Chứng khoán: Kỳ vọng chuyển biến trong năm 2011
Năm 2010 khép lại với nhiều biến động bất lợi của nền kinh tế, những chính sách vĩ mô khó dự đoán và nỗi buồn tràn đầy trên TTCK nói chung. Các chuyên gia, nhà phân tích kỳ vọng năm 2011, thị trường sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn.
|
Biểu đồ tăng trưởng GDP và các ngành cơ bản năm 2010 |
Xu thế TTCK năm qua là tình trạng lình xình đi ngang và giảm điểm kéo dài, sự rút đi của dòng tiền và suy giảm niềm tin của nhà đầu tư (NĐT). Phân đoạn thị trường theo 4 quý trong năm: Quý I, TTCK đi ngang trong biên độ hẹp, thanh khoản thấp; Quý II, đợt sóng Penny stocks kèm theo nhiều vụ làm giá kinh điển; Quý III, chứng khoán giảm mạnh trước nhiều rủi ro trong nước và quốc tế; Quý IV, cơ hội phục hồi từ vùng đáy và kỳ vọng năm mới.
Sang năm 2011, thị trường chứng khoán được kỳ vọng có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với năm cũ với hỗ trợ từ sự phục hồi kinh tế sau giai đoạn khủng hoảng, chính sách tiền tệ có khả năng nới lỏng hơn theo chu kỳ năm và sự vận động tích cực của dòng vốn đầu tư nước ngoài đang chờ đợi chảy vào VN. Đồng thời, những nhân tố mới của thị trường như “quỹ mở” hay khả năng áp dụng những cơ chế giao dịch thông thoáng hơn như giảm ngày T+, công khai áp dụng đòn bẩy, sản phẩm dịch vụ tài chính mới cũng sẽ kích thích thị trường phát triển cả về quy mô và giá trị cổ phiếu.
Trước tiên, năm 2011 mặc dù vẫn còn nhiều thách thức đến từ yếu tố lạm phát và tỷ giá mang tính cơ cấu, nhưng tăng trưởng GDP của VN có thể đạt mức 7 - 7,5% trong năm tới. Để tận dụng được những cơ hội phục hồi sau khủng hoảng chúng ta cần thiết phải có một chính sách tiền tệ cởi mở hơn nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Do đó, vẫn cần thiết phải duy trì một tỷ lệ đầu tư cao trong ngắn hạn và mở rộng cung tiền cũng như kích thích tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý. Định hướng nắm dòng tiền vào khu vực SXKD là đúng đắn. Tuy nhiên việc hạn chế dòng tiền vào lĩnh vực tài chính chứng khoán lại là một cản trở lớn để thị trường này phát triển bình thường và hiệu quả.
TTCK có nhiều cơ hội phục hồi và tăng trưởng bền vững trong năm 2011. Bên cạnh đó những rủi ro mang tính cơ cấu của nền kinh tế và sự thiếu minh bạch của thị trường vẫn còn hiện hữu.
Thứ hai, mục tiêu lạm phát năm 2011 không vượt quá 7% là một con số rất đẹp. Tuy nhiên, để đạt được kết quả này không phải dễ, bởi lạm phát của VN có tính chất cơ cấu mà việc tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay vẫn chưa thực sự được triển khai một cách đồng bộ và sâu rộng. Trước mắt, kiểm soát lạm phát chỉ thực sự hiệu quả nếu Chính phủ có một kỷ luật chi tiêu công nghiêm ngặt và tăng hiệu quả hoạt động đầu tư công. Trong ngắn hạn, có khả năng lạm phát sẽ tiếp tục tăng mạnh vào quý I/2011 và sẽ chững lại trong 2 quý tiếp.
Thứ ba, nhiều chuyên gia đang cho rằng đây là thời điểm đỉnh của lãi suất (thường cũng là đáy của chứng khoán), nên trong thời gian tới lãi suất sẽ dần dần được hạ xuống. Mặc dù có nhìn nhận tích cực về lãi suất, nhưng chúng tôi cho rằng lãi suất chỉ điều chỉnh giảm nếu như lạm phát được kiềm chế và kiểm soát tốt. Để đạt được mục tiêu lạm phát không quá 7%/năm thì trung bình mỗi tháng lạm phát không được vượt qua 0.58% và khi đó sẽ kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động giảm dần xuống mức 11-12%/năm.
Thứ tư, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) được kỳ vọng sẽ đổ mạnh vào TTCK VN trong năm tới nhờ mức định giá cổ phiếu đang khá hấp dẫn (PE thấp vào khoảng 11x trong khi các nước trong khu vực lên tới 14-15x). Trong năm 2010, dòng vốn FII đã đánh động sự trở lại đặc biệt vào những tháng cuối năm (đạt gần 1 tỷ USD trong năm), nhưng còn một dòng tiền rất lớn đã chốt lời tại các thị trường khác trong khu vực và chờ đợi chảy vào VN sau khi NHNN có quyết định rõ ràng về chính sách ngoại hối. Để thu hút được dòng tiền này, VN cần thể hiện rõ quyết tâm ổn định kinh tế và nâng cao tín nhiệm trong giới đầu tư quốc tế. Chính sách tiền tệ và ngoại hồi cần minh bạch và cởi mở hơn.
Thứ năm, về phía cơ quản quản lý thị trường chứng khoán cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động của thị trường, những cơ chế giao dịch cần phải thông thoáng hơn và gần hơn so với thông lệ quốc tế. Những cam kết của các cơ quan này về việc giảm T+, tăng thời gian giao dịch, hay công khai giao dịch ký quỹ trong năm vừa qua đều không được thực hiện. Do vậy, nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng về việc áp dụng những quy chế giao dịch mới này nhằm tạo lập một thị trường chuyên nghiệp hơn. Đồng thời, việc xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động làm giá, thao túng thị trường cũng đã được hình sự hóa và thực hiện nghiêm ngặt hơn. Những hoạt động này sẽ dần dần lấy lại được niềm tin của NĐT.
Xét về tổng thể, TTCK có nhiều cơ hội phục hồi và tăng trưởng bên vững trong năm 2011. Bên cạnh đó những rủi ro mang tính cơ cấu của nền kinh tế và sự thiếu minh bạch của thị trường vẫn còn hiện hữu. Một điểm kỳ vọng không kém phần quan trọng là động thái nới lỏng chính sách tiền tệ theo chu kỳ năm. Năm 2007 mở rộng cung tiền, tăng trưởng tín dụng mạnh, năm 2008 khủng hoảng và thắt chặt, năm 2009 hỗ trợ lãi suất nhằm phục hồi kinh tế, năm 2010 chính sách tiền tệ linh hoạt theo hướng thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát. Đến năm 2011 chính sách tiền tệ có khả năng sẽ cởi mở hơn nhưng không thiếu thận trọng.
Ông Phạm Thái Bình - –Giám đốc Ban Phân tích Cty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI):
Năm 2010, TTCK VN có những dao động mạnh, từ mức 420 điểm tới 550 điểm. Sự biến động của thị trường có nguyên nhân trực tiếp từ các tác động vĩ mô. Trên thị trường thế giới, cuộc khủng hoảng nợ Châu Âu phủ đám mây đen và đẩy rủi ro tới hệ thống tài chính toàn cầu. Trong nước, áp lực lạm phát buộc các cơ quan chức năng phải thực hiện nhiều biện pháp kiềm chế. Thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể 4 tỷ USD tiếp tục tác động mạnh lên tỷ giá và góp phần gây lạm phát. Tình trạng thị trường tiền tệ diễn biến phức tạp. Tình trạng thanh khoản của hệ thống NHTM thường trực ở mức độ khó khăn và buộc NHNN phải đảm bảo thanh khoản thông qua thị trường mở.
Nhận định chung của nhiều tổ chức tài chính quốc tế hàng đầu (WB, IMF) cho thấy kinh tế sẽ tiếp tục đà phục hồi trong năm tới, tuy nhiên với kỳ vọng tốc độ hồi phục chưa cao. Rủi ro từ hệ thống tài chính toàn cầu vẫn tồn tại gây bất ổn cho kinh tế năm 2011. Khu vực Châu Á đang phát triển tiếp tục dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế, dự báo đạt 9,4% trong năm 2011, cao hơn mức 4,8% tăng trưởng chung của thế giới.
Với độ mở khá lớn của nền kinh tế, VN sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ sự hồi phục kinh tế thế giới trong những năm tiếp theo, đồng thời cũng chịu tác động từ những rủi ro từ kinh tế toàn cầu. Thương mại quốc tế hồi phục nhanh trong năm 2010 và sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong 2011 sẽ là cơ hội và thách thức đối với kinh tế VN. Tốc độ tăng trưởng GDP được dự báo sẽ đạt khoảng 7-7,5% trong năm 2011, lạm phát đang được Chính phủ quyết tâm hạn chế với mục tiêu lạm phát năm 2011 không quá 7%.
Với dự báo kinh tế VN tiếp tục tăng trưởng trong năm 2011, chúng tôi nhận thấy khả năng thị trường hồi phục trong năm sau sẽ được đánh giá cao. Tuy nhiên, áp lực từ sự gia tăng nguồn cung cũng sẽ khiến thị trường khó có những chuyển biến vượt bậc. Tuy tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp có thể duy trì mức khá, nhưng hiện tượng pha loãng sẽ diễn ra mạnh mẽ. Dự báo, cuối năm 2011, VN-Index có thể tăng khoảng 10% so với năm 2010. Các nhóm ngành thường được hưởng lợi trong giai đoạn này của thị trường gồm ngành dầu khí, ngành vật liệu cơ bản và ngành thực phẩm đồ uống. |
Chứng khoán phố Wall
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|