Chọn sóng chứng khoán năm 2011
Ngoài sự phân hóa giữa cổ phiếu của các doanh nghiệp, thị trường chứng khoán còn có sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Dự báo, hiện tượng này tiếp tục được thể hiện qua những đợt sóng ngành sẽ xảy ra trong năm 2011.
Cao su thiên nhiên có thể tạo ‘sóng’ lớn
Giá cao su thiên nhiên tiếp tục đứng ở mức cao giúp kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2010. Dù sản lượng xuất khẩu những tháng cuối năm chỉ tăng chưa đầy 10% nhưng do giá xuất khẩu tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước nên kim ngạch xuất khẩu tăng tới 95,6%.
Theo Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về cao su, thị trường cao su thế giới sẽ phải đối mặt với áp lực nguồn cung giảm mạnh trong hai năm tới (2011 và 2012) và giá cả tăng do sản lượng suy giảm, trong khi nhiều đồn điền cao su đang trong giai đoạn trồng mới. Đây là yếu tố thuận lợi có thể giúp ngành cao su thiên nhiên Việt Nam tiếp tục đạt được kết quả ấn tượng trong năm 2011.
Từ những yếu tố này, có thể khẳng định, cổ phiếu của các doanh nghiệp cao su tự nhiên sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của nhà đầu tư với nhiều đợt “sóng” lớn trong năm.
Thủy sản gặp khó
Hiện nay, mặc dù xuất khẩu cá tra, basa vẫn tăng trưởng nhưng đã gặp phải khá nhiều trở ngại. Với mặt hàng tôm thì Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu tôm chính, nhưng xuất khẩu tôm của Việt Nam đang phải đối mặt với việc kiểm tra lượng trifluralin quá mức cho phép tại thị trường này. Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tiếp tục áp thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam trong 5 năm tới.
Ngoài yếu tố khách quan này thì tình trạng thiếu nguyên vật liệu vẫn tiếp tục tái diễn và tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản. Nhiều nhà máy chế biến chỉ đang hoạt động khoảng 50 - 60% công suất, đặc biệt là các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu.
Tương tự ngành cao su, ngành thủy sản cũng được hưởng lợi từ sự chênh lệch tỷ giá VND/USD. Tuy nhiên, yếu tố thuận lợi này chưa thể cân bằng được những khó khăn mà các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang đối mặt. Đây là lý do khiến cổ phiếu của ngành thủy sản khó bứt phá trong năm 2011.
Thép chuyển biến tích cực
Giá thép trong năm 2010 biến động mạnh và có khuynh hướng bị đầu cơ liên tục. Điều đáng chú ý nữa là khi ngành thép rơi vào mùa cao điểm (đầu tháng 10) thì giá thép lại sụt giảm nhẹ và lượng cầu khá yếu. Như vậy, ngành thép đang biến động thất thường và đảo ngược xu thế hằng năm. Chính tình trạng bất thường này cộng với sự biến động về tỷ giá (nhập khẩu phôi thép) đã khiến cho lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm 2010 không tăng trưởng đột biến.
Tuy nhiên, trong năm 2011, tình hình tiêu thụ thép sẽ tăng trưởng khả quan và ổn định hơn so với năm 2010. Kinh tế trong nước sẽ phục hồi sau khủng hoảng, các công trình trong điểm cơ sở hạ tầng sẽ được đẩy mạnh tiến độ trở lại nhằm đón đầu nguồn vốn đầu tư mới. Chính vì lẽ đó, cổ phiếu của doanh nghiệp ngành thép sẽ có chuyển biến tích cực hơn so với năm 2010.
Mía đường vẫn "ngọt”
Tình trạng thiếu mía nguyên liệu ngày càng gay gắt do thời tiết không thuận lợi, hầu hết các vùng trồng mía đều giảm năng suất và sản lượng. Dự báo, năm 2011, Việt Nam sẽ nhập khẩu 300,000 tấn đường. Hiện tại, các nhà máy đường đang vào vụ ép mía, nhưng giá đường vẫn ở mức cao. Giá đường trong nước tiếp tục đứng ở mức cao chủ yếu do giá đường thế giới tăng và có hiện tượng các nhà máy canh theo giá thế giới, trong đó có đường nhập lậu.
Năm 2011, các doanh nghiệp mía đường vẫn có lợi nhuận tích cực nhờ giá đường đang ở mức cao và ở mùa vụ cao điểm sử dụng trong các dịp Tết. Những doanh nghiệp có hàng tồn kho thành phẩm lớn, vùng nguyên liệu ổn định, có các chỉ số tài chính cơ bản tốt sẽ có nhiều lợi thế hơn trong giai đoạn cung không đủ cầu, giá đường biến động lớn, định giá chứng khoán đang rẻ như hiện nay. “Sóng” ngành mía đường được dự báo sẽ rõ rệt nhất trong mùa Trung thu và cuối năm sau.
Bất động sản khó “nóng”
Sự biến động giá vàng và USD trong thời gian qua đã kìm hãm đà phát triển của thị trường bất động sản. Giá vàng tăng mạnh, kết hợp với việc giảm giá đồng nội tệ đã đẩy giá bán bất động sản tính theo giá vàng và USD tăng cao. Đây là lực cản lớn cho thị trường bất động sản trong năm 2010 và dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong thời gian tới. Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường bất động sản khó có khả năng phục hồi trong ngắn hạn, khi các yếu tố về chính sách không ủng hộ. Sóng ngành bất động sản vì thế cũng ít hơn.
Khoáng sản chưa thể lạc quan
Sản phẩm chủ yếu của ngành khoáng sản Việt Nam là dầu thô, kẽm, chì, titan, antimony, mangan… Các sản phẩm này được bán và xuất khẩu dưới dạng thô trong khi khâu tinh chế hầu như bị bỏ ngỏ do năng lực và thiết bị của các công ty trong nước còn nhiều hạn chế. Hoạt động khai thác phần lớn dựa vào phương pháp thủ công nên đa số không thể khai thác tối đa nguồn tài nguyên. Tổn thất trong chế biến khoáng sản hiện cũng rất cao, khiến hiệu quả trong ngành khai khoáng Việt Nam vẫn đang ở mức thấp.
Thế nhưng, khi đánh giá về triển vọng của cổ phiếu ngành khoáng sản, phần lớn các chuyên gia phân tích đều cho rằng đây là ngành có nhiều triển vọng nhờ tỷ suất lợi nhuận cao. Sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, một trong những nước có nhu cầu khoáng sản lớn nhất hiện nay, là yếu tố thúc đẩy ngành khoáng sản trong nước tăng tốc. Do không theo mùa vụ nên sóng ngành khoáng sản thường không diễn ra vào một thời điểm nhất định.
Nhựa sẽ tăng vào dịp cuối năm
Ngành nhựa Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh với tốc độ trung bình 15 - 20% một năm. Tuy vậy, ngành nhựa phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên biến động giá nguyên liệu thế giới lập tức gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp ngành nhựa. Hầu hết các các loại nguyên liệu nhựa được sản xuất từ dầu mỏ và khí đốt nên giá chịu tác động trực tiếp từ giá các mặt hàng này.
Trong những tháng gần đây, giá mặt hàng nguyên liệu nhựa đã giảm nhiệt do giá dầu trên thị trường thế giới sụt giảm. Tuy vậy, giá các loại mặt hàng này vẫn ở mức cao, đã tăng 20 - 30% so với đầu năm 2010. Những tháng cuối năm việc sử dụng thực phẩm, nhu cầu mua sắm tăng cao nên các doanh nghiệp bao bì và nhựa gia dụng có thể tăng lượng bán hàng và thúc đẩy doanh thu. Đây là thời điểm có sóng của ngành nhựa.
Vận tải biển thoát hiểm
Trong quý II và III năm 2010, giá cước vận tải quốc tế đã sụt giảm so với quý 1/2010 trước lo ngại khủng hoảng nợ công châu Âu và Trung Quốc kiềm chế đà tăng trưởng nóng. Giá cước của các hãng tàu trong nước tăng 10 - 20% nhưng vẫn chỉ đang xấp xỉ ở mức hòa vốn. Các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải chịu gánh nặng tỷ giá và lãi suất kéo dài nên phần lớn các doanh nghiệp đều hoạt động thua lỗ trong năm 2010.
Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, ngành vận tải biển nhiều khả năng hồi phục trong năm 2011. Các doanh nghiệp vận tải quy mô lớn trong ngành sẽ có cơ hội phục hồi nhanh hơn trong khi các doanh nghiệp nhỏ sẽ phải đợi đến cuối 2011. Sóng ngành vận tải biển sẽ diễn ra vào khoảng quý III.
Đất Việt
|