Chủ Nhật, 17/04/2011 08:03

Technical View – Thị trường: Tuần 18 - 22/04/2011

(Vietstock) – Chiến lược đầu tư & Phân tích kỹ thuật chi tiết thị trường Việt Nam (VN-Index, HNX-Index), thị trường Mỹ (Dow Jones), thị trường Châu Á (Nikkei 225), thị trường Châu Âu (FTSE 100), giá vàng thế giới và USD Index.

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Ngắn hạn: VN-Index – Tích lũy tạo đáy hay là sự chững lại của xu hướng giảm? HNX-Index – Vùng 80 – 90 điểm có đủ vững?

VN-Index – Tích lũy tạo đáy hay là sự chững lại của xu hướng giảm? Hiện tại trong giới phân tích kỹ thuật có hai luồng quan điểm khá trái ngược nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng giai đoạn hiện nay giống với giai đoạn cuối tháng 07/2010 khi giá liên tục đi ngang bên dưới nhóm MA dài hạn. Quan điểm này không phải là không có lý khi mà xét về quỹ đạo của giá cũng như các điểm phá vỡ (breakpoint) đều có khá nhiều điểm tương đồng.

Quan điểm thứ hai thì lại so sánh giai đoạn hiện nay với tháng 03/2009. Chúng tôi đang ủng hộ quan điểm này. Nếu chúng ta quan sát sự dịch chuyển của khối lượng thì sẽ nhận thấy sự tương đồng khá rõ nét. Mức khối lượng giao dịch trung bình hiện tại (khoảng 20 triệu đơn vị) chỉ bằng 1/2 so với giai đoạn tháng 07/2010 trong khi quy mô thị trường hiện nay lớn hơn.

Mặt khác, tháng 07/2010 giá cũng không có những phân kỳ giá lên (bullish divergence) mạnh như hiện nay. Vì vậy, việc mua tích lũy vẫn được ủng hộ trong các phiên tới.

 

HNX-Index – Vùng 80 – 90 điểm có đủ vững? Với nhiều lần hỗ trợ thành công cho giá, đặc biệt là giai đoạn tháng 02/2009 – tháng 03/2009, giới phân tích khá tin tưởng vào vùng chống đỡ này.

Tuy nhiên, nhiều người đang đặt ra câu hỏi là liệu vùng này có tiếp tục trụ vững không khi mà giá đã chớm phá vỡ cận trên của Andrews’ Pitchfork sau 5 phiên giảm điểm liên tục.

Kịch bản này theo chúng tôi vẫn có khả năng xảy ra nhưng xác suất không quá lớn. Bởi vì hiện tại cả Relative Strength Index, Stochastic Oscillator và các chỉ số thuộc nhóm Momentum khác đều đã nằm trong vùng oversold. Nếu HNX-Index tiếp tục suy giảm trong các phiên tới thì các chỉ số này có thể hình thành được các phân kỳ tăng hoặc những tín hiệu mua mạnh. Điều này sẽ giúp cho khả năng phục hồi được cải thiện đáng kể.

 

Trung và dài hạn: VS-Large Cap vẫn đang tăng trưởng

Sự tăng trưởng của nhóm large-cap đã giúp cho đà giảm của hai chỉ số không quá mạnh. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này vẫn chưa đủ để giúp thị trường có được sự phục hồi.

Cả ba nhóm còn lại đều sụt giảm khá mạnh trong giai đoạn vừa qua. VS-Micro Cap và VS-Small Cap là hai chỉ số có mức giảm mạnh nhất. VS-Mid Cap cũng suy giảm nhưng yếu hơn.

Những biểu hiện trên cho thấy chưa có sự đồng thuận nhất định của 4 nhóm chỉ số. Thông thường, để thị trường có thể phục hồi một cách bền vững thì ít nhất hai nhóm VS-Large Cap và VS-Mid Cap phải có một sự phục hồi tương đối. Trong khi đó, 1 – 2 tuần vừa qua chỉ có nhóm large-cap là tăng trưởng và sự tăng trưởng này thực chất lại đến từ bộ ba BVH, VIC và MSN là chính nên không thể khiến cho các chỉ số thị trường (VN-Index, HNX-Index) tăng trưởng trở lại được.

Mặt khác, giá hiện tại đang gặp bất lợi từ các yếu tố dài hạn bên trên. VN-Index bị sức ép từ nhóm trend-following dài hạn, còn HNX-Index thì bị middle của Bollinger Bands chặn trên. Vì vậy, chỉ khi nào giá vượt lên trên được các yếu tố này và hoàn thành được các tín hiệu mua dài hạn thì đà suy giảm mới thực sự chấm dứt.

 

II. CHIẾN LƯỢC DANH MỤC ĐẦU TƯ

HNX đang hấp dẫn hơn HoSE

Chênh lệch khối lượng mua bán trên sàn HNX cả tuần là -4.22 đơn vị. Số lệnh đặt mua nhỏ hơn số lệnh đặt bán 1,985 lệnh. Như vậy, cán cân đã bắt đầu nghiêng về bên bán. Điều này cho thấy sự thận trọng của người mua trong giai đoạn hiện nay.

Các thông tin tốt vẫn chưa lộ diện trong khi một số thông tin xấu vẫn còn tiềm ẩn khiến cho nhiều nhà đầu tư vẫn chưa mạnh tay mua vào. Tuy nhiên, trung bình lệnh mua (2,340 đơn vị/lệnh) vẫn khá cân bằng so với trung bình lệnh bán (2,330 đơn vị/lệnh). Đây là biểu hiện tốt chứng tỏ hiện tượng bán tháo không xảy ra và nhà đầu tư lớn vẫn tiếp tục bám trụ lại thị trường.

Trên HoSE, chênh lệch mua bán trong tuần là -15.48 triệu đơn vị. Số lượng lệnh mua ít hơn số lượng lệnh bán 3,066 lệnh. Điều này khiến cho trung bình lệnh mua trên HoSE (2,239 đơn vị/lệnh) trở nên yếu thế hơn khá nhiều so với trung bình lệnh bán (2,414 đơn vị/lệnh).

Điều này khiến cho khả năng duy trì đà phục hồi của HoSE tỏ ra khá yếu ớt.

HoSE: Mô hình Định lượng của chúng tôi đưa ra tỷ trọng danh mục đề nghị đối với sàn HoSE là: 65.68% cash/ 34.32% stocks.

Trạng thái thận trọng và giữ mức tiền mặt cao của các phiên trước vẫn tiếp diễn. Điều này khiến cho chúng tôi e ngại về tính hấp dẫn của sàn HoSE. Rõ ràng việc mua mạnh trên sàn này đang trở nên rủi ro và mang tính mạo hiểm khá cao.

 

HNX: Tỷ trọng danh mục đề nghị đối với sàn HNX là: 44.02% cash/ 55.98% stocks. Dựa theo sự dịch chuyển của mô hình định lượng thì sàn HNX rõ ràng đang trở nên hấp dẫn hơn HoSE.

Tỷ trọng cổ phiếu của sàn này vẫn tiếp tục gia tăng khá đều đặn trong các phiên gần đây. Việc mua vào tiếp tục vẫn đang được ủng hộ trên HNX. Tuy nhiên, để phòng ngừa rủi ro nên thực hiện từ từ và thận trọng vì tỷ trọng cổ phiếu của mô hình gia tăng không quá mạnh.

Chúng tôi vẫn tiếp tục ủng hộ quan điểm mua vào trong giai đoạn này ở những mã có nền tảng cơ bản tốt và mức thanh khoản cao. Vấn đề thanh khoản cũng là một trong những vấn đề cốt yếu của giai đoạn hiện nay vì nó giúp nhà đầu tư đảm bảo có thể cắt lỗ dễ dàng khi thị trường tiếp tục có chuyển biến xấu.

 

III. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES, NIKKEI 225, FTSE 100, GIÁ VÀNG VÀ USD INDEX

Dow Jones: Ngắn hạn – Ngưỡng Fibo Retracement 261.8% đang chống đỡ tốt cho giá. Dài hạn – SMA 50 tiếp tục giúp cho giá đứng vững

Như vậy là DJIA đã test ngưỡng Fibo Retracement 261.8% liên tục 3 phiên nhưng vẫn chưa phá vỡ được ngưỡng này. Điều này cho thấy khả năng bứt phá trở lại của giá đang được nâng lên.

Theo lý thuyết phân tích kỹ thuật, khi giá liên tục test một ngưỡng chống đỡ trong nhiều phiên liên tiếp nhưng vẫn không phá vỡ được nó thì khả năng phục hồi sẽ được nâng cao dần. Chúng tôi nhận thấy thị trường Mỹ đang đi trong trạng thái giống như vậy.

Nếu tình trạng đi ngang như trên vẫn tiếp diễn trong những phiên tới thì có thể DJIA sẽ đi vào một giai đoạn tăng trưởng mới.

 

Dài hạn: Liên tục trong những phiên gần đây giá nhận được sự hỗ trợ hết sức hiệu quả từ SMA 50. Đây là một ngưỡng kỹ thuật rất có ý nghĩa đối với chỉ số DJIA.

Vào giai đoạn tháng 05 – tháng 06/2010, giá đã liên tục bị ngưỡng này chặn lại đà tăng và mãi đến đầu tháng 09/2010, giá mới phá vỡ được nó và kể từ đó bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng hết sức mạnh mẽ.

Mặt khác, vào tháng 11/2010 giá cũng từng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ SMA 50 như trong thời điểm hiện nay. Điều này khiến cho giới phân tích kỹ thuật quốc tế hy vọng về khả năng bứt phá trở lại của giá sau khi test thành công yếu tố hỗ trợ quan trọng này.

 

Vàng: Hướng tới vùng 1,500 – 1,550 USD/oz

Hiện tượng throwback của mẫu hình tam giác (triangle pattern) ngắn hạn có thể đã kết thúc. Hiện tại giá đang hướng đến mục tiêu (target price) là vùng 1,500 – 1,550 USD/oz.

Vùng giao dịch dày đặc (congestion zone) của giai đoạn trước đó đã đóng một vai trò hỗ trợ hết sức lý tưởng để làm bệ đỡ cho giá tiếp tục bứt phá. Nếu trong thời gian tới giá xuất hiện những đợt thoái lùi mới thì vùng này vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ tích cực.

Chúng tôi đánh giá khả năng đạt đến vùng 1,500 – 1,550 USD/oz là rất cao.

 

US Dollar Index: Double Spinning top xuất hiện

Trong lịch sửa của USD, tại những điểm đảo chiều quan trọng thường hay xuất hiện khá nhiều các mẫu hình nến (candlesticks) đảo ngược quan trọng. Đây chính là sự khác biệt so với nhóm chứng khoán (securities) hay hàng hóa (commodities).

Dạng thông thường hay xuất hiện nhất là những mẫu hình nến đảo chiều như doji, harami, spinning top... Lần này, chúng ta có thể nhận thấy đến hai mẫu hình spinning top xuất hiện liền kề. Vì vậy, nó khiến cho khả năng tăng điểm được cải thiện khá nhiều.

Kết hợp với phân kỳ của giá và Elliott Wave Oscillator (EWO) thì nếu như tình trạng này vẫn được duy trì thêm vài phiên nữa, giá sẽ xuất hiện những bước ngoặt quan trọng.

 

Nguyễn Quang Minh, Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Technical View – Doanh nghiệp: Tuần 18 - 22/04/2011 (16/04/2011)

>   Technical View – Doanh nghiệp: Tuần 11 - 15/04/2011 (09/04/2011)

>   Technical View – Thị trường: Tuần 11 - 15/04/2011 (10/04/2011)

>   Technical View – Doanh nghiệp: Tuần 04/04 - 08/04/2011 (04/04/2011)

>   Technical View – Thị trường: Tuần 04/04 - 08/04/2011 (04/04/2011)

>   Technical View: Thị trường đang trong giai đoạn "bán bắt buộc" (01/04/2011)

>   Technical View – Thị trường: Tuần 28/03 – 01/04/2011 (28/03/2011)

>   Technical View – Doanh nghiệp: Tuần 28/03 – 01/04/2011 (28/03/2011)

>   Technical View – Doanh nghiệp: Tuần 21 - 25/03/2011 (19/03/2011)

>   Technical View – Thị trường: Tuần 21 - 25/03/2011 (20/03/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật