Chứng khoán: Phân tích cách nào dễ 'trúng?
Với một TTCK biến động và lình xình như năm 2010, câu hỏi: “Dùng phương pháp phân tích nào?” để chọn lọc cổ phiếu, vạch ra chiến lược đầu tư khả thi, dường như khó giải. Vậy phương pháp cho năm 2011 sẽ là gì?
Dùng phương pháp phân tích nào để chọn lọc cổ phiếu một cách chính xác là một câu hỏi khó giải trong điều kiện thị trường Việt Nam.
Bài viết xin đưa ra một số điểm tích cực và hạn chế của các phương pháp phân tích khi áp dụng tại TTCK Việt Nam.
Phân tích cơ bản
Sự tréo ngoe của TTCK Việt Nam đặt ra mối băn khoăn cho các nhà đầu tư theo trường phái cơ bản - lựa chọn cổ phiếu thông qua việc đánh giá chỉ số tài chính của doanh nghiệp niêm yết (DNNY). Trên thực tế, các cổ phiếu có chỉ số tài chính tốt, minh bạch thông tin, thường không tăng giá, hoặc biến động không đáng kể, có thể gây ra sự thất vọng trong kết quả đầu tư. Trái ngược lại, các cổ phiếu không có yếu tố cơ bản tốt hay các công ty hoạt động kinh doanh thường xuyên thua lỗ thì cổ phiếu có khi lại tăng giá chóng mặt. Để lý giải điều này, cần nhìn vào sức cầu của từng loại cổ phiếu khác nhau. Với các cổ phiếu bluechip, đối tượng mua vào chủ yếu là các quỹ đầu tư lớn, những tổ chức nước ngoài, còn đối với các cổ phiếu mệnh giá nhỏ (penny), lực cầu xuất phát từ nhà đầu tư cá nhân hay những bàn tay “làm giá”.
Các nhà đầu tư tổ chức luôn coi phân tích cơ bản là kim chỉ nam trong việc lựa chọn, định giá chứng khoán, do vậy, giá cổ phiếu bluechip chỉ tăng mạnh trong những đợt giải ngân liên tục của các tổ chức này. Ở góc độ khác, tiêu chí đầu tư của nhà đầu tư cá nhân thường dựa trên thông tin có thể tác động lên giá cổ phiếu hoặc hiệu ứng dư mua khối lượng lớn trong nhiều phiên. Do số lượng cổ phiếu lưu hành ít, các cổ phiếu penny rất dễ bị thao túng gây ra sự tăng giá bất thường, trái ngược với quy tắc giá trị cốt lõi của trường phái cơ bản. Một điều đáng nói khác là sự tin cậy của số liệu đầu vào cho phân tích cơ bản. Chất lượng báo cáo tài chính (BCTC) của các DNNY hiện đặt ra dấu hỏi lớn về tính trung thực, chính xác của chúng. Thời gian gần đây, nảy sinh những vấn đề ghi nhận doanh thu/lợi nhuận đột biến phục vụ cho mục đích chào bán chứng khoán như trường hợp của Quốc Cường Gia Lai (QCG). Các DNNY có thể sử dụng nhiều thủ thuật để ghi nhận doanh thu ảo, giảm bớt chi phí, không trích lập dự phòng... Nhà đầu tư khi đọc BCTC cũng nên lưu tâm tới ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên để xem xét mức độ trung thực trong việc khám “sức khỏe tài chính” của DNNY khi đưa ra quyết định đầu tư.
Phân tích kỹ thuật (PTKT)
Nền tảng của PTKT dựa trên số liệu trong quá khứ theo ba giả định cơ sở: biến động thị trường phản ánh tất cả, giá dịch chuyển theo xu thế chung và lịch sử lặp lại. Các CTCK chủ yếu dựa trên phương pháp này để đưa ra những ngưỡng hỗ trợ/kháng cự và kịch bản cho chỉ số VNIndex trong bản tin thị trường hàng ngày.
Yếu tố khác biệt rất cơ bản, có thể coi là điểm “chống chỉ định”, khi áp dụng PTKT với TTCK Việt Nam là biên độ giá trong phiên, khác hẳn với TTCK khác không áp dụng biên độ giá. Do vậy, dưới sự thao túng giá, hiện tượng tăng trần hết biên độ +/-5% trong nhiều phiên không còn quá xa lạ với nhà đầu tư. Với những cổ phiếu bị thao túng giá, PTKT gần như không có giá trị do đồ thị giá được điều khiển một cách có chủ đích, ép lên, xuống trái với lý thuyết kinh điển trong PTKT. Ví dụ: khi đường giá vượt khỏi dải Bollinger Band (BB), thông thường giá sẽ bị điều chỉnh vào bên trong dải BB này. Nhưng những cổ phiếu bị làm giá “siêu hạng” như AAA hay DHT, quy tắc này hoàn toàn bị phá vỡ bởi yếu tố “bàn tay vô hình”.
