Năm 2011: Dòng tiền đổ về đâu?
Phần 1. Sóng cả không ngã tay chèo
Tất nhiên các kênh đầu tư truyền thống: vàng, bất động sản (BĐS) và chứng khoán vẫn tiếp tục thu hút vốn của các nhà đầu tư (NĐT) như bao lâu nay. Thế nhưng, sự biến động của các thị trường này cũng khiến ngay cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp nhất cũng bắt đầu dao động. Chấp nhận rủi ro “ăn sóng lớn” hay nằm im giữ tiền vẫn là một câu hỏi khó vắt sang cả năm 2011.
Ở nơi rủi ro nhất là nơi lợi nhuận cao nhất - nhiều NĐT vẫn kiếm được lợi nhuận cao trong thị trường đang đầy biến động như vàng, nhà đất. Thế nhưng con số này được bao nhiêu người?
Buôn đồng tiền “sống”
NĐT vẫn kiếm được lợi nhuận cao trong thị trường đang đầy biến động như vàng, nhà đất.
Là giảng viên một trường đại học tại TP.HCM nhưng ông Nguyễn Hữu Trịnh (*) lại được giới đầu tư chứng khoán và BĐS biết đến như một tay đầu tư chuyên nghiệp theo kiểu “mạnh gạo và bạo tiền”.
|
NĐT vẫn kiếm được lợi nhuận cao trong thị trường đang đầy biến động như vàng, nhà đất. |
Nói đâu xa, trong tuần đầu của tháng 12, khi thị trường tăng trần 6 phiên liên tục, ông Trình nhanh chóng thu được lợi nhuận đến 40% trên mỗi cổ phiếu sau khi đem 30 cây vàng bán để lấy tiền mua cổ phiếu.
Với hơn 1 tỷ đồng, chỉ trong 1 tuần, ông Trình đã kiếm được số lãi hơn 300 triệu đồng. Ông Trịnh kể: “Lấy 30 cây vàng bán với giá 35,5 triệu đồng/lượng được hơn 1 tỷ đồng tôi mua một số mã cổ phiếu.
Khi giá trị đã lên mức kỳ vọng, tôi bán hết số cổ phiếu đã mua. Chờ tiền về tài khoản, tôi rút tiền đi mua lại 30 cây vàng với giá 36,2 triệu đồng/lượng. Như vậy, trừ khoản chênh lệch vàng bị lỗ, tôi vẫn kiếm được hơn 200 triệu đồng”.
Từ đó, ông mạnh dạn nói rằng, ai bảo thị trường chứng khoán (TTCK) không còn hấp dẫn là sai. Bởi vì, nguồn cung tiền sắp tới hạn hẹp sẽ khiến các NĐT nhỏ bán cổ phiếu ra. Mặt khác, giá nhiều loại cổ phiếu trên thị trường đã về sát giá trị thật nên các NĐT có tiền (không phải là tiền đi vay) vẫn có thể gom được hàng tốt.
Như vậy, dù chứng khoán hiện nay rất khó dự báo khi nào bật trở dậy, nhưng theo quy luật, cổ phiếu có xuống rồi lại có lên. Điều cơ bản hiện nay là NĐT nào trường vốn thì sẽ thắng lớn khi giá nhiều loại cổ phiếu đang rất tốt.
Trường hợp của bà Mỹ Lan (NĐT tiền tệ và BĐS) cũng khiến những NĐT cá nhân khác phải “thèm thuồng” với cách kiếm tiền “khủng” của bà trong thời gian vừa qua.
Bà Lan kể rằng, sau khi DN của bà phát triển ổn định, bà giao quyền quản lý cho con trai, bà chỉ ngồi tính toán trên thị tường để xem đầu tư vào đâu thì hợp lý. Với bà Lan, đầu tư vàng và tiền là nghề có thể mang lại nhiều lợi nhuận, song, đó cũng là nghề khiến người chơi có thể bại sản trong một thời gian nhanh nhất.
Quan niệm “dám chơi” như thế nên bà Lan đã thắng lớn trong nhiều vụ đầu tư vàng và BĐS. Hai tỷ đồng là số tiền lãi bà thu được trong 5 tháng khi hùn tiền cùng một người bạn mua mảnh đất gần 200m2.
Mảnh đất gần 200m2 được bà ngăn đôi ở giữa có đường phụ tạo thành 2 miếng đất vuông vức có đường đi hẳn hoi, tiếp đến bà chia miếng đất thành những lô nhỏ, xây từng căn nhà đấu lưng nhau với diện tích 36m2/căn.
Xây cất nhà hoàn chỉnh, bà lên chính quyền xin tách sổ, những căn nhà có giá trung bình, phù hợp với mức thu nhập của những gia đình trẻ nên bà bán hết vèo trong vòng 2 ngày!
Chống đồng tiền “chết”
TS. Đỗ Thị Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng hiện nay, thị trường có không nhiều các NĐT mới, những người không chuyên nghiệp mà muốn giàu nhanh từ TTCK phần lớn bị thua lỗ và đã rời bỏ thị trường, những người còn bám trụ thì một là đầu tư theo trường phái giá trị, hoặc là những người khá chuyên nghiệp.
11 tháng nhìn lại
Tiếp tục xu hướng giảm mạnh từ năm 2009, vốn đầu tư FDI vào các dự án bất động sản trong 11 tháng đầu năm 2010 chỉ đạt 2,85 tỷ USD, chưa bằng 50 % so với con số 7,6 tỷ USD năm 2009.
Khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên của cả hai sàn chứng khóan trong 11 tháng đạt khoảng 30,3 triệu cổ phiếu và giá trị bình quân khoảng 1,018 tỷ đồng. Con số này trong năm 2009 là 42 triệu cổ phiếu và giá trị giao dịch đạt 1,400 tỷ đồng.
Ước tính có khoảng 5 tỷ USD được lưu hành bên ngoài hệ thống ngân hàng Việt Nam – mức tiền đủ để trang trải thâm hụt cán cân thanh toán dự báo của Việt Nam trong năm nay. |
Và hệ quả từ những việc đầu tư trên là nhiều NĐT đang phải đối diện với tranh chấp, nợ nần, gia đình ly tán...
Như một người có tên là Trương Văn Tấn bị một NH thương mại tại TP.HCM khởi kiện. Hơn 500 triệu đồng là số nợ gốc cộng với lãi phát sinh, lãi phạt chậm mà NH kê ra, yêu cầu tòa buộc anh này phải thanh toán.
Rồi thì các loại tài sản thế chấp cho khoản nợ: một ô tô Mitsubishi 7 chỗ ngồi, 18 thửa đất ở Long An, 36 thửa đất ở Tây Ninh... “Nếu tính đúng thì đến giờ này số nợ đã là 800 triệu đồng tính theo lãi suất cho vay mới!”, NĐT hết thời ấy đau khổ nói.
Trường hợp của ông Trịnh cũng không ít lần "đau thương". Dù thắng trên TTCK nhưng ông cũng không giấu khi nói rằng suốt một thời gian dài phải đau đáu với khoản tiền thua lỗ trên thị trường BĐS.
Thậm chí, cho đến bây giờ, miếng đất 400m2 tại Thủ Đức ông đầu tư sau chục năm vẫn rơi vào ngõ cụt. Như vậy, sau gần chục năm kiện cáo, đất vẫn không có, tiền cũng không còn.
Từ 400 triệu đồng ban đầu, chỉ trong vài tháng, hiện tài khoản của bà Ngô Châu, NĐT trên sàn HNX, chỉ còn khoảng gần 200 triệu đồng. Bà Châu đến với chứng khoán từ việc nghe lời rủ rê của nhân viên của một CTCK nọ. Gần như toàn bộ số tiền mấy năm qua dành dụm được, bà Châu đem nộp vào tài khoản và mua bán chứng khoán.
Bà Châu chính là NĐT bị nạn trong vụ cổ phiếu DHT vừa qua. Thoạt đầu, bà chỉ trích 1/3 số tiền để mua cổ phiếu này, nhưng sau đó, thấy cổ phiếu tăng liên tục và có lời kha khá, bà dồn tổng tiền để mua với số lượng lớn.
Sẽ không có gì đáng nói nếu bà không cầm cố cổ phiếu để vay thêm tiền NH. Rồi cũng đến lúc giá chưa thể lên đến mức kỳ vọng thì cổ phiếu liên tục nhiều phiên rớt điểm.
Với hy vọng giá sẽ quay lại, cộng với quá xót tiền, nên bà Châu cứ chờ thời mà không cắt lỗ. Chỉ đến khi giá tiếp tục rơi mãi, lỗ hơn 1/2 số tiền đầu tư ban đầu bà mới cắt lỗ thì đã muộn.
Phần 2. Khôn ngoan với "ba trò chơi"
Trên thực tế, giới kinh doanh nói chung và các NĐT chứng khoán nói riêng không xa lạ gì về mối tương quan tỷ lệ thuận giữa mức độ rủi ro và lợi nhuận. Thế nhưng, từ những kinh nghiệm thực tế mà thấy rằng, không phải cứ liều lĩnh là được.
"Phong trào" thắng "chuẩn mực"
Trong bối cảnh kinh tế thế giới như hiện nay, các NĐT vẫn sẽ tập trung vào 3 kênh đầu tư lớn mà theo cách nói của Ths. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Việt Nam, là “ba trò chơi” gồm: hàng hóa cơ bản, tiền tệ, và chứng khoán.
Phân tích từng lĩnh vực, Ths. Thành nói rằng, với chính sách nới lỏng tiền tệ, nhiều người hy vọng dòng tiền sẽ chảy vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhưng với mức tăng trưởng thấp của nền kinh tế, các NĐT sẽ tập trung vào những hàng hóa cơ bản như sắt thép, lương thực, dầu mỏ... dẫn đến giá cả của các loại hàng hóa này tăng cao.
Tuy nhiên, không ít người phải thừa nhận là với mức tăng trưởng thấp như vậy, những mặt hàng hóa cơ bản, ngoài vàng, khó tăng trưởng mạnh nhưng sẽ có độ dao động rất lớn. Vì vậy, việc đầu tư những hàng hóa cơ bản là một “trò chơi” đầy tính may rủi.
Kênh đầu tư thứ hai, theo Ths. Nguyễn Xuân Thành, là tiền tệ, bởi hiện nay, các quốc gia đều cố giữ đồng nội tệ của mình ở mức yếu, hay còn gọi là “cùng chạy về đáy”.
Tuy nhiên, quá trình “chạy về đáy” không đồng đều do sự chênh lệch khác nhau về lãi suất và tỷ giá nên người ta lợi dụng tỷ giá giữa ba đồng tiền để chuyển từ đồng tiền này sang đồng tiền khác.
Cuối cùng, kênh đầu tư thứ ba được các NĐT lựa chọn là chứng khoán và BĐS. Xét về chứng khoán, có thể thấy TTCK Việt Nam và Trung Quốc đều đang giảm điểm so với đầu năm. Nguyên nhân giảm điểm của TTCK Việt Nam nằm ở vấn đề vĩ mô, còn tại Trung Quốc, đó là hệ quả của việc thắt chặt tiền tệ và đẩy dòng vốn ra bên ngoài.
Có lẽ những quan điểm trên khá vĩ mô đối với một số người, nhất là những NĐT cá nhân. Bởi họ chỉ suy nghĩ rằng, với số tiền ít ỏi của mình, làm sao có thế tìm kiếm lợi nhuận để phục vụ cho cuộc sống hằng ngày chứ không nghĩ đến chuyện khoản đầu tư sẽ giúp ích được gì cho nền kinh tế Việt Nam.
Chính vì thế, nhiều người đánh giá các NĐT cá nhân của chúng ta đang đầu tư theo phong trào và không có một chuẩn mực đầu tư nhất định.
Biết "luật chơi" - bài học không bao giờ cũ
Như vậy, câu hỏi muôn thuở vẫn là nên đầu tư vào đâu và đầu tư sao cho hiệu quả. Nhiều người nói rằng, nếu đủ lớn thì đầu tư vào BĐS. Khuyến cáo này xem ra có vẻ lạ lùng, bởi thị trường BĐS đã đóng băng cả năm nay và chưa có gì gọi là hứa hẹn.
Hơn nữa, hiện nay có rất nhiều DN, cá nhân kinh doanh địa ốc còn đang đứng trên bờ vực phá sản, thậm chí còn kéo theo NH thương mại nghiêng ngả theo.
Nhưng đây lại là khuyến cáo có cơ sở. Bởi vì, theo ông Lê Huỳnh Cương Nghị, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển căn hộ Nam Long, cho đến nay, khách hàng cá nhân vẫn là lực lượng chính yếu trên thị trường BĐS.
Khi khách hàng cá nhân bộc lộ các hạn chế như tính thanh khoản thấp, phụ thuộc nặng nề vào vốn vay NH thì thị trường dần đi vào bế tắc và ảm đạm.
Chính thời điểm này là thuận lợi cho tổ chức, khách hàng mua bán sỉ để cung cấp nhà ở như một dạng phúc lợi cho nhân viên, hay là cơ hội mua các quỹ nhà có vị trí đẹp, giá tốt.
Qua đó, thúc đẩy việc hình thành thị trường kinh doanh BĐS thứ cấp: cầm cố, cho thuê, bảo lãnh huy động vốn thế chấp bằng quỹ kinh doanh căn hộ và là thời điểm chín muồi cho các quỹ đầu tư, nhất là hình thức quỹ tín thác BĐS (REIT).
Ông Bùi Phi Hùng, chuyên gia kinh doanh đầu tư, kinh doanh BĐS, thương mại quốc tế, cũng chia sẻ rằng, khi người ta thắng lớn trong chứng khoán, tiền lãi sẽ được rút ra và số tiền đó duy nhất được đầu tư vào BĐS.
Cuối cùng của việc đầu tư kiếm lời cũng sẽ quay về việc mua một tài sản nào đó để đảm bảo, và nhà đất vẫn là lựa chọn số một của các NĐT. “Vậy theo kinh nghiệm của tôi, đầu tư vào nhà, đất thời điểm này không sợ giảm nữa vì thị trường BĐS đã gần chạm đáy.
Nếu kinh tế phục hồi, nó sẽ tăng trở lại, tỷ suất sinh lời sẽ vượt xa lãi suất NH, trong khi nhu cầu của lĩnh vực này thì luôn bền vững”, ông Hùng nói.
Biết thế nhưng nhiều NĐT lại than phiền rằng đầu tư BĐS là "kênh nhà giàu", nên với họ, đầu tư vào chứng khoán vẫn là kênh được nhiều người lựa chọn và có nhiều triển vọng. Hầu hết các chuyên gia đều nhận định trong bối cảnh hiện nay, NĐT nên thận trọng hơn trong các quyết định mua cổ phiếu.
Song, ông Phạm Linh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Quốc tế (VIS) nói rằng, cho đến nay, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn vì có khả năng sinh lời cao nhất. Nó càng hiệu quả nếu NĐT chỉ có vốn vài chục hay vài trăm triệu.
Đặc biệt là đầu tư vào giai đoạn này, mức sinh lời khá chắc chắn vì TTCK đã về vùng đáy.
Bằng chứng là hiện nay nhiều cổ phiếu của các công ty trên sàn hay OTC đều có giá rất hợp lý. Lợi thế nữa là kênh chứng khoán cho phép NĐT liên tục bổ sung vốn từ thu nhập của mình. Nếu so sánh việc một NĐT cá nhân mua đất hay mua chung cư, biệt thự dạng đầu cơ chờ tăng giá thì khó khẳng định về mức sinh lợi.
Khi nói về kênh đầu tư vàng và tiền tệ, ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cao cấp của Hội đồng Vàng Thế giới tại Việt Nam vẫn khẳng định, tiềm năng tăng giá của vàng là rất lớn và đầu tư vàng vẫn kiếm được lợi nhuận.
Nói như thế vì theo ông, việc NH trung ương các nước đang tăng cường mua vàng và các DN khai thác vàng mua lại các hợp đồng bán trước cũng tạo lực cầu mạnh mẽ đối với mặt hàng kim loại quý này. Do đó, nhiều khả năng, giá vàng còn bứt phá trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ông Khánh cũng khuyến cáo các NĐT cá nhân rằng, khi thị trường vàng trong nước chưa được khai thông, thì giá vàng giao dịch ở thị trường nội địa tiếp tục bị méo mó, nhiều thời điểm giảm chậm hơn giá vàng thế giới, nhưng khi có xu hướng tăng thì lại tăng nhanh hơn giá vàng thế giới.
Vì thế, khi bỏ vốn vào vàng, các NĐT cần xem xét kỹ, đồng thời thận trọng mua vào khi giá vàng tăng cao.
Chuyện đầu tư vào USD cũng rủi ro tương tự. Cần nhớ rằng, chênh lệch tỷ giá hiện còn rất lớn, tỷ giá VND/USD theo thị trường là 21.000, nhưng theo sức mua hiện tại thì 1 USD ở Việt Nam có sức mua tương đương với 4,3 USD tại Mỹ.
Vì vậy, tỷ giá VND/USD ở Việt Nam sẽ không thể tăng cao như kỳ vọng. Nếu có ít vốn, thì đầu tư, đầu cơ hay "lướt sóng" vào vàng và USD đều không mang lại lợi nhuận đáng kể và rất rủi ro.
Quỳnh Chi - Vũ Hoàng
DOANH NHÂN SÀI GÒN
|