VN-Index 2010: Cái bẫy chỉ số và bí ẩn "dòng tiền lạ"
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2010 đã ghi dấu quá nhiều những thay đổi trái với các "quy luật" tạm được xác định thời gian dài trước đó.
Và cho dù vốn vẫn biết thị trường chứng khoán luôn tạo ra những bài học mới, song với VN-Index 2010 thì giới đầu tư đã phải trả mức học phí quá lớn.
Cái "bẫy" của chỉ số
Suốt bảy tháng đầu năm 2010, VN-Index giằng co quanh khu vực 500 điểm với biên độ dao động hẹp, phiên giao dịch 6/5 chỉ số này xác lập đỉnh của năm tại mốc 549 điểm. Sau đó, thị trường chuyển sang giai đoạn suy giảm kéo dài, nhưng mốc đáy VN-Index của cũng chỉ dừng lại ở con số 423 điểm tại phiên 25/8, biến động từ đỉnh so với đáy tương ứng 23%.
Con tàu VN-Index đã có một thời gian lao dốc không phanh. Hàng loạt mã cổ phiếu lớn, nhỏ trên thị trường đều giảm giá mạnh từ 30%, 40% đến 50%, 60% (so mức giá giao dịch cao nhất với mức thấp nhất trong năm).
Điển hình như nhóm cổ phiếu blue-chip: các mã SSI giảm trên 50% (rơi từ mức giá 46.800 đồng xuống 21.800 đồng/cổ phiếu), GMD giảm trên 60% (rơi từ mức giá 66.900 đồng xuống 27.000 đồng/cổ phiếu), STB mức giảm thấp hơn song cũng trên 35% (rơi từ mức giá 21.500 đồng xuống 13.900 đồng/cổ phiếu).
Tương tự nhóm cổ phiếu nóng như các mã KSS, KSH… mức sụt giảm cũng ở mức trên 50%, 60%. Ngoài ra cũng có rất nhiều mã cổ phiếu đã chấp nhận rơi về dưới mệnh giá, như VIP, VTO, CSG, KHP, TCR...
Nhưng quan trọng hơn cả là thị trường không còn điểm tựa cho các nhà đầu tư khi chỉ số VN-Index không còn mang tính chỉ dẫn hay là cái neo để các nhà đầu tư xác lập cho mình hướng đầu tư.
Chỉ số VN-Index vẫn được xem như là một trong những nhân tố chính để xác định xu hướng của thị trường chứng khoán Việt Nam cho các chuyên gia phân tích, chuyên gia môi giới, các nhà đầu tư kể cả nhóm đầu tư VIP, các nhà đầu tư tổ chức hay các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Tất cả đều có thói quen tham khảo các ngưỡng cản, ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật cũng như xu thế của VN-Index trước khi đưa ra các chiến lược đầu tư.
Nhưng sự không đồng điệu giữa chỉ số VN-Index với xu thế biến động của các mã chứng khoán trong năm 2010 đã là một trong những nguyên nhân khiến hầu hết các thành phần đầu tư trên thị trường bị rơi vào tình trạng như ngồi trên đống lửa.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia tư vấn, ông Ngô Quang Trung, Trưởng phòng môi giới, Công ty Chứng khoán Hòa Bình cho rằng nguyên nhân thất bát của các nhà đầu tư là do mưu cầu của họ liên tục thay đổi nhằm bám theo những biến động kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và quốc tế, mà đi đầu là các nhóm cá mập. Nhóm này không chỉ tìm kiếm lợi nhuận từ các hoạt động đầu tư đơn thuần hay đánh lên, đánh xuống các nhóm cổ phiếu nóng, mà thậm chí tham vọng còn mở rộng sang cả hoạt động mong muốn kiểm soát VN-Index. Chính vì vậy, họ là rơi vào "bẫy" của chỉ số.
Bao quát kết quả đầu tư từ đầu năm tới hết trung tuần tháng 11/ 2010, có thể nói là một giai đoạn thất bát của thị trường chứng khoán. Các nhà đầu tư càng bám sàn càng lỗ, càng bắt đáy càng mất, người đầu tư ít mất ít, người đầu tư nhiều mất nhiều. Đặc biệt, nhiều tay “tổ lái” cũng như các nhà đầu tư sử dụng đòn bảy với tỷ lệ cao đã bị rơi vào tình trạng cháy tài khoản, trắng tay.
Giải mã bí ẩn của "dòng tiền lạ"
Cũng là câu chuyện VN-Index, về thời điểm cuối tháng 8/2010 thị trường xuất hiện lực nâng đỡ VN-Index tại nhóm cổ phiếu blue-chip, đại diện là các mã BVH, VIC, MSN… Bỏ qua xu thế lao dốc chung của hầu hết các mã cổ phiếu trên sàn, nhóm cổ phiếu này đã có sức tăng khá bền bỉ.
Mã cổ phiếu BVH đi từ mức đáy 39.000 đồng/cổ phiếu lên tới đỉnh 73.000 đồng/cổ phiếu, tương tự VIC tăng từ 55.000 đồng/cổ phiếu lên tới đỉnh 110.000 đồng/cổ phiếu, mã MSN cũng tăng đều từ 45.000 đồng/cổ phiếu lên tới đỉnh 69.000 đồng/cổ phiếu.
Dưới sự tác động không nhỏ của nhóm cổ phiếu này, VN-Index đã duy trì được đà đi ngang suốt hai tháng Chín và Mười đồng thời tạo ra hậu thuẫn đẩy sức bật cho thị trường tại tháng Mười hai. Nhờ đó, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô không có nhiều thuận lợi, tỷ giá ngoại tệ, giá vàng đứng ở mức cao, lãi suất tăng mạnh và lượng tiền từ ngân hàng vào chứng khoán là rất hạn chế... VN-Index đã không gục ngã.
Chưa hết, đến tháng cuối cùng của năm, một khối lượng tiền lớn “lạ” bất ngờ đổ về thị trường đã vực dậy VN-Index. Chỉ trong vòng 20 phiên, VN-Index tăng từ mốc 426 điểm lên 493 điểm (tăng tương ứng 15%), thị trường biến thành một “chảo lửa” về giao dịch.
Cá biệt, trong một phiên 14/12, khối lượng giao dịch trên sàn Thành phố Hồ Chí Minh lên tới 134,9 triệu đơn vị (tương ứng 3.279 tỷ đồng), sàn Hà Nội cũng khớp gần 110,9 triệu cổ phiếu (tương ứng 2.262,9 tỷ đồng).
Dòng tiền bí ẩn này đã khiến thị trường tạo ra cơ hội tuyệt vời cho không ít nhà đầu tư cả cá nhân và các tổ chức tìm lại được những mất mát từ hoạt động đầu tư trước đó.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới và vĩ mô chưa có những điểm sáng đột phá, thì đà tăng tốc quá nhanh của VN-Index cùng với sự bí ẩn của dòng tiền “lạ,” vẫn là nỗi ám ảnh thường trực cho những nhà đầu tư mạo hiểm. Các chuyên gia, các nhà phân tích và cả giới đầu tư một mặt vẫn tranh thủ bám "chảo lửa" để vớt vát lại chỗ lỗ thì đang tìm mọi cách loay hoay giải mã nguồn gốc của dòng tiền lạ này.
Còn một ngày nữa, năm 2010 sẽ khép lại, nhưng câu trả lời vẫn chưa có và xem ra mức học phí của VN-Index cũng còn thêm một ngày tiếp tục được tính toán./.
Hạnh Nguyễn
VIETNAM+
|