Ngoài ra, mô hình kỹ thuật kinh điển (pattern) (theo giả thuyết lịch sử lặp lại): vai đầu vai, hai đỉnh kép (double top), hai đáy kép (double bottom), rất khó có thể áp dụng hiệu quả tại thị trường Việt Nam. Lý do vẫn là biên độ giá trong phiên, cộng thêm yếu tố tâm lý trong việc ra quyết định của nhà đầu tư. Khi thị trường tăng không ai muốn bán, và ngược lại khi thị trường lao dốc thì đua nhau xả hàng. Chính vì thế, nếu nhận biết đồ thị giá nhiều khả năng rơi vào những trường hợp như thế, nhà đầu tư chỉ khoanh tay đứng nhìn, không thể làm gì khác hơn vì cổ phiếu có lượng dư mua trần hoặc dư bán sàn rất lớn. Phân tích kỹ thuật được áp dụng rất phổ biến trong đầu tư chứng khoán, nhưng nhà đầu tư nên lưu ý hai điểm hạn chế trên để tránh áp dụng một cách máy móc cho các trường hợp cổ phiếu bị thao túng giá.
Phân tích tâm lý
So với hai phương pháp trên, phân tích tâm lý chi phối khá nhiều trong quyết định đầu tư và ảnh hưởng cả phân tích cơ bản và kỹ thuật. Ví dụ thứ nhất, nhà đầu tư tự đặt cho mình cái “bẫy kỳ vọng” dựa trên số liệu tài chính “đẹp” của doanh nghiệp (phân tích cơ bản) và mẫu hình kỹ thuật chuẩn mực. Đơn cử với mức thu nhập trên cổ phần (EPS) là 7.000đ/cp, cổ phiếu ABC phải đạt mức giá kỳ vọng 7x, đồng thời, diễn biến giá của ABC rơi vào mô hình “cốc và tay cầm” nên kiểu gì cũng sẽ tăng giá mạnh. Tuy nhiên, thị trường không đánh giá cao ABC do tính chất ngành nghề nhiều rủi ro và tính thanh khoản thấp nên ABC chỉ đạt mức giá cao nhất 4x. Nhà đầu tư vẫn tiếp tục nắm giữ, chờ đợi giá lên 7x, ngay cả khi toàn thị trường sụt giảm mạnh. Nhận định mang tính chủ quan, lệch pha với diễn biến thị trường gây ra tổn thất tài sản lớn, trở nên rất phổ biến tại thị trường Việt Nam.
Xét ví dụ thứ hai, tâm lý bầy đàn luôn hiện hữu và thể hiện ở sự biến động thái quá của thị trường chứng khoán non trẻ. Trong đợt tăng giá đầu tháng 12/2010, không thể lý giải được tại sao TTCK biểu hiện tích cực trong bối cảnh bất lợi của kinh tế vĩ mô (lãi suất tăng, tỷ giá ngoại tệ và giá vàng biến động mạnh)! Xuất phát điểm từ một vài “đổm lửa nhỏ” mang tính đầu cơ mua gom hàng giá rẻ, cộng thêm việc chốt NAV (giá trị tài sản ròng) của các quỹ đầu tư, thị trường bùng phát thành một cơn lốc màu xanh khi lượng tiền đổ vào đạt mức kỷ lục trong phiên ngày 14/12 với 5.000 tỷ đồng. Trái với những lo ngại về nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, người ta thấy một bài học tâm lý quen thuộc “không bán khi giá tăng và quyết tâm bán khi giá giảm!” trở thành yếu tố bản lề trong kịch bản tăng giá của TTCK Việt Nam.
Phân tích tâm lý đầu tư có những ưu điểm nhất định, bổ sung cho hai phương pháp truyền thống.
Một ví dụ khác cho thấy tâm lý nhà đầu tư luôn nhạy cảm trước mọi phán đoán hay dự báo. Khi hầu hết các CTCK nhận định thị trường có thể lên 650 điểm, thực tế, thị trường chỉ có thể đạt đỉnh ở 600 điểm do lo ngại việc đồng loạt hiện thực hóa lợi nhuận. Ở khía cạnh đối lập, nhà đầu tư luôn “đi tắt đón đầu” thị trường nếu phải xử lý những thông tin dự báo chỉ số sẽ xuống mức 170 điểm. Khi thị trường giảm đến 200 điểm, hoạt động mua vào đồng loạt giúp chỉ số không thể giảm sâu tới mức kỳ vọng mà các CTCK nhận định. Yếu tố tâm lý luôn tác động và can thiệp sâu vào thị trường hơn là những gì chúng ta tưởng tượng !
Nhìn nhận một cách tổng quan, phân tích tâm lý đầu tư tỏ ra có nanh hững ưu điểm nhất định, bổ sung cho hai phương pháp truyền thống (cơ bản và kỹ thuật). Bản thân hai phương pháp phân tích cơ bản và kỹ thuật đều chứa đựng hành động hay phản xạ của nhà đầu tư để xử lý thông tin đó. Để đầu tư thành công, nhà đầu tư phải kết hợp nhiều yếu tố, lựa chọn phương pháp đầu tư phù hợp, đặc biệt nghiên cứu yếu tố tâm lý đầu tư tại TTCK Việt Nam.
Anh Quân
Doanh nhân
|