Thứ Ba, 28/12/2010 11:01

Năm 2013 sẽ có thị trường chứng khoán phái sinh?

(Vietstock) – Sáng 27/12, Hội thảo “Xây dựng và thiết lập thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh tại Việt Nam” do UBCKNN, Sở GDCK TPHCM (HOSE), Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký Việt Nam (VSD) tổ chức tại TPHCM, đã thu hút nhiều ý kiến của diễn giả về sự cấp thiết phải xây dựng một thị trường phái sinh tại Việt Nam.

Nhu cầu có thực

TS. Nguyễn Sơn – Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường UBCKNN cho rằng, TTCK phái sinh là những sản phẩm tất yếu trong tiến trình phát triển thị trường tài chính, và nó cũng phản ánh độ sâu, độ rộng của thị trường.

Theo TS. Sơn, TTCK Việt Nam đã trải qua 10 năm hình thành và phát triển nên nhu cầu phát triển TTCK phái sinh hiện nay là có thực. Bên cạnh đó, việc phát triển thị trường này cũng nằm trong định hướng chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020.

Một khi các sản phẩm này ra đời sẽ giúp đa dạng hóa công cụ đầu tư, công cụ hỗ trợ nhà đầu tư phòng vệ rủi ro và gia tăng lợi nhuận.

Cùng quan điểm với TS Sơn, ông Mạc Quang Huy đến từ CTCK Thăng Long (TLS) cho rằng, việc xây dựng một TTCK phái sinh tại Việt Nam vừa cần thiết lại vừa mang tính cấp thiết.

Ông Huy lý giải, các sản phẩm đơn giản trên TTCK Việt Nam đã tồn tại 10 năm và  không còn tính hấp dẫn với nhà đầu tư, trong khi nhu cầu của nhà đầu tư thì đa dạng và không ngừng phát triển như nghiệp vụ hedging, đầu cơ, đòn bẩy…

Ngoài ra, với nhu cầu hội nhập WTO và tăng cường thu hút vốn đầu tư gián tiếp (FII) thì việc thiếu vắng các sản phẩm phái sinh sẽ làm giảm tính cạnh tranh của thị trường Việt Nam. Không những vậy, quy định room như hiện nay cũng làm hạn chế dòng vốn FII vào Việt Nam.

Ông Huy còn cho biết, các công ty chứng khoán hiện nay cũng có nhu cầu xây dựng các sản phẩm cấu trúc của mình.  Tuy nhiên, với sự hạn chế các sản phẩm trên thị trường như hiện nay buộc các công ty phải lách luật trong việc xây dựng các sản phẩm phái sinh nhằm thu hút sự chú ý của nhà đầu tư và gia tăng tính cạnh tranh.

Các bước đi cần thiết

Nhìn chung, các diễn giả tham gia hội thảo đều đồng tình với quan điểm về sự cần thiết phải có một TTCK phái sinh ở Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, vấn đề mới đặt ra là xây dựng thị trường này như thế nào, mô hình ra sao… cũng được các diễn giả tham gia thảo luận.

TS. Nguyễn Sơn đặt vấn đề cần phải phát triển TTCK phái sinh tập trung (chuẩn hóa) hay phi tập trung. Theo đó, thị trường tập trung cần phải thực hiện ngay từ khi thiết lập để giảm thiểu rủi ro. Trong khi thị trường phi tập trung sẽ định hướng phát triển trong giai đoạn sau.

Ngoài ra, cũng có thể thực hiện phương án song song là kết hợp giữa chuẩn hóa và phi tập trung.

Một vấn đề khác được ông Sơn nêu ra là các yêu cầu khi thiết kế TTCK phái sinh sao cho các sản phẩm của thị trường phải đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, tạo được sự hiệu quả trên thị trường cơ sở, giảm thiểu được rủi ro. Đồng thời các sản phẩm này phải phù hợp với các chuẩn mực kế toán/hạch toán và phải có cơ chế giám sát/xử lý rủi ro dây chuyền giữa hai thị trường chính thức và phái sinh.

Trong khi đó, theo đại diện của HOSE thì sản phẩm đầu tiên được Sở đưa ra khi xây dựng TTCK phái sinh là Hợp đồng tương lai chỉ số VN-Index. Theo đó, để đưa ra được sản phẩm này Sở sẽ có quá trình sắp xếp lại các doanh nghiệp niêm yết theo mã ngành; nghiên cứu xây dựng các bộ chỉ số mới làm hàng hóa cơ sở như theo ngành, theo vốn hóa… Ngoài ra, Sở cũng tiến hành tham vấn thị trường khi xây dựng và niêm yết sản phẩm.

Sớm nhất năm 2013, TTCK phái sinh sẽ ra đời

Đại diện của HOSE cũng đưa ra các bước đi cần thiết để xây dựng TTCK phái sinh như hình thành thị trường giao ngay có tính thanh khoản và hiệu quả cao, xây dựng khung pháp lý về chứng khoán phái sinh, cho phép bán khống trên thị trường giao ngay, giao dịch ký quỹ và cho vay chứng khoán.

Đồng thời, để cho thị trường được vận hành tốt, cơ quan quản lý cần cấp giấy phép cho các định chế trung gian và ban hành chính sách thuế như nhau trên 3 thị trường giao ngay, repo và phái sinh.

Cuối cùng là Sở GDCK phái sinh sẽ ra đời với cơ chế thanh toán bù trừ tập trung (CCP), có chuẩn mực kế toán tuân theo IFRS, có các sản phẩm phái sinh OTC phát triển và mở rộng cơ sở nhà đầu tư.

TS. Nguyễn Sơn thì đưa ra một lộ trình khá cụ thể để xây dựng TTCK phái sinh. Theo đó, UBCKNN thành lập Tổ nghiên cứu xây dựng đề án ngay trong năm 2010; xây dựng Nghị định Chính phủ và Quy chế trong hai năm 2011 và 2012. Bên cạnh đó, quá trình đào tạo, tập huấn nhân sự và tổ chức bộ máy được thực hiện xuyên suốt trong giai đoạn 2011 – 2014.

Khi các bước chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, TTCK phái sinh sẽ chính thức hoạt động trong năm 2013 hoặc 2014.

Ngoài ra, TS Sơn cũng cho biết, trong quá trình hoạt động của thị trường này cũng cần phải thành lập hệ thống CCP với pháp nhân độc lập hoặc do VSD quản lý.

Cuối cùng, để cho các sản phẩm phái sinh hoạt động, UBCKNN cũng tiến hành  xây dựng chỉ số CP tổng hợp, ngành, nhóm ngành…

Viết Vinh

Các tin tức khác

>   Tiền nóng đang vào chứng khoán (28/12/2010)

>   UPCoM-Index giảm còn 41,45 điểm (27/12/2010)

>   Thị trường ngày 28/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (27/12/2010)

>   Nhiều CTCK lại lỡ kế hoạch năm 2010 (27/12/2010)

>   Cổ phiếu đã xuống mức “vừa phải”? (26/12/2010)

>   Thị trường tuần 27-31/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (26/12/2010)

>   Vẫn là đỡ giá (25/12/2010)

>   Cơ hội thoát lỗ (25/12/2010)

>   Vốn ngoại: Chất đổi, lượng đổi (24/12/2010)

>   Đằng sau bức tranh tăng giá (24/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật