Thứ Sáu, 24/12/2010 17:55

Đằng sau bức tranh tăng giá

Mặc dù các chỉ số chứng khoán xác nhận hai sóng tăng khá rõ rệt thời gian qua nhưng không phải cổ phiếu nào cũng đạt lợi nhuận tốt.

Đến thời điểm hiện tại, VN-Index tạm thời xác định đỉnh cao mới ở ngưỡng 497 điểm trong ngày 15/12. Chỉ số đang trên đường kiểm tra lại mức hỗ trợ 470 điểm. Tuy nhiên đằng sau sự điều chỉnh bình lặng đó là bức tranh xấu hơn nhiều của danh mục đầu tư.

Sóng tăng giá từ 420 điểm lên 497 điểm có thể chia làm hai chặng khá rõ rệt. Đỉnh đầu tiên đạt được tương đương 468 điểm vào ngày 6/12. Sau khi điều chỉnh nhẹ về mức thấp nhất 450 điểm, VN-Index lại vọt lên mức 497 điểm. Mặc dù từ góc độ Index, sóng tăng khá rõ ràng nhưng trên bình diện những cổ phiếu cá biệt, không phải mã nào cũng đạt mức lợi nhuận tương ứng.

Trong sóng tăng đầu tiên từ đáy 420 điểm, tại HOSE có 249 cổ phiếu tăng giá với mức độ tối đa tính theo giá đóng cửa từ 0,29% tới 59,2%. Quán quân về tỉ suất lợi nhuận là SRC, đạt 59,2%, từ mức 16.400 đồng lên 26.100 đồng/cổ phiếu. Tăng thấp nhất là DPM với 0,29%.

HNX có 174 mã tăng trên 20% và tổng cộng có 281 mã tăng giá trong cùng thời gian trên. Cổ phiếu có mức tăng mạnh nhất là LTC với 64,1%. Cổ phiếu tăng yếu nhất là CVN: 0,7%.

Sự phân hóa ở sóng này tuy không sâu sắc nhưng cũng tạo ra các cổ phiếu có “độ bật” khác nhau. Chẳng hạn DPM gần như đi ngang trong sóng tăng đầu tiên và chỉ thực sự “khởi động” trong sóng tăng thứ hai. Chẵn 120 cổ phiếu đạt tỉ suất lợi nhuận trên 20% trong vòng 11 phiên tăng của sóng đầu tiên. CVN trên HNX sau khi HNX-Index chạm đáy và phục hồi thì giá vẫn giảm thêm một tuần nữa mới tới đáy và phục hồi.

Có thể nói sóng tăng đầu tiên là sóng “ngon” nhất vì hầu như các cổ phiếu đều tăng giá, sự lựa chọn để có lợi nhuận khá dễ dàng vì đa số các mã dù chậm cuối cùng cũng tăng theo thị trường chung. Dĩ nhiên nếu nhà đầu tư lựa chọn được danh mục tốt thì khả năng kiếm vài chục phần trăm lợi nhuận là dễ dàng.

Sau 3 phiên điều chỉnh nhẹ, cả hai sàn bước vào sóng tăng thứ hai. Khác với sóng bật lên từ đáy, lúc này sự phân hóa đã rất mạnh. Rủi ro cho danh mục là cao nếu chọn nhầm cổ phiếu.

Một bằng chứng đơn giản: Khi VN-Index đạt đỉnh 497 điểm vào ngày 15/12, chỉ có 96 cổ phiếu lập được đỉnh giá mới cao hơn mức đỉnh cũ của ngày 6/12 (tương đương đỉnh của VN-Index). Trong số 96 mã này, cũng chỉ có 16 cổ phiếu có độ chênh lệch về giá giữa hai đỉnh trên 10%.

HNX thậm chí còn tồi hơn khi chỉ có 86 cổ phiếu lập được đỉnh giá mới cao hơn đỉnh cũ. Trong đó có 20 cổ phiếu đạt độ chênh lệch trên 10%. Mã tăng mạnh nhất trong sóng thứ hai này là VFR với gần 36,4%.

Cổ phiếu VIC trên sàn HOSE là mã cá biệt với độ chênh lệch tới 30,5%. Tuy nhiên đa số còn lại không được “hoành tráng” như vậy. Chẳng hạn HOSE có tới 44 mã mà mức chênh lệnh dưới 4%. Số này tại HNX cũng tới 40 mã. Điều đó có nghĩa là không phải cổ phiếu nào sau đợt điều chỉnh giữa hai nhịp tăng đều tạo được đỉnh giá mới cao hơn đỉnh cũ ở mức độ đáng kể.

Phía ngược lại, mặc dù chỉ số xác nhận sóng tăng giá thứ hai nhưng HOSE vẫn có 160 cổ phiếu giảm giá so với đỉnh ngày 6/12 – không tính các mã điều chỉnh giá kỹ thuật. DVD trong sóng thứ hai của VN-Index lại giảm 21,4%. PPI giảm 17,2%. Trên HNX cũng có 260 mã giảm giá trong sóng tăng này. SSS giảm so với đỉnh cũ 17,9%, TIG giảm 17,3%...

Sau khi VN-Index đạt đỉnh 497 điểm, hầu như tất cả các cổ phiếu đều quay đầu giảm giá. Thống kê cho thấy tính đến hôm nay, sàn HOSE chỉ có 20 mã đi tiếp, tức là ngược dòng trong 7 phiên điều chỉnh vừa qua như TRA, CTI, VPL, CTG... HNX cũng có gần 30 mã. Tuy nhiên, phần lớn những cổ phiếu còn tăng trong 7 phiên giảm của VN-Index vừa qua là những mã đã bỏ lỡ cả hai sóng tăng trước đó. Nói cách khác, đó là những cổ phiếu lệch nhịp so với thị trường và “chạy sau”. Chẳng hạn TRA tại HOSE đi ngang một thời gian dài và chỉ thực sự tăng từ ngày 20/12 vừa qua.

Từ bức tranh về giá của các cổ phiếu cá biệt này, có thể nhận thấy sóng tăng thứ hai của VN-Index từ 470 điểm lên 497 điểm không mang tính đại diện của toàn bộ thị trường. Một số cổ phiếu lớn đã tăng giá mạnh trong sóng thứ hai khiến chỉ số rất “đẹp” nhưng phần lớn các mã còn lại chỉ tăng yếu, thậm chí không đủ để nhà đầu tư hòa vốn nếu nhảy vào đúng đỉnh trước đó.

Trong quá khứ, thường các sóng tăng giá mạnh có độ lan toả rất rộng. Có thể thấy điều này qua đợt tăng đầu tiên từ 420 điểm lên 470 điểm. Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu nào rồi cũng được trải qua cảm giác tăng giá. Sóng tăng thứ hai là sóng tăng phân hóa mạnh và rủi ro như vậy rất lớn. Trừ trường hợp nhà đầu tư chọn được và mua được những cổ phiếu dẫn dắt trong sóng thứ hai, số còn lại hầu như không đạt lợi nhuận đáng kể, thậm chí vẫn lỗ.

Đặc biệt sóng tăng thứ hai diễn ra quá nhanh và có một phiên đẩy giá kịch liệt vào ngày 13/12. Chỉ duy nhất một phiên mà thị trường đi được gần như toàn bộ sóng tăng. Rất nhiều cổ phiếu kịch trần và rất khó để mua được. Do vậy đua trần trong những phiên kế tiếp không những khó có thể “ăn” được sóng mà rủi ro cao.

Đứng trên quan điểm tương quan giữa rủi ro và lợi nhuận, nhà đầu tư đã “no” trong sóng tăng thứ nhất chấp nhận đứng ngoài khi thấy độ “bốc” quá nhanh cũng không phải là lựa chọn tồi. Ngay cả với nhà đầu tư “lỳ đòn” nắm giữ qua đợt điều chỉnh giữa hai sóng thì tỷ suất lợi nhuận tăng thêm trong sóng hai cũng không phải là lớn, thậm chí có thể giảm đi nếu trong danh mục có cổ phiếu yếu. Đối với nhà đầu tư ra đúng đỉnh trong sóng một, ngoài những người có khả năng đảo hàng tốt, chọn cổ phiếu và ra vào “cực chuẩn”, đa số nếu nhảy vào mua tiếp cũng chỉ thêm được một chút lợi nhuận đủ T+4. Đối với người đua trần thì có lẽ khả năng lỗ là rất lớn.

Có thể nói sóng tăng thứ hai tuy hào hứng nhưng thực tế lại ẩn chứa rủi ro rất cao. Cơ hội lợi nhuận đủ tốt chỉ xảy ra với rất ít cổ phiếu mà không ai dám chắc có thể lựa chọn đúng. Nếu sóng thứ hai tăng chậm hơn thì mới có khả năng bật xa hơn.

Nguyễn Hoàng

TBKTVN

Các tin tức khác

>   NĐT tổ chức “để mắt” thị trường OTC (24/12/2010)

>   Thị trường ngày 24/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (23/12/2010)

>   TTCK sẽ “sáng” hơn trong quý I/2011 (23/12/2010)

>   UPCoM-Index tăng nhẹ 0,18 điểm (22/12/2010)

>   Thị trường ngày 23/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (22/12/2010)

>   Năm 2011: Dòng tiền đổ về đâu? (22/12/2010)

>   Thị trường chờ tác động thực sự (22/12/2010)

>   Có hay không việc cổ đông lớn “tạo sóng”? (22/12/2010)

>   Lực đỡ tâm lý (22/12/2010)

>   Năm 2011 là thời kỳ phục hồi của TTCK (22/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật