Thứ Năm, 30/12/2010 15:12

Năm 2010, khối ngoại mua ròng hơn 16,000 tỷ đồng

(Vietstock) – Việc khối ngoại mua ròng mạnh đã giúp cho VN-Index không giảm nhiều trong năm 2010. Trên sàn HNX, với phần lớn là những pennystocks nên không được khối ngoại mua nhiều và khiến HNX-Index giảm hơn 30%.

Cổ phiếu bất động sản được giao dịch sôi động nhất. Giá trị thị trường của cổ phiếu khối ngoại sở hữu vào khoảng 6 tỷ USD, chiếm khoảng 1/6 giá trị toàn thị trường.

Năm 2010, khối ngoại mua ròng hơn 16,000 tỷ đồng

Với số liệu đến ngày 29/12/2010, tổng giá trị mua ròng của khối ngoại trong năm 2010 đối với cổ phiếu niêm yết ước đạt 16,039 tỷ đồng, bao gồm 15,251 tỷ đồng trên HoSE và 788 tỷ đồng trên HNX. Giá trị mua ròng này của khối ngoại lớn hơn rất nhiều so với 2,792 tỷ đồng của năm 2009 và 5,100 tỷ đồng của năm 2008.

Trước năm 2006, quy mô của TTCK Việt Nam vẫn còn tương đối nhỏ nên giao dịch của khối ngoại chỉ ở mức khá khiêm tốn.

Năm 2007, thị trường chứng khoán bùng nổ nhờ dòng vốn đầu tư gián tiếp ồ ạt đổ vào Việt Nam. Giao dịch của khối ngoại trên HoSE vào năm 2007 chiếm đến 16% toàn thị trường và giá trị mua ròng lên đến 23 nghìn tỷ đồng.

Năm 2008 là một năm khó khăn của thị trường chứng khoán do những trở ngại kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ tháng 10 cũng làm cho thị trường tài chính toàn cầu chao đảo. Dù vậy, trong năm 2008 khối ngoại vẫn mua ròng đến 5,100 tỷ đồng và giao dịch chiếm đến gần 16% toàn thị trường.

Năm 2009, thị trường chứng khoán bùng nổ trở lại, nhưng khối ngoại chỉ giải ngân ròng 2,792 tỷ đồng.

Năm 2010, dòng vốn ngoại đã trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam một cách khá mạnh mẽ bất chấp những thông tin vĩ mô không thuận lợi. Giao dịch của khối ngoại đã đóng góp hơn 10% cho thanh khoản của thị trường.

Việc khối ngoại mua ròng mạnh đối với một số cổ phiếu chủ chốt trên sàn là một nhân tố quan trọng giúp cho VN-Index không giảm nhiều trong năm 2010. Trong khi đó, trên sàn HNX, với phần lớn là những pennystocks nên không được khối ngoại mua nhiều. Điều này đã khiến HNX-Index giảm hơn 30%.

Cũng cần lưu ý là hiện tượng mua ròng của khối ngoại chỉ tập trung vào một số mã cổ phiếu nhất định. Trên HoSE, tổng giá trị mua ròng của 10 cổ phiếu dẫn đầu đã chiếm đến 70%, còn trên HNX con số này lên đến 120% giá trị mua ròng.

Hiện tại, tổng giá trị thị trường của số lượng cổ phiếu mà khối ngoại đang sở hữu vào khoảng 120 nghìn tỷ đồng, tương đương 6 tỷ USD, chiếm khoảng 1/6 giá trị thị trường của các doanh nghiệp đang niêm yết.

Cổ phiếu bất động sản được giao dịch sôi động nhất

Trên sàn HoSE, cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất là HAG với giá trị mua ròng lên tới 1,990 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại HAG lên đến gần 32%. Việc mua ròng của khối ngoại cũng đã giúp cho cổ phiếu này không giảm giá trong năm 2010.

Hai cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh khác là VIC (1,668 tỷ đồng) và BVH (1,083 tỷ đồng). Việc mua ròng mạnh của khối ngoại cũng đã giúp cho VIC và BVH tăng gấp đôi trong năm 2010. Hiện tại khối ngoại đang sở hữu 32% cổ phần của VIC và 24% cổ phần BVH.

Các cổ phiếu khác như KBC, FPT, HPG, VNM, SJS cũng được khối ngoại mua ròng khá mạnh trong năm qua.

Các cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất trên HoSE là ITC (176 tỷ đồng), ITA và VSH (152 tỷ đồng).

Trên HNX, khối ngoại mua ròng PVX (236 tỷ đồng), KLS (170 tỷ đồng), VCG (111 tỷ đồng). Đây đều là những mã cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất và có tính dẫn dắt thị trường trên HNX. Trong khi đó, các mã bán ròng nhiều nhất trên HNX là BVS (51 tỷ đồng), SHB (46 tỷ đồng), SCR (44 tỷ đồng).

* Số liệu tính từ đầu năm đến 29/12/2010.

Không nên quá kỳ vọng vào dòng vốn ngoại trong năm 2011

Năm 2010, dù nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng cổ phiếu trên thị trường chứng khoán,nhưng ước tính dòng vốn đầu tư gián tiếp đổ vào Việt Nam cũng chỉ khoảng 1 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Nhiều người kỳ vọng dòng vốn đầu tư gián tiếp sẽ đổ mạnh vào Việt Nam trong năm 2011. Kỳ vọng này không phải là không có cơ sở khi kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi khả quan và dòng vốn giá rẻ từ nước ngoài luôn tìm đến những nơi có suất sinh lời cao.

Năm 2010, hầu hết các cổ phiếu trên thị trường Việt Nam đều sút giảm mạnh, đưa P/E của thị trường xuống chỉ còn 10-11 lần, trong khi đó hầu hết các thị trường mới nổi đều có P/E 15-18 lần. Đây là một điểm rất quan trọng để thu hút các dòng vốn đầu tư giá trị.

Các vấn đề vĩ mô như lạm phát, lãi suất, tỷ giá được dự đoán sẽ dần bình ổn trong thời gian tới. Ngoài ra, các quyết sách có thể sẽ trở nên minh bạch và hiệu quả hơn, và tăng trưởng kinh tế có thể đạt 7.5% trong năm 2011. Với những diễn biến thuận lợi này thì dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục được cải thiện.

Tuy nhiên, có lẽ chúng ta không nên trông chờ quá lớn vào các dòng vốn gián tiếp trong năm 2011.

Việc các tổ chức định mức tín nhiệm hạ bậc tín nhiệm của Việt Nam và một số ngân hàng cho thấy rủi ro vĩ mô hiện tại là không hề nhỏ.

Ngoài ra, các vấn đề bất ổn có tính cơ cấu như lạm phát, lãi suất, tỷ giá và chất lượng tăng trưởng rất khó giải quyết một cách nhanh chóng.

Do vậy, nhà đầu tư nước ngoài ra sẽ tiếp tục dè dặt khi rót vốn vào thị trường Việt Nam. Việc các chứng chỉ quỹ đầu tư tại thị trường Việt Nam được giao dịch trên thị trường quốc tế với mức chiết khấu 20-50% phần nào cho thấy điều đó. Một kịch bản khác là dòng tiền có thể chủ yếu hoạt động đầu cơ và sẵn sàng thoái vốn khi rủi ro thị trường trở nên đáng ngại.

Năm 2011, Việt Nam vẫn có thể thu hút được các dòng vốn đầu tư gián tiếp nhưng ít có khả năng bùng nổ như thời kỳ hoàn kim 2006 và 2007.

Hoàng Nam

Các tin tức khác

>   'Dòng tiền' sẽ diễn biến thế nào trong năm 2011? (30/12/2010)

>   Vốn ngoại không đi đường tắt (30/12/2010)

>   Chứng khoán: Phân tích cách nào dễ 'trúng? (30/12/2010)

>   UPCOM-Index tăng mạnh nhờ cách tính? (29/12/2010)

>   Kết thúc năm ở điểm khởi đầu (29/12/2010)

>   Chần chừ (29/12/2010)

>   Thị trường ngày 30/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (29/12/2010)

>   UPCoM-Index tăng phiên thứ 2 liên tiếp (29/12/2010)

>   Chứng khoán một năm toàn sóng... ngầm! (29/12/2010)

>   OTC: Thị trường nhiều lệnh mua bán (29/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật