Thứ Bảy, 01/01/2011 08:37

Những cổ phiếu đứng nhất năm 2010

(Vietstock) – Thị trường chứng khoán đã chính thức khép lại một năm 2010 với nhiều mất mát.  Bên cạnh các bài viết nhận định, tổng hợp thị trường 1 năm vừa qua, Vietstock ghi nhận một số kỷ lục thú vị về các mã cổ phiếu đang niêm yết trên hai sàn HOSE và HNX.

1. SHN: Cổ phiếu tăng mạnh nhất

Cổ phiếu SHN (CTCP Đầu tư tổng hợp Hà Nội – HNX) có giá đóng cửa ngày 31/12/2009 là giá 17,700 đồng/cổ phiếu. Tính đến 04/05/2010, SHN vọt lên mức 68,500 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng hơn 285%. Sau khi phát hành thêm và chia cổ tức, giá của SHN đã điều chỉnh về mức 25,100 đồng vào ngày 05/07.

SHN đạt giá bình quân 22,800 đồng/cp trong phiên ngày 31/12. Tuy nhiên, tính theo giá điều chỉnh thì cổ phiếu này vẫn tăng 3.3 lần trong năm 2010. Lợi nhuận sau thuế của SHN trong 9 tháng đạt 30.48 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cả năm 2009.

P/E theo lợi nhuận 4 quý gần nhất của SHN là 16.7 lần, cao hơn khá nhiều so với mức khoảng 11 lần của toàn thị trường. Đồng thời, SHN có mức tăng cao hơn nhiều so với mức tăng 2.34 lần của cổ phiếu tăng mạnh trên HOSE là BVH.

2. VIX: Cổ phiếu giảm mạnh nhất

Cổ phiếu VIX  của CTCP Chứng khoán Vincom niêm yết trên sàn HNX có mức giảm hơn 63.6% trong năm 2010, từ 25,000 đồng/cp ngày 31/12/2009 xuống còn 8,900 đồng vào ngày 31/12/2010.

Hoạt động kinh doanh của của VIX không đến nỗi tệ khi lợi nhuận 9 tháng đạt 22 tỷ đồng, trong khi nhiều công ty chứng khoán khác bị thua lỗ. Tuy nhiên, thông tin về việc đóng cửa trụ sở tại Hà Nội, thu hẹp hoạt động và chuẩn bị chuyển nhượng công ty khiến cho nhà đầu tư không còn mặn mà lắm với VIX.

Một số cổ phiếu khác trên sàn HNX cũng giảm mạnh trong năm như BMC (-61.14%), BAS (-58.11%), VIP (-57.74%).

3. DHG: Cổ phiếu có thị giá cao nhất

Kỷ lục này thuộc về DHG (CTCP Dược Hậu Giang) trên sàn HOSE. Kết thúc phiên 31/12, DHG có giá đóng cửa là 120,000 đồng/cổ phiếu, là mã cổ phiếu duy nhất trên sàn hiện có giá trên 100 ngànđồng. DHG đã tăng 9% so với đầu năm và rất ít biến động  dù đây là một năm giảm điểm là chủ đạo của thị trường.

DHG duy trì được tăng trưởng lợi nhuận tốt là nhờ ngành nghề kinh doanh ổn định. Lợi nhuận 9 tháng 2010 của DHG đạt 250 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. EPS lũy kế 4 quý gần nhất của DHG đạt 14,600 đồng/cp, P/E đạt 8.2 lần, một mức khá hấp dẫn so với thị trường.

4. VTA: Cổ phiếu thị giá thấp nhất

Cổ phiếu có thị giá thấp nhất trên sàn hiện nay là VTA của CTPC Vitaly (HNX: VTA). Giá đóng cửa của VTA ngày 31/12 là 5,200 đồng/cp.  VTA liên tục bị thua lỗ từ năm 2008 (-4.7 tỷ đồng), 2009 (-34.5 tỷ đồng) và 9 tháng 2010 (-28 tỷ đồng). Với mức thua lỗ liên tiếp này giá trị sổ sách hiện tại của VTA chỉ còn 3.4 tỷ đồng, so với mức 80 tỷ đồng hồi năm 2007.

Với tổng giá trị tài sản là 258 tỷ đồng, VTA đang sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao nhất trên sàn (D/E = 75 lần), trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn.

5. VCB: Cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất

Cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất là VCB, với mức giá đóng cửa ngày 31/12 là 32,500 đồng/cp và số lượng đang lưu hành là 1,758 triệu cổ phiếu thì vốn hóa của VCB hiện tại là 57.16 nghìn tỷ đồng, tương đương 2.55 tỷ USD tiếp tục giữ vị trí hoán quân kể từ khi chào sàn năm 2009.

Vốn hóa của VCB cao hơn khá nhiều so với BVH (44 ngàn tỷ đồng), CTG (35 ngàn tỷ đồng), VIC và MSN (32 nghàn tỷ đồng). Mặc dù VCB có giá trị thị trường “khủng” như vậy nhưng mức độ ảnh hưởng của cổ phiếu này đến VN-Index lại không lớn vì khối lượng lượng niêm yết chỉ chiếm khoảng 10% (122.7 triệu cổ phiếu) lượng lưu hành. 90% lượng cổ phiếu còn lại thuộc sở hữu nhà nước và không được niêm yết.

Tuy vậy, giá trị thị trường hiện nay của VCB nhỏ hơn rất nhiều so với thời điểm ngân hàng này IPO vào năm 2007 với mức giá lên đến hơn 100,000 đồng/cp.

6. DST: Cổ phiếu có vốn hóa nhỏ nhất

Kỷ lục này thuộc về mã cổ phiếu “tí hon”  là DST (CTCP Sách Và Thiết Bị Giáo Dục Nam Định). Mức giá bình quân phiên cuối năm 2010 của DST là 7,900 đồng/cp, với số lượng đang lưu hành 1 triệu cổ phiếu. Theo đó, giá trị vốn hóa thị trường của DST chỉ vỏn vẹn 7.9 tỷ đồng.

DST có tổng tài sản là 15 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là 11 tỷ đồng, lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm đạt 440 triều đồng.

Suýt soát với DST còn có một số cổ phiếu tí hon khác như BDB với giá trị thị trường là 9 tỷ đồng, LBE (10.4 tỷ đồng). Ngoài ra,thị trường hiện nay có tổng cộng 24 cổ phiếu với mức vốn hóa dưới 20 tỷ đồng.

7. VCB: Cổ phiếu lời nhiều nhất

VCB giữ một kỷ lục lần khác theo ghi nhận của Vietstock là cổ phiếu có lợi nhuận cao nhất tính đến hết quý 3/2010, với mức lãi ròng hợp nhất đạt 3,080 tỷ đồng.

Với mức giá hiện tại ngày 31/12 là 32,500 đồng/cp, P/E của VCB khoảng 10.6 lần, cao hơn mức trung bình chung của nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng nhưng là mức khá hấp dẫn so với thị trường. Giá của VCB thường ít có sự biến động và giảm ít hơn so với các mã ngân hàng khác trong năm 2010.

Có mức lợi nhuận cao thứ 2 là VNM với 2,885 tỷ đồng và đứng thứ 3 là ACB với 1,767 tỷ đồng. Cả VCB và ACB đều có tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu khá cao (ROE khoảng 22%) tuy nhiên vẫn kém xa so với VNM (ROE 48%).

8. KLS: Cổ phiếu lỗ nhiều nhất

Trong khi đó, KLS (CTCP Chứng khoán Kim Long) được xem là doanh nghiệp có mức lỗ lớn nhất thị trường tính đến hết quý 3/2010. Tính riêng quý 3/2010, KLS lỗ hơn 193 tỷ đồng. Trước đó, quý 1/2010 công ty lãi 11.96 tỷ đồng nhưng sang quý 2/2010 lại lỗ 22.3 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2010, KLS lỗ hơn 203 tỷ đồng.

Tuy nhiên, KLS lại là mã cổ phiếu có sức hút khá lớn đối với nhà đầu tư cả trong và ngoài nước trong suốt một năm qua khi thanh khoản đều đạt hàng triệu đơn vị mỗi phiên.

9. HAG: Cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất

Năm 2010 là năm nhà đầu tư nước ngoài có giá trị mua ròng kỷ lục, trong đó dẫn đầu danh mục mua ròng của khối ngoại là HAG (CTCP Hoàng Anh Gia Lai) với hơn 1,990 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 13% giá trị mua ròng toàn thị trường.

Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với HAG là gần 32%.

Với hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh, triển vọng tốt đã giúp HAG lấy được “lòng tin” của khối ngoại. Nhờ vậy mà HAG có thể “ngược dòng” trong khi không ngừng lao dốc suốt một năm vừa qua.

HAG là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc đầu tư ra nước ngoài. Mới đây nhất, công ty này đã thống nhất phát hành 200 triệu USD trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế đồng thời phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 2:1 cho cổ đông hiện hữu trong quý 1/2011.

10. ITC: Cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất

Trong khi đó, dẫn đầu danh mục bán ròng của khối ngoại là ITC (CTCP Đầu tư Kinh doanh nhà - Intresco) với giá trị 176 tỷ đồng, tiếp sau đó là ITA (152 tỷ đồng) và VSH (152 tỷ đồng). Hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ITC đang ở mức 11.6%.

Được biết, ITC là một trong những mã cố phiếu biến động mạnh trên thị trường năm vừa qua. Giá cao nhất của ITC trong năm đạt 40,000 đồng (giá điều chỉnh) và ngày 29/04, sau đó liên tục sụt giảm về mức 16,000 đồng ngày 22/11. Trong đợt phục hồi cuối năm, ITC trở lại “đường đua” tăng mạnh nhiều phiên liên tiếp và kết thúc năm với mức giá 24,800 đồng/cp.

P/E hiện tại của ITC là 11.69 lần, một mức không quá cao so với thị trường và các doanh nghiệp bất động sản khác.

Xuân Anh tổng hợp

Các tin tức khác

>   Chứng khoán 2010: Những mốc thăng trầm (01/01/2011)

>   UPCoM-Index vượt mốc 45 điểm (31/12/2010)

>   Mở cửa: Sắc xanh quay lại thị trường (31/12/2010)

>   Năm 2011 - Chu kỳ tăng trưởng của thị trường chứng khoán? (31/12/2010)

>   Thị trường ngày 31/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (30/12/2010)

>   VN-Index 2010: Cái bẫy chỉ số và bí ẩn "dòng tiền lạ" (30/12/2010)

>   UPCoM-Index tăng sát ngưỡng 45 điểm (30/12/2010)

>   GHA tăng trần là do thông tin tốt (30/12/2010)

>   Năm 2010, khối ngoại mua ròng hơn 16,000 tỷ đồng (30/12/2010)

>   'Dòng tiền' sẽ diễn biến thế nào trong năm 2011? (30/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật