Thứ Bảy, 01/01/2011 18:02

Chứng khoán 2010: Những mốc thăng trầm

(Vietstock) – Chứng khoán Việt Nam đã có một năm với nhiều biến động thăng trầm. Thị trường trải qua 4 giai đoạn với những đặc tính khác biệt rõ rệt, để lại nhiều kinh nghiệm thú vị.

Kết thúc năm 2010, VN-Index giảm 2.0% HNX-Index giảm 32.1% với cuối năm 2009. Tuy vậy, mức sụt giảm của nhiều cổ phiếu cao hơn rất nhiều.

TTCK Việt Nam sụt giảm so với thế giới và khu vực

Nửa đầu năm 2010, thị trường chứng khoán thế giới lao đao khi chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, chính sách thắt chặt tiền tệ của Trung Quốc và tình trạng trì trệ của kinh tế Mỹ.

Chứng khoán thế giới đã có những bước phục hồi từ đầu tháng 2/2010 khi các vấn đề kinh tế vĩ mô dần được giải quyết. Trong đó, thị trường chứng khoán châu Á phục hồi khá nhanh cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thậm chí, kinh tế Nhật Bản, Trung Quốc… gặp phải một số khó khăn nhưng thị trường chứng khoán vẫn đang phục hồi về gần mức trước khủng hoảng.

Trong khi kinh tế Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định thì chứng khoán Việt Nam có phần “lạc nhịp” so với thế giới và các nước trong khu vực. Thị trường chứng khoán thời gian qua đã phản ánh các khó khăn mang tính cơ cấu như lạm phát cao, thâm hụt thương mại, áp lực tỷ giá…

Kết thúc năm 2010, chỉ số VN-Index và HNX-Index giảm lần lượt 2.0% và 32.1% so với cuối năm 2009. Tuy nhiên, mức sụt giảm của nhiều cổ phiếu ở mức cao gấp nhiều lần so với hai chỉ số, từ 50 – 60%.

Mặc dù vậy, chứng khoán Việt Nam đang đứng trước cơ hội khá lớn do đang được định giá khá thấp. Theo tính toán của chúng tôi, P/E và P/B của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang ở mức 11 lần và 1.8 lần.

Một năm thăng trầm của chứng khoán Việt Nam

Giai đoạn từ đầu năm đến 22/01/2010: Từ mức đỉnh 543.46 điểm đạt được vào ngày 07/01, VN-Index lùi sâu về mức 477.59 điểm vào ngày 22/01.

Thị trường biến động do lo ngại về lạm phát khi chỉ số CPI tháng 1/2010 tăng ở mức cao 1.36% so với tháng 12/2009, khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn thận trọng trong chính sách tiền tệ. 

Tuy vậy, thanh khoản của thị trường vẫn duy trì ổn định. Triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2010 vẫn được nhận định khá lạc quan và nhà đầu tư có xu hướng tích lũy cổ phiếu.

Giai đoạn từ 23/01 đến 06/05/2010: Thị trường phục hồi lên 549.51 điểm vào ngày 06/05/2010, mức cao nhất trong năm 2010. Trong hơn 3 tháng, chỉ số VN-Index cũng chỉ tăng được 15.1% so với mức đáy thiết lập vào ngày 22/01/2010.

Con đường phục hồi của thị trường khá khó khăn khi chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt. Điểm hỗ trợ thị trường trong giai đoạn này là kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp niêm yết.

Ngoài ra, giai đoạn tăng điểm này mang nhiều dấu ấn của việc sử dụng đòn bẩy tài chính. Nhóm cổ phiếu pennystocks trở thành yếu tố quyết định xu hướng của thị trường trong giai đoạn này.

Giai đoạn sụt giảm từ 07/05 đến 25/08/2010: Sau giai đoạn tăng nóng, VN-Index điều chỉnh 22.9% xuống 423.89 điểm, mức thấp nhất trong năm 2010. Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, áp lực từ Thông tư 13 của NHNN là những nguyên nhân chính khiến thị trường điều chỉnh.

Việc sử dụng đòn bẩy tài chính cũng khiến cho thị trường nhanh chóng sụt giảm trước áp lực bán giải chấp. Bên cạnh đó, hoạt động đầu cơ của “đội lái” lên mức cao khiến tâm lý nhà đầu tư sau một giai đoạn hào hứng đã tỏ ra e dè và đẩy thị trường ngày càng giảm sâu. Thanh khoản thị trường trong giai đoạn này sụt giảm mạnh.

Ngoài ra, lo ngại về áp lực thoái vốn ở một số quỹ đầu tư nước ngoài đã khiến cho tâm lý nhà đầu tư càng trở nên bi quan.

Giai đoạn đi ngang và bắt đầu xu hướng phục hồi cuối năm: Chứng khoán thế giới vẫn tiếp tục phục hồi trong giai đoạn này. Trong khi đó, tâm lý nhà đầu tư trong nước khá thận trọng trước sự kiện Vinashin và chính sách tiền tệ. Thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp cho thấy dòng tiền mạnh không tham gia tích cực. Pennystocks tiếp tục là lựa chọn chủ yếu của nhiều nhà đầu tư khiến cho thị trường chỉ dao động trong biên độ hẹp.

Dấu ấn của nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn này khá đậm nét. Họ liên tục mua ròng từ đầu năm nhưng đây là khoảng thời gian mua ròng mạnh và liên tục. Đây là lực đỡ chính cho thị trường khi nhà đầu tư nước ngoài tập trung mua vào các mã chủ chốt như BVH, MSN,…

Xu thế đi ngang của thị trường chấm dứt vào cuối tháng 11 với dòng tiền, bao gồm cả việc sử dụng đòn bẩy tài chính, bắt đầu quay trở lại và đã giúp thị trường phục hồi khá mạnh.

Điểm đáng lưu ý là sóng phục hồi này bắt nguồn từ các cổ phiếu bluechips và ngân hàng, chứng khoán được xem như là dấu hiệu khởi đầu cho một “chu kỳ tăng điểm dài hạn”.

Tuy vậy, các yếu tố kinh tế vĩ mô như lạm phát và lãi suất tăng cao, tỷ giá căng thẳng,… vẫn còn tồn tại và tiếp tục đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư trong năm 2011.

Như vậy, trong năm 2010 biến động của thị trường bám khá sát động thái điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và triển vọng kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, các yếu tố khác đặc biệt là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không có nhiều tác động lên diễn biến thị trường.

Yếu tố tác động đến TTCK trong năm 2010

Xét ở khía cạnh doanh nghiệp, kết quả kinh doanh không tác nhiều đến biến động của thị trường. Mặc dù doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn như lãi suất ở mức cao, tỷ giá thiếu ổn định… nhưng năm 2010 không phải quá khó khăn đối với các doanh nghiệp niêm yết.

Chịu ảnh hưởng nhiều nhất là các doanh nghiệp ngành bất động sản và ngân hàng, động lực chính để thúc đẩy thị trường tăng trưởng. Trong khi đó, các doanh nghiệp thuộc ngành cao su thiên nhiên, đường… có kết quả kinh doanh khá tốt nhưng vẫn không thu hút được dòng tiền từ giới đầu tư.

Có thể thấy việc thắt chặt chính sách tiền tệ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Do đó, trong năm 2010 đã có một làn sóng doanh nghiệp niêm yết tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu tăng vốn. Đây cũng là một trong những lý do khiến nguồn cung cổ phiếu gia tăng và tạo áp lực lên đà phục hồi của thị trường.

Về yếu tố dòng tiền, kênh hỗ trợ là hệ thống ngân hàng gặp nhiều khó khăn trước áp lực tăng vốn và các yêu cầu tại Thông tư 13. Mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài và tăng mạnh vào những tháng cuối năm khiến cho dòng vốn đòn bẩy bị hạn chế. Trong đợt phục hồi vào cuối năm 2010 đã có sự xuất hiện của đòn bẩy tài chính nhưng chỉ ở mức khiêm tốn.

Năm 2010 chứng kiến hoạt động sôi nổi của nhiều “đội lái” với các tin đồn được đưa ra theo đúng kịch bản. Hoạt động này khiến cho dòng tiền đổ vào thị trường gia tăng đột biến và biến động mạnh qua từng giai đoan. Mục tiêu của các “đội lái” vẫn là các cổ phiếu có vốn hóa nhỏ, pennystocks, lượng cổ phiếu lưu hành thấp…

Đáng chú ý trong năm 2010, thị trường nhận được sự hỗ trợ mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài hầu như giữ trạng thái mua ròng các cổ phiếu niêm yết chủ chốt. Đặc biệt các mã bluechips như HAG, BVH, MSN,… được khối ngoại tập trung mua ròng là lực đỡ quan trọng cho thị trường.

Tổng giá trị mua ròng trên cả HoSE và HNX tính tới 29/12/2010 đạt hơn 16,039 tỷ đồng. Trong đó bao gồm giá trị mua ròng tại HoSE là 15,251 tỷ và tại HNX là 788 tỷ đồng.

Mặc dù khối ngoại mua ròng mạnh thể hiện dòng vốn gián tiếp tiếp tục chảy vào Việt Nam, nhưng so với các nước trong khu vực thì Việt Nam vẫn chưa tận dụng được nguồn vốn này.

Hoàng Uyên

Các tin tức khác

>   UPCoM-Index vượt mốc 45 điểm (31/12/2010)

>   Mở cửa: Sắc xanh quay lại thị trường (31/12/2010)

>   Năm 2011 - Chu kỳ tăng trưởng của thị trường chứng khoán? (31/12/2010)

>   Thị trường ngày 31/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (30/12/2010)

>   VN-Index 2010: Cái bẫy chỉ số và bí ẩn "dòng tiền lạ" (30/12/2010)

>   UPCoM-Index tăng sát ngưỡng 45 điểm (30/12/2010)

>   GHA tăng trần là do thông tin tốt (30/12/2010)

>   Năm 2010, khối ngoại mua ròng hơn 16,000 tỷ đồng (30/12/2010)

>   'Dòng tiền' sẽ diễn biến thế nào trong năm 2011? (30/12/2010)

>   Vốn ngoại không đi đường tắt (30/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật