Thứ Tư, 29/12/2010 17:49

Chần chừ

VN-Index đã qua 2 tuần điều chỉnh giảm. Thế nhưng, nhìn từ diễn biến giao dịch của thị trường, dường như VN-Index vẫn cần thêm thời gian để tích lũy trước khi bật dậy. Nỗi trăn trở của các nhà đầu tư nhỏ lúc này là bao giờ VN-Index thực sự khởi sắc.

Nhà đầu tư chưa tự tin

Tuy bị điều chỉnh giảm, nhưng cổ phiếu trên cả 2 sàn vẫn giữ được mức giá cao hơn so với thời điểm VN-Index trên mốc 420 điểm (giữa tháng 11.2010). Ông Nguyễn Tuấn, Trưởng phòng Phân tích Đầu tư Công ty Chứng khoán APEC, cho rằng, mức điểm VN-Index đang duy trì tuy không cao hiện nay (trên 470 điểm) nhưng cũng đã phản ánh sự lạc quan của các nhà đầu tư đối với giá cổ phiếu. Hầu hết các nhà phân tích đều nhận định xu hướng đi lên của VN-Index trong năm 2011 là chắc chắn và không ít ý kiến của giới chuyên gia còn cho rằng, ngay trong quý I/2011, VN-Index sẽ vượt 500 điểm. Thế nhưng, các nhà đầu tư vẫn không dám mạo hiểm gom cổ phiếu vào lúc này. Tại sao?

Có thể thấy, VN-Index đã có một nhịp tăng khá tốt từ 425,5 điểm (17.11) lên 493,47 điểm (15.12), nhưng do thời gian tăng quá ngắn nên nhà đầu tư gần như chưa hòa được vốn. Đó là lý do phần lớn đều không dám mạo hiểm.

Ông Tuấn cho rằng, không chỉ các nhà đầu tư nhỏ mới “nhát đòn” mà ngay cả các quỹ đầu tư, bộ phận tự doanh của nhiều công ty chứng khoán cũng chưa dám “động thủ” trong đợt VN-Index hồi phục vừa qua. Cả thị trường đang chờ đợi những tín hiệu rõ ràng từ kinh tế vĩ mô. Chỉ khi VN-Index bật tăng trở lại với khối lượng cực lớn, kèm theo đó là sự xuất hiện của các tin tức tích cực về kinh tế vĩ mô thì các khối nhà đầu tư từ tổ chức đến cá nhân sẽ tự tin tham gia vào thị trường.

Sự do dự này cũng là điều dễ hiểu, bởi các nhà đầu tư đã tích lũy được kinh nghiệm để ứng xử trước các tình huống thị trường trước kia.

Thứ nhất là nhìn vào động thái của khối ngoại. Khối này liên tục mua vào, bán ra một cách rất bình tĩnh. Thị trường càng giảm, họ càng mua vào. Giá càng tăng thì càng đẩy mạnh bán ra. Hiện tượng này cho thấy khối ngoại chưa sẵn sàng ôm giữ cổ phiếu vì vẫn phải thận trọng trước những rủi ro có thể xảy ra.

Thứ 2 là nhìn vào các nhà đầu tư lớn trong nước. Khối này hợp lực lại, tuy có vốn lớn, nhưng vì quan điểm đầu tư là ngắn hạn, nên họ cũng rất thận trọng, khôn khéo trong cách tạo sóng thị trường. Khi gom mua và đẩy giá cổ phiếu lên mức cao nhất có thể, họ lập tức chốt lãi và chờ cơ hội tạo đợt sóng mới.

Thứ 3, khi các thông tin tích cực về kinh tế vĩ mô vẫn chưa xuất hiện thì sự lạc quan cũng sẽ chỉ có giới hạn và VN-Index khó có thể qua nổi mốc 500 điểm. Chỉ khi tin tốt xuất hiện chẳng hạn như chính sách kinh tế trở nên ổn định hơn hoặc một chiến lược tăng trưởng tín dụng mới của Ngân hàng Nhà nước được thực thi cho năm 2011 thì thị trường chứng khoán mới thực sự bứt phá.

Có nên đầu tư?

Sự lo lắng của nhà đầu tư vẫn chưa hạ nhiệt dù rằng mức giá gần nhất trong 2 tuần đầu tháng 12.2010 đang quay trở lại mức hấp dẫn. Và nhiều chuyên gia cũng có cùng quan điểm tích cực khi đánh giá về triển vọng của VN-Index.

Còn nhớ giai đoạn cuối năm 2008 đầu năm 2009 khi thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc vì khủng khoảng kinh tế thế giới. Khi đó, VN-Index rơi về mức 250 điểm rồi 235 điểm. Thị trường cũng xuất hiện hàng loạt ý kiến của giới chuyên gia về sự hấp dẫn của giá cổ phiếu, nhưng các nhà đầu tư nhỏ hầu như không để ý. Cho đến khi VN-Index tăng một mạch từ 235 điểm (24.2.2009) lên 630 điểm (22.10.2009) thì nhiều nhà đầu tư mới giật mình và tiếc nuối.

Theo Công ty Chứng khoán Kim Eng Việt Nam, xét về phân tích kỹ thuật, tín hiệu mua ở những đồ thị tháng, tuần đều đã xuất hiện. Và đương nhiên, khi thị trường tăng mạnh thì sự điều chỉnh là cần thiết để duy trì sự tăng trưởng ổn định và bền vững. Nhìn lại thị trường trong cả năm 2010 có thể thấy, giá nhiều cổ phiếu vẫn đang ở vùng thấp nhất trong năm. Như vậy, mua vào lúc này mang lại cơ hội lớn, trong khi rủi ro lại khá thấp.

Về chiến lược đầu tư, Công ty Chứng khoán Mekong cho rằng, do thị trường chưa hồi phục bền vững và còn bị chi phối mạnh bởi các lực lượng đầu cơ, nên phương pháp đầu tư hiệu quả lúc này là mua vào khi thị trường điều chỉnh giảm và chốt lời khi thị trường tăng nóng.

Thanh Lâm

Nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Thị trường ngày 30/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (29/12/2010)

>   UPCoM-Index tăng phiên thứ 2 liên tiếp (29/12/2010)

>   Chứng khoán một năm toàn sóng... ngầm! (29/12/2010)

>   OTC: Thị trường nhiều lệnh mua bán (29/12/2010)

>   Nhiều lý do khiến dòng vốn ngoại đổ vào TTCK Việt Nam (29/12/2010)

>   Thị trường ngày 29/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (28/12/2010)

>   UPCoM-Index tăng gần 1% (28/12/2010)

>   Thận trọng với bẫy NAV cuối năm (28/12/2010)

>   Năm 2013 sẽ có thị trường chứng khoán phái sinh? (28/12/2010)

>   Tiền nóng đang vào chứng khoán (28/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật