lớn hơn cả vốn chủ sở hữu…
- Sự suy thoái từ 18 tháng qua của thị trường đã làm cho rủi ro chứng khoán nổi lên ngày một rõ. Các công ty chứng khoán đối mặt với đòi hỏi tái cấu trúc toàn diện nếu muốn tồn tại.
Chúng ta nhìn thấy, trong thời gian đó, các công ty chứng khoán chạy theo áp lực tăng vốn, coi đây là yếu tố quan trọng xác lập vị thế cạnh tranh trong môi trường tự doanh kém hiệu quả. Rất ít khi các công ty chứng khoán trả cho nhà đầu tư cổ tức bằng tiền hấp dẫn, phần lớn là bằng cổ phiếu. Tiền có được từ các đợt tăng vốn chủ yếu được dùng cho nghiệp vụ hỗ trợ tài chính để lôi kéo khách hàng. Hoạt động này trong điều kiện thanh khoản thị trường co hẹp giống như mồi lửa gần đống rơm, đang biến những rủi ro tiềm năng thành hiện thực. Nếu thị trường không đảo chiều, những khoản phải thu của khách hàng không được giải quyết, mức lỗ quí 2-2011 sẽ lớn hơn và khả năng một số công ty chứng khoán phá sản không phải không có.
Lối thoát duy nhất cho không ít công ty chứng khoán là sự phục hồi của thị trường. Từ nay cho đến khi chứng khoán tăng trưởng, liệu có cơ may nào cho cổ phiếu chứng khoán?
- Lâu nay cổ phiếu chứng khoán mang tính đầu cơ cao, được định giá ở tầm hơn hẳn so với các nhóm cổ phiếu khác so với giá trị sổ sách, nhìn vào các chỉ số cơ bản như P/E, EPS. Sự tham gia của một số tổ chức tạo lập thị trường đã giúp cổ phiếu chứng khoán duy trì thanh khoản trong suốt thời gian dài. Hiện tại thanh khoản của những cổ phiếu như KLS, SSI, BVS, VND chỉ còn bằng 30% - 40% trước đây, một phần do tác động chung của thị trường, phần khác do tính đầu cơ giảm sút.
Các nhà đầu cơ đã và đang rút khỏi chứng khoán, chỉ còn các nhà đầu tư giá trị bám trụ thị trường. Ở một góc độ nào đó, sự chuyển dịch cơ cấu nhà đầu tư này là tích cực, nhưng nó lại không tích cực với cổ phiếu chứng khoán. Các nhà đầu tư giá trị thường có tầm nhìn dài hạn, họ chọn những cổ phiếu như VNM có thể đảm bảo sự tăng trưởng lợi nhuận ổn định hàng năm, chứ không chọn cổ phiếu chứng khoán mà lợi nhuận phập phù theo đà lên xuống của thị trường.
Nghĩa là cơ may đang rời bỏ cổ phiếu chứng khoán?
- Tôi xin trả lời câu hỏi này qua một thí dụ.
Các ngân hàng niêm yết như Sacombank, Eximbank có tài sản cố định lớn (hội sở chẳng hạn), có khối lượng khách hàng hàng trăm ngàn, hàng trăm chi nhánh, phòng giao dịch và 6-7 năm qua chưa năm nào làm ăn thua lỗ, vậy mà thị giá cổ phiếu chỉ 12.000 – 15.000 đồng.
Trong khi các công ty chứng khoán có gì? Trụ sở thuê, mạng lưới mỏng trên dưới 10 chi nhánh, phòng giao dịch, nhiều thì 50.000 – 100.000 tài khoản giao dịch, thông thường mươi mười lăm ngàn tài khoản. Tài sản đáng giá nhất của công ty chứng khoán hiện nay là vốn liếng, nhưng một phần vốn đã đổ vào hoạt động tự doanh và liệu có bao nhiêu danh mục tự doanh không lỗ? Phần vốn còn lại phục vụ hỗ trợ tài chính cũng đang có nguy cơ mất trắng vì một số nhà đầu tư không còn tiền nộp thêm vào tài khoản, đã bỏ của chạy lấy người. Thế nhưng trên sàn vẫn có những cổ phiếu chứng khoán giá 14.000 – 20.000 đồng. Điều này không thể tạo cơ may cho cổ phiếu chứng khoán.
Như vậy sự thoái trào của cổ phiếu chứng khoán đang phản ánh chuyển biến trong nhận thức của nhà đầu tư. Ông nghĩ điều này sẽ làm thay đổi quan niệm đầu tư và ảnh hưởng tới thị trường như thế nào?
- Thị trường luôn đúng trong dài hạn, nhưng không hẳn phản ánh hết rủi ro ngay trong ngắn hạn. Về nguyên tắc, sẽ là không hợp lý nếu chúng ta mua một hàng hóa không tốt, mà lại phải trả giá cao. Điều này không thể tồn tại về lâu về dài. Thêm vào đó, cùng với những khó khăn hiện hữu, giai đoạn cao trao bộc lộ rủi ro trong ngành chứng khoán đang đến: thua lỗ, phá sản, tái cấu trúc ngành thông qua M&A, áp lực thoái vốn của chủ doanh nghiệp…Nguy cơ thoái trào của cổ phiếu chứng khoán chưa kết thúc và nó chưa thể tác động tích cực đến thị trường chung.
Lưu Hảo thực hiện
TBKTSG
|