Thứ Sáu, 24/12/2010 08:32

Việt Nam phát đạt khi Trung Quốc phát triển

Việt Nam đang được hưởng lợi từ sự đi lên nhanh chóng của nền kinh tế khổng lồ láng giềng Trung Quốc.

Bài báo mới nhất trên tờ The New York Times số ra ngày 21/12 đã bình luận về sự phát triển mạnh của Trung Quốc và ảnh hưởng tới Việt Nam. Bài báo cho rằng Việt Nam đã tận dụng được một số lợi thế quan trọng khi ở cạnh Trung Quốc. VEF trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết trên.

Chưa đầy một thập niên trước, nhiều nhà kinh tế và giám đốc điều hành tin rằng sức hấp dẫn của Trung Quốc sẽ tạo ra những ảnh hưởng hết sức tiêu cực tới đầu tư tại những nơi rất xa như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, Việt Nam thay vào đó vẫn đang bám sát, nhờ vào chính chương trình cải tổ kinh tế, dân số đông (hiện là 87 triệu người), lao động rẻ và một hiệp định thương mại tự do tạo thuận lợi để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung toàn cầu khổng lồ của cỗ máy chế tạo Trung Quốc.

Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai, Việt Nam và Trung Quốc đều đi theo con đường chủ nghĩa xã hội, với tư tưởng quản lý tập trung, quan liêu bao cấp. Từ khi cải cách, Việt Nam lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phần nào để tránh bị chiếc "xe tải" kinh tế hạng nặng Trung Quốc đè bẹp.

Jonathan Anderson, nhà kinh tế học tại Ngân hàng UBS Hồng Kông, phát biểu: "Nếu Trung Quốc không có ở đó, Việt Nam có thể đã không mở cửa". Việt Nam chính thức tái mở cửa đối với nhà đầu tư nước ngoài từ năm 1986. Nhưng Việt Nam đã không thực sự đóng góp được gì nhiều vào cuộc bùng nổ kinh tế ở châu Á cho tới khi đặt lại được nền móng quan hệ với Mỹ, nước đã dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế năm 1994 và bình thường hóa thương mại với Việt Nam năm 2000.

Hiệp định thương mại với Mỹ trên tạo ra những khuyến khích đặc biệt đối với các nhà sản xuất hàng dệt may, bởi thỏa thuận này ngay lập tức cắt giảm thuế nhập khẩu của một số sản phẩm may mặc Việt Nam như đồ lót từ mức gần 60% xuống bằng không. Các hãng sản xuất hàng dệt may từ Hàn Quốc và Đài Loan đổ xô tới mở xưởng mới tại Việt Nam.

Ngành công nghiệp chế tạo nhẹ, như sản xuất đồ gia dụng và lắp ráp xe máy, và một lĩnh vực nữa cho đến nay vẫn do Trung Quốc độc chiếm - nội thất, sau đó cũng nhanh chóng theo chân. "Gần như toàn bộ ngành đó đang từ từ chuyển sang Việt Nam", Frederick Burke, luật sư đang làm việc cho công ty luật Baker & McKenzie thành phố Hồ Chí Minh, người đã công tác tại đây và làm cố vấn cho chính phủ Việt nam trong hơn 10 năm qua, nói.

Khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới năm 2002, nhiều người lo ngại cái thời Việt Nam, và thực tế là phần lớn Đông Nam Á, là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư chế tạo nước ngoài đã hết. Một số chuyên gia kinh tế còn cảnh bảo khu vực sẽ phải từ bỏ kế hoạch phát triển chế tạo định hướng xuất khẩu và thay vào đó tập trung phục vụ nhu cầu không đáy về nguyên liệu thô của Trung Quốc.

Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam và chín thành viên khác của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á từ năm 2002, điều này càng củng cố thêm những quan ngại như vậy. Trong khi thỏa thuận yêu cầu các quốc gia nghèo hơn như Việt Nam tới năm 2015 mới phải mở cửa đối với hàng hóa Trung Quốc, Trung Quốc đã dỡ bỏ thuế quan đối với sản phẩm nông nghiệp của các nước này từ năm 2003.

Thỏa thuận đem lại lợi ích không nhỏ cho Việt Nam, nước bên cạnh việc trở thành nhà sản xuất xuất gạo, hạt tiêu, và cà phê hàng đầu, còn là nhà xuất khẩu dầu ròng. Nhưng khi các quốc gia khác như Singapore, Malaysia và Thái Lan cạnh tranh nâng cao giá trị gia tăng với các sản phẩm ngách hay hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao, cho phép họ ít nhất theo được cuộc đua với Trung Quốc, Việt Nam dường như trở thành "bếp ăn" cho một Trung Quốc phát triển mau lẹ.

Rồi Trung Quốc gặp khó khăn với vấn đề bản quyền công nghệ, biểu tình và thiếu lao động lành nghề, khiến nhiều công ty nước ngoài, đặc biệt là của Nhật, chuyển sản xuất trở lại Đông Nam Á. Tệ hơn, chi phí lương tại Trung Quốc còn đang tăng nhanh. Anderson nói: "Cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, bạn có thể thuê bao nhiêu lao động tùy thích tại Trung Quốc. Còn bây giờ, người ta phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi chi phí thuê lao động tăng".

Và thế là cơ hội đến với Việt Nam, nơi có lực lượng lao động được đào tạo tốt, làm việc có nguyên tắc và chi phí lao động cũng rẻ hơn. Lương tối thiểu tại hai thành phố lớn nhất Việt Nam hiện vào khoảng 75 USD/tháng, chỉ bằng nửa chi phí lao động tại các nhà máy thuộc tỉnh Quảng Đông, theo ông Đinh Tuấn Việt, nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng thế giới tại Hà Nội.

Năm nay, Intel khai trương nhà máy sản xuất chất bán dẫn một tỷ USD gần thành phố Hồ Chí Minh để thay thế các cơ sở tại Malaysia, Philippine và Trung Quốc. Trong khi đó, nhá máy sản xuất máy in của Canon gần Hà Nội với hơn 18.000 nhân viên chính là cơ sở lớn nhất của công ty này.

Việt Nam đã tự gắn chặt mình vào chuỗi cung của Trung Quốc. Đơn cử, nhiều bộ phận và linh kiện cho nhà máy sản xuất của Canon tại Việt Nam đến từ Trung Quốc. Một thực tế chứng tỏ mặt trái của nỗ lực theo chân ngành chế tạo Trung Quốc là nhập khẩu máy móc và thiết bị Trung Quốc khiến Việt Nam chịu thâm hụt thương mại khoảng 11,5 tỷ USD với nước này, đặc biệt khi Việt Nam đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng và năng lực chế tạo.

Hiện nay, với việc Trung Quốc đang chuyển nhanh sang các ngành công nghiệp sạch hơn và định hướng tiêu dùng hơn, câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam đã tiến đủ xa để theo bước Trung Quốc chưa. Ông Việt trăn trở: Liệu Việt Nam đã sẵn sàng và có đủ khả năng hấp thụ làn sóng đầu tư mới xuất hiện sau những thay đổi cơ cấu tại Trung Quốc? Việt Nam còn nhiều hạn chế nếu muốn nắm bắt cơ hội trên: cơ sở hạ tầng yếu kém, dịch vụ vận tải chưa phát triển, lực lượng lao động dù dồi dào nhưng còn thiếu nhiều kỹ năng...

Trong khảo sát môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam xếp trên Trung Quốc về khả năng khởi nghiệp và tuyển dụng lao động, nhưng sau Trung Quốc về bảo vệ nhà đầu tư và thực hiện hợp đồng. Việt Nam cũng đứng sau Trung Quốc về Chỉ số Nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế -  thứ 116, so với 78 của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Việt Nam có vẻ đang được sự quan tâm lớn hơn của các nhà đầu tư nước ngoài với tư cách là điểm đến thay thế cho Trung Quốc. Theo Ngân hàng thế giới, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn thực hiện) vào Việt Nam đã tăng gần bốn lần trong giai đoạn 2005-2008, lên 9,58 tỷ USD, và giảm 20% trong giai đoạn khủng hoảng 2009 xuống 7,6 tỷ USD. Trong khi đó, tại Trung Quốc, con số này đã giảm gần một nửa.

Đình Ngân (Theo NYT)

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM

Các tin tức khác

>   Giải ngân FDI năm 2010 đạt 11 tỷ USD (23/12/2010)

>   Vài suy nghĩ về bốn năm Việt Nam gia nhập WTO (23/12/2010)

>   Để phát triển bền vững không là mục tiêu trên giấy (23/12/2010)

>   Thu hút FDI : Nước chảy chỗ trũng (23/12/2010)

>   Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Năm 2011, chi phí sản xuất tăng (23/12/2010)

>   Có gì mới từ 1-1-2011? (22/12/2010)

>   Vốn FDI đổ vào ngành chế biến (22/12/2010)

>   Lãnh đạo TPHCM đối thoại với doanh nghiệp Hàn (22/12/2010)

>   "Dừng dự án bô xít Tân Rai là không khả thi" (22/12/2010)

>   Nợ công, lo chung (22/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật