Thứ Sáu, 24/12/2010 14:48

Trung hoà giữa tăng trưởng và ổn định vĩ mô

Có nhiều ý kiến khác nhau về việc lựa chọn giữa hai mục tiêu phát triển: tăng trưởng kinh tế cao và ổn định kinh tế vĩ mô, thậm chí phải hy sinh mục tiêu nọ cho mục tiêu kia, nhưng có lẽ cần tìm điểm trung hoà cho hai mục tiêu này.

Tăng trưởng kinh tế cao?

Những ý kiến cho rằng, Việt Nam phải tăng trưởng cao, với các lý do sau.

Thứ nhất là do tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có xu hướng cao lên và tiến tới phục hồi. Vì hiệu ứng phụ của kiềm chế lạm phát cao ở trong nước và sự bùng phát của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, nên tăng trưởng kinh tế Việt Nam bị sụt giảm và rơi xuống đáy vào năm 2009. Năm 2010, tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,7%, tuy chưa bằng tốc độ tăng của thời kỳ 2000-2007 (tăng 7,63%/năm, trong đó thấp nhất là năm 2000 cũng đạt 6,8%), nhưng đã cao hơn của năm 2008, 2009 và đang trên đường tiến tới phục hồi. Mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong năm 2011 cũng như các năm sau được xác định trên cơ sở của xu hướng này.

Thứ hai là do điểm xuất phát của Vịêt Nam còn thấp. Mặc dù GDP bình quân đầu người năm 2010 ước đạt khoảng 1.160 USD, đưa Việt Nam ra khỏi nhóm nước thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình của khu vực, của châu Á và trên thế giới. Năm 2008, GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái của Việt Nam đạt 1.052 USD, bằng khoảng 42,8% và đứng thứ 7/11 nước ở Đông Nam Á; bằng khoảng 26% và đứng thứ 34/49 nước và vùng lãnh thổ ở châu Á; bằng khoảng 11,7% và đứng thứ 138/182 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Với điểm xuất phát thấp như trên, dù tốc độ tăng của Việt Nam có cao hơn, thì mức chênh lệch về tuyệt đối của Việt Nam vẫn còn lớn, Việt Nam vẫn đứng trước nguy cơ tụt hậu xa hơn. Vì vậy, Việt Nam phải tăng trưởng với tốc độ cao hơn so với các năm trước và so với các nước để tránh nguy cơ tụt hậu xa hơn.

Thứ ba, tăng trưởng kinh tế cao là tiền đề vật chất để thực hiện các mục tiêu phát triển xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường. Theo công bố mới nhất của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2008 đứng thứ 113, trong khi chỉ số về tri thức đứng thứ 120-121. Giáo dục - đào tạo đang là điểm nghẽn và được coi là điểm đột phá chiến lược trong thập kỷ tới.

Ổn định kinh tế vĩ mô

Hiện trạng của các quan hệ cân đối kinh tế vĩ mô và vai trò của nó chính là cơ sở của loại ý kiến cho rằng, phải ưu tiên cho ổn định kinh tế vĩ mô, không chạy theo tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Năm 2010, CPI của Việt Nam tăng cao gấp rưỡi tốc độ tăng 6,52% của năm trước, vượt xa mục tiêu ban đầu (dưới 7%). Bên cạnh đó, bội chi ngân sách, nếu năm 2000, 2005 còn ở mức 4,1%, năm 2006 ở mức 3,4%, thì năm 2007 lên đến 7,3%, năm 2008 giảm xuống còn 5,2%, nhưng năm 2009 lại tăng lên 6,9%. Mặc dù năm 2010, bội chi ngân sách đã được kéo xuống còn dưới 6%, nhưng nếu tính cả huy động trái phiếu, thì tỷ lệ vẫn còn ở mức 7%. Đó là mức rất cao, không những là một trong những nguyên nhân của lạm phát cao, mà còn làm gia tăng nợ nần.

Mặc dù mức nhập siêu năm 2010, so với năm trước và so với kế hoạch năm, đã giảm và thấp hơn cả về kim ngạch tuyệt đối cũng như tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu, nhưng nhập siêu liên tục, kéo dài và hiện ở mức khá cao (năm 2007 là 14,2 tỷ USD, năm 2008 là 18,0 tỷ USD, năm 2009 gần 12,9 tỷ USD, năm 2010 khoảng 12 tỷ USD). Điều này đã tác động tiêu cực tới cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối và tạo sức ép lên tỷ giá. Giá USD trên thế giới giảm, nhưng ở trong nước vẫn tăng (năm 2008 tăng 6,31%, năm 2009 tăng 10,7%, 11 tháng năm 2010 tăng 6,63%), làm khuyếch đại lạm phát ở trong nước…

Như vậy, kinh tế vĩ mô chưa ổn định và đã tác động xấu đến sự phát triển bền vững và theo chiều sâu.

Tìm điểm trung hoà

Để tăng trưởng cao, trong nhiều giải pháp, phải tăng đầu tư, nhưng sẽ làm gia tăng lạm phát, tăng bội chi ngân sách, tăng nhập siêu - tức là làm cho kinh tế vĩ mô không ổn định. Để ổn định kinh tế vĩ mô, thông thường phải thắt chặt chính sách tiền tệ, giảm đầu tư công, tăng tỷ giá VND/USD…, nhưng sẽ có hiệu ứng phụ là làm suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Diễn biến của hai nhóm chỉ tiêu này trong mấy năm qua đã minh chứng cho mối quan hệ đó - ngoài lý do khách quan là tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới.

Tăng trưởng cao là rất cần thiết, là một đỉnh quan trọng trong tứ giác mục tiêu, nhưng lạm phát thấp, cán cân thanh toán có số dư cũng là 2 đỉnh quan trọng của tứ giác mục tiêu này. Đã đến lúc, nếu không ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng, thì việc tăng trưởng theo tốc độ cũ cũng khó đạt được. Kinh nghiệm của Việt Nam và của nhiều nước trên thế giới cho thấy, việc đạt mục tiêu lâu dài, mục tiêu cuối cùng không chỉ phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng cao hiện nay, mà ở sự bền vững, sự liên tục của tốc độ tăng trưởng dù có thấp hơn một chút trong tương lai.

Điểm trung hoà trong việc lựa chọn trong hai nhóm mục tiêu (tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô) chính là tăng trưởng hợp lý (vào lúc này là cao hơn năm trước, tiến tới cao hơn tốc độ tăng bình quân 5 năm trước), đồng thời bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng sau đây.

Một là tốc độ tăng CPI phải thấp hơn tốc độ tăng GDP, bởi người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, thu nhập ổn định, quan tâm đến lạm phát hơn là tăng trưởng, bởi lạm phát thấp mới làm cho thu nhập thực tế cao lên. Chính vì vậy, mục tiêu năm 2011 đã đưa ra tốc độ tăng CPI thấp hơn tốc độ tăng GDP (dưới 7% so với 7-7,5%).

Hai là nhập siêu phải giảm dần từ hơn 20% xuống dưới 20%, rồi xuống dưới 10% và sau năm 2015 phải tiến tới cân bằng xuất/nhập khẩu. Trên thế giới, hầu hết các nước đang phát triển đều xuất siêu, còn phần nhiều các nước phát triển đều nhập siêu. Các nước đang phát triển liên tục xuất siêu do nhu cầu ngoại tệ để nhập thiết bị công nghệ, do có nguồn tài nguyên, do tăng trưởng kinh tế cần tiêu thụ, do lợi thế có nguồn lao động, giá nhân công rẻ, do nhu cầu tiêu dùng chưa cao…

Trong nhiều lý do nhập siêu của các nước công nghiệp liên tục nhập siêu, ngày càng lộ rõ một số lý do đáng chú ý, như: tăng cường đầu tư trực tiếp, chuyển việc sản xuất sản phẩm vật chất đến các nước đang phát triển để tận dụng giá nhân công rẻ, tận dụng “cánh kéo tỷ giá” (sức mua 1 đồng ngoại tệ ở những nước đang phát triển cao hơn ở những nước này), không trực tiếp bị ô nhiễm của sản xuất, tranh thủ thị trường có sức tiêu thụ thấp sang thu nhập cao…

Ba là tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP phải được giảm xuống để góp phần kiềm chế lạm phát, kiềm chế sự gia tăng của nợ công, để khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu. Mục tiêu giảm bội chi ngân sách so với GDP xuống còn 4-5% trong thời kỳ 2011-2015 để giảm tỷ lệ huy động vào ngân sách so với GDP từ mức rất cao (trên dưới 28% trong những năm qua) xuống còn 22-23% trong thời kỳ 2011-2015).

Minh Nhung

đầu tư

Các tin tức khác

>   CPI cả nước tháng 12 tăng 1.98%, năm 2010 tăng 11.75% (24/12/2010)

>   CPI 2010 vượt 1 con số và xu hướng 2011? (24/12/2010)

>   Việt Nam phát đạt khi Trung Quốc phát triển (24/12/2010)

>   Giải ngân FDI năm 2010 đạt 11 tỷ USD (23/12/2010)

>   Vài suy nghĩ về bốn năm Việt Nam gia nhập WTO (23/12/2010)

>   Để phát triển bền vững không là mục tiêu trên giấy (23/12/2010)

>   Thu hút FDI : Nước chảy chỗ trũng (23/12/2010)

>   Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Năm 2011, chi phí sản xuất tăng (23/12/2010)

>   Có gì mới từ 1-1-2011? (22/12/2010)

>   Vốn FDI đổ vào ngành chế biến (22/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